Chùa Cầu 'trẻ hóa' vẫn đúng mục đích trùng tu

Theo lãnh đạo Sở ngành địa phương cũng như kiến trúc sư, việc trùng tu chùa Cầu nhằm mục đích cấp bách là giữ công trình bền vững trong mùa mưa bão sắp đến.

 Chùa Cầu sau khi được tu sửa nhìn từ trên cao. Ảnh: Linh Huỳnh.

Chùa Cầu sau khi được tu sửa nhìn từ trên cao. Ảnh: Linh Huỳnh.

Trao đổi với Tri Thức - Znews chiều 29/7, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết việc trùng tu di tích chùa Cầu (Hội An) đã và đang đi đúng thiết kế dự án đã được phê duyệt, đồng thời đảm bảo các quy định pháp lý về trùng tu di tích.

Công trình từng được trùng tu nhiều lần trước đây. Tuy nhiên, việc đại trùng tu lần này là cấp bách bởi nếu không, chùa Cầu có nguy cơ sụp đổ khi mùa mưa bão đến. Kế hoạch trùng tu đã được UBND TP Hội An tiến hành kỹ lưỡng về mặt khoa học, lịch sử, văn hóa và các quy trình, thủ tục pháp lý.

"Đơn vị cũng đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, tham vấn ý kiến cộng đồng, lãnh đạo Hội An qua các thời kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đã được UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt trên cơ sở thẩm định của các cơ quan chuyên môn", ông Hồng cho hay.

Cũng theo ông, việc dư luận có ý kiến khác nhau về kết quả trùng tu di tích là việc rất bình thường, qua đó cho thấy rất nhiều người yêu mến chùa Cầu, Hội An và Quảng Nam nói chung.

"Ngành Văn hóa và TP Hội An luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu, tham khảo để công tác trùng tu các di tích nói riêng và công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích tại Hội An cũng như trên địa bàn tỉnh được tốt hơn. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, gợi mở mang tính xây dựng để tiếp tục nghiên cứu, tham khảo và ứng dụng vào thực tiễn", ông Hồng nói.

Chùa Cầu trong quá trình đại trùng tu vào tháng 1. Ảnh: Thanh Đức.

Chùa Cầu trong quá trình đại trùng tu vào tháng 1. Ảnh: Thanh Đức.

Đồng quan điểm, chia sẻ với Tri Thức - Znews về việc chùa Cầu vấp luồng ý kiến trái chiều khi "quá mới" sau tu bổ, TS. KTS Nguyễn Quốc Tuân, chủ nhiệm Khoa kiến trúc-công trình, Trường Đại học Phương Đông, người có nhiều năm nghiên cứu về việc bảo tồn các công trình kiến trúc, cho biết mục đích quan trọng nhất của việc trùng tu một công trình là gia cố để di tích có thể tồn tại lâu dài hơn, trước những tác động của thời tiết, con người… Cái cần làm rõ là các kết quả so với mục tiêu trùng tu chùa Cầu xác định ban đầu đạt được đến mức nào.

"Chuyện đưa chùa Cầu về hình ảnh ban đầu (rêu, mốc, cũ kỹ) để dư luận thấy 'quen mắt' có thể không phải là đích đến của công việc trùng tu lần này. Tuy nhiên, nếu dư luận nhạy cảm, cần có sự giải thích rõ hơn của những người thực hiện dự án để cộng đồng hiểu hơn", ông Tuân nói.

Cũng theo ông Tuân, việc tạo ra hình ảnh cũ kỹ, rêu mốc không khó, vì nhiều dự án trùng tu đã làm, ví dụ Nhà thờ Lớn Hà Nội. Tuy nhiên, đối với trường hợp chùa Cầu, việc cần làm thao tác này hay không có thể xem xét thêm phản ứng từ thị trường du lịch, thông qua thăm dò, khảo sát du khách và cộng đồng. Bên cạnh đó, theo thời gian, chỉ một năm là màu của công trình sẽ nhạt và có rêu như trước.

 Chùa Cầu trước quá trình trùng tu. Ảnh: Thanh Đức.

Chùa Cầu trước quá trình trùng tu. Ảnh: Thanh Đức.

Trong khi đó, nhận định về phần tường và các chi tiết trang trí trên mái, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết đơn vị tiếp nhận nhiều ý kiến cho rằng nên chọn tông màu, sắc thái sao cho gần nhất với hình ảnh trước khi trùng tu, hoặc làm cho chùa Cầu bớt “mới”.

Tuy nhiên, điều này lại không phù hợp với quan điểm, nguyên tắc “không làm giả” mà dự án đã đề ra, đặc biệt dẫn đến lo ngại sẽ làm sai lệch yếu tố gốc, gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến kết quả của việc nghiên cứu về sau.

Việc phục hồi màu sắc, dù thế nào cũng không thể tránh làm cho di tích có phần "mới" thêm, nhưng điều quan trọng hơn là đã giữ gìn được tính nguyên gốc, đảm bảo tính nguyên tắc trong tu bổ di tích phù hợp với bản chất vốn có của di tích.

"Giải pháp tu bổ xuyên suốt dự án là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử. Tất cả được xem xét kỹ lưỡng để gia cường sự chắc chắn của chùa Cầu, từ từng thanh đá, khối xây viên gạch ngói; cấu kiện gỗ hệ khung - dầm - sàn - rui mái đến từng chi tiết con ke, ván vách...", ông Ngọc chia sẻ.

 Hình ảnh trong quá trình trùng tu cho thấy phần mố cầu, trụ cầu bị nứt, nhiều cột và kèo bị hỏng nặng. Nhiều thanh xà gỗ đỡ mái ngói bị nứt nẻ, cong vênh, không thể khớp với nhau. Các phần mố trụ đỡ xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc vôi vữa... Ảnh: Thanh Đức.

Hình ảnh trong quá trình trùng tu cho thấy phần mố cầu, trụ cầu bị nứt, nhiều cột và kèo bị hỏng nặng. Nhiều thanh xà gỗ đỡ mái ngói bị nứt nẻ, cong vênh, không thể khớp với nhau. Các phần mố trụ đỡ xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc vôi vữa... Ảnh: Thanh Đức.

Chùa Cầu là một cây cầu cổ - di tích nằm trong khu phố cổ Hội An, Quảng Nam, tồn tại khoảng 400 năm. Từ khi được xây dựng đến cuối thế kỷ 20, công trình đã được tu bổ ít nhất 7 lần vào các năm 1763, 1817, 1875, 1915, 1962, 1986, 1996, theo Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.

Tháng 7/1999, chùa Cầu được trùng tu nhưng chỉ dừng lại ở mức gia cố, chống đỡ để tránh nguy cơ sụp đổ di tích (do quan ngại sẽ làm công trình “mới đi và trẻ ra”; và chưa tìm được giải pháp phù hợp nhất cho việc trùng tu công trình mang tính biểu tượng này). Song, di tích vẫn bị xuống cấp một cách trầm trọng.

Ngày 28/12/2022, chùa cầu chính thức bước vào giai đoạn đại trùng tu. Sau hơn 19 tháng triển khai thi công, cuối tháng 7/2024, công tác tu bổ đã hoàn thành và dự kiến khánh thành vào ngày 3/8.

Theo giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, hồ sơ về quá trình tu bổ di tích chùa Cầu đã được đơn vị tập hợp, biên soạn và xuất bản với tên gọi “Tu bổ di tích chùa Cầu”. Tài liệu sẽ được phát hành vào đúng dịp mừng việc hoàn thành công trình.

Tường Vi

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chua-cau-tre-hoa-van-dung-muc-dich-trung-tu-post1488978.html