Chưa bố trí việc làm cho SV diện cử tuyển, lãnh đạo Sở Giáo dục, Nội vụ nói gì?

Dù được cử đi đào tạo theo diện chính sách cử tuyển nhưng nhiều người sau khi tốt nghiệp vẫn thất nghiệp. Vì sao?

Điều 87, Luật Giáo dục 2019 nêu rõ về "chế độ cử tuyển" như sau:

"1. Nhà nước thực hiện tuyển sinh vào trung cấp, cao đẳng, đại học theo chế độ cử tuyển đối với học sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người; học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; có chính sách tạo nguồn cử tuyển, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng này vào học trường phổ thông dân tộc nội trú và tăng thời gian học dự bị đại học.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào nhu cầu của địa phương đề xuất, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển; cử người đi học theo tiêu chuẩn, chỉ tiêu được duyệt; xét tuyển và bố trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.

Cơ sở giáo dục có trách nhiệm hỗ trợ cho người học theo chế độ cử tuyển để bảo đảm chất lượng đầu ra.

3. Người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm trở về làm việc tại địa phương nơi cử đi học; được xét tuyển và bố trí việc làm.

4. Chính phủ quy định chi tiết tiêu chuẩn và đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển; việc tổ chức thực hiện chế độ cử tuyển và việc tuyển dụng người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp".

Tuy nhiên theo ghi nhận, thời gian vừa qua, nhiều địa phương gặp khó trong việc bố trí, sắp xếp việc làm cho người học theo chế độ cử tuyển.

Địa phương cử đi không căn cứ nhu cầu thực tế

Tỉnh Quảng Trị có 2 huyện miền núi có đông người đồng bào thiểu số Vân Kiều, Pa Cô sinh sống là Hướng Hóa và Đakrông. Những năm gần đây, xảy ra tình trạng nhiều sinh viên người dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp đại học hệ cử tuyển trở về địa phương vẫn chưa được bố trí việc làm.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam, ông Trần Hữu Anh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị thừa nhận: “Đúng là ở Quảng Trị hiện nay còn một số trường hợp học xong hệ cử tuyển từ lâu nhưng chưa có việc làm.

Tuy nhiên, để giải quyết cho đội ngũ này cũng không phải một sớm một chiều bởi hiện nay đang thực hiện tinh giản biên chế. Chưa kể, nhiều nơi không căn cứ vào nhu cầu nhân sự của địa phương để cử đi học dẫn đến các em học xong nhưng không thể bố trí việc làm. Để giải quyết dứt điểm thì phải có vị trí việc làm, chỉ tiêu biên chế".

Ảnh minh họa. TTXVN

Ảnh minh họa. TTXVN

Ông Trần Hữu Anh cũng cho biết: “Do địa phương cử đi học nhiều, trong khi đó biên chế ngày càng giảm do phải thực hiện tinh giản biên chế.

Trong giai đoạn 2015-2021 địa phương phải thực hiện tinh giản 10% so với biên chế giao năm 2015 và giai đoạn 2022-2026 là 5% và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với biên chế năm 2021.

Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị đã giảm 2.584 biên chế, nên không thể tuyển dụng, bố trí hết sinh viên tốt nghiệp đại học cử tuyển”.

Riêng đối với công chức cấp xã, ông Trần Hữu Anh cũng cho biết, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2019-2021, toàn tỉnh giảm 16 xã, tương ứng giảm khoảng 320 cán bộ, công chức; thực hiện đưa công an chính quy về xã, từ đó toàn tỉnh giảm thêm 101 công chức là trưởng công an xã, vì vậy biên chế công chức được giao các địa phương đã bố trí hết.

Theo ông Trần Hữu Anh, để giải quyết tình trạng thiếu việc làm đối với sinh viên cử tuyển, Sở Nội vụ tỉnh đã đề nghị các đơn vị liên quan tuyển dụng, bố trí theo quy định.

Bên cạnh đó, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị đề nghị huyện Hướng Hóa và Đakrông rà soát, ưu tiên tuyển dụng, bố trí đối với những người có chuyên môn phù hợp với công chức cấp xã nếu còn vị trí việc làm.

“Tất nhiên họ vẫn phải tham gia tuyển dụng và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí của hội đồng tuyển dụng đúng các quy định hiện hành”, ông Trần Hữu Anh nói.

Không tuyển mới vì phải tinh giản biên chế

Cùng trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, ông Trần Quốc Huy – Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết, từ năm 2015 địa phương đã hạn chế việc cử tuyển.

“Theo quy định hiện hành, không có việc địa phương phải bố trí việc làm cho các cá nhận hệ cử tuyển. Vì căn cứ vào khoản 2 Điều 12 Nghị định 141/2020/NĐ-CP, thay vì đương nhiên được tiếp nhận vào làm việc theo quy định trước đây, người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp sẽ được tổ chức xét tuyển vào các vị trí việc làm.

Việc tuyển dụng những đối tượng được cử đi cử tuyển hiện nay phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, số lượng người làm việc và số biên chế công chức được giao đối với vị trí việc làm là cán bộ, công chức; căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm… của từng địa phương. Do vậy việc cho đến nay chưa tuyển dụng được các đối tượng đã được cử đi học là do địa phương chưa có nhu cầu.

“Trong giai đoạn 2023-2025, Tỉnh đã có chỉ đạo tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý; tạm dừng tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức tại các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn thuộc diện sắp xếp. Không những không tuyển mới, thậm chí trong thời gian tới tỉnh sẽ phải cắt 185 biên chế công chức, còn viên chức giáo dục thì sẽ có tính toán sau”, ông Huy cho biết.

“Các đối tượng cử tuyển tại Thanh Hóa bây giờ cũng bình đẳng như các ứng viên khác khi thi tuyển, không có ưu tiên nào cả. Khi có đợt tuyển, chúng tôi sẽ công khai rõ các tiêu chí để ứng viên nắm được.”, ông Huy cho biết thêm.

Khi được hỏi về số lượng cử tuyển nhưng chưa có việc làm ông Huy cho biết, Sở Nội vụ Thanh Hóa hiện nay chưa tiến hành tổng hợp nên chưa có số lượng cụ thể. Về mặt kinh phí chi cho đối tượng đi cử tuyển, ông Huy cũng cho biết: “Sở Nội vụ không nắm vấn đề này vì thường địa phương, đơn vị nào cử đi họ sẽ có chủ động về kinh phí”.

Trần Phương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chua-bo-tri-viec-lam-cho-sv-dien-cu-tuyen-lanh-dao-so-giao-duc-noi-vu-noi-gi-post236972.gd