Chưa chắc đã tốt khi kết thân với sếp

Cố gắng trở nên thân thiết hơn với sếp không phải là một điều xấu. Tuy nhiên, bạn cần chú ý chừng mực để tránh xảy ra tranh cãi không mong muốn.

 Làm thân không đúng cách sẽ làm mối quan hệ với sếp trở nên xấu đi.

Làm thân không đúng cách sẽ làm mối quan hệ với sếp trở nên xấu đi.

Nhiều người có thói quen làm bạn với mọi người tại nơi công sở, trong đó có sếp. Dù vậy, điều này thực chất không hề đơn giản. Nếu không tinh ý, bạn sẽ rất dễ rơi vào những tình huống khó xử.

Bên cạnh đó, bạn nên biết rằng một số người lãnh đạo mang tâm lý rạch ròi. Đối với họ, văn phòng không dành cho việc kết bạn.

Dưới đây, Times of India đưa ra những điểm đáng để bạn cân nhắc trước khi tiến tới “làm thân” với sếp.

Thân thiện khác thân thiết

Bạn nên dành thêm thời gian quan sát thái độ của sếp để tránh hiểu nhầm ý định thật sự của họ.

Một số chỉ đơn thuần đối xử tốt với nhân viên mà không hề có ý định trở nên gần gũi hơn.

Trở thành bạn bè là một việc cần sự bồi đắp lâu dài. Chưa kể, không phải cấp trên nào cũng có thể tỏ ra thân thiện thường xuyên.

Thậm chí, họ sẵn sàng vạch ra ranh giới rõ ràng để nhân viên khó tiến xa hơn ngoài mối quan hệ công việc.

Chuyện riêng tư nên giữ ‘riêng tư’

Sếp tốt bụng và thân thiện đến đâu, bạn vẫn không nên kể lể cuộc sống cá nhân của bạn cho họ.

Việc bày tỏ quá nhiều hiếm khi được hoan nghênh hay đem về cho bạn sự tôn trọng tại nơi làm việc.

Cấp trên còn có nguy cơ trở thành nhà tư vấn tâm lý bất đắc dĩ nếu bạn luôn có vấn đề kể lể.

Hãy biết rằng họ sẽ không thực sự quan tâm đến bạn trừ khi khó khăn bạn gặp phải ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công việc.

Tinh ý

Là nhân viên, bạn nên lắng nghe, quan sát và chỉ lên tiếng khi cần thiết.

Trong vài trường hợp, sếp sẽ chú ý tới những người đồng nghiệp trầm lặng nhưng làm việc chăm chỉ của bạn nhiều hơn.

Vì vậy, nếu thực sự muốn trở thành bạn với sếp, bạn hãy gây ấn tượng bằng cách ứng xử khéo léo, tinh tế thay vì chỉ nói.

Nói không với chuyện phiếm

Bạn sẽ được đánh giá cao hơn nếu không bàn tán hay đồn đại chuyện công sở với sếp.

Một số người sẽ thoải mái tham gia nói chuyện với mục đích thăm dò, tìm hiểu rõ hơn về nhân viên của mình.

Tuy nhiên, tin đồn, chuyện phiếm khó bao giờ chấm dứt được. Thêm vào đó, khả năng lan truyền của chúng nhanh chóng và không lường trước. Nếu không cẩn thận, chính bạn có thể trở thành tâm điểm cho sự hoài nghi của sếp về một người tọc mạch, không biết giữ bí mật.

Thiên Trang

Ảnh: Pexels

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chua-chac-da-tot-khi-ket-than-voi-sep-post1365323.html