Chưa cho phép bay 'một hành trình - hai điểm đến' ở Vân Đồn

Liên quan kiến nghị của Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Vân Đồn muốn cho phép bay 'một hành trình - hai điểm đến', Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho rằng, căn cứ Luật Hàng không Việt Nam (HKVN) và thực tiễn kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới, việc áp dụng chính sách cho phép các hãng hàng không nước ngoài khai thác quyền vận chuyển khách tạm dừng giữa các điểm tại Việt Nam thời điểm này là chưa phù hợp.

Sân bay Vân Đồn.

Sân bay Vân Đồn.

NDĐT - Liên quan kiến nghị của Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Vân Đồn muốn cho phép bay “một hành trình - hai điểm đến”, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho rằng, căn cứ Luật Hàng không Việt Nam (HKVN) và thực tiễn kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới, việc áp dụng chính sách cho phép các hãng hàng không nước ngoài khai thác quyền vận chuyển khách tạm dừng giữa các điểm tại Việt Nam thời điểm này là chưa phù hợp.

Ưu tiên các hãng hàng không Việt chuyên chở

Được khởi công từ năm 2015 tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), sân bay Vân Đồn có diện tích 325ha với tổng mức đầu tư 7.463 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Ninh 734 tỷ đồng. Đây là cảng hàng không đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp 2, có thể đón các máy bay lớn.

CHKQT Vân Đồn có công suất 2,5 triệu khách/năm, giờ cao điểm có thể đón 1.250 người. Hệ thống sân đỗ đến năm 2020 đạt tối thiểu bốn vị trí đỗ máy bay; đến năm 2030 mở rộng lên tối thiểu bảy vị trí đỗ máy bay.

Dự kiến, Vân Đồn khai thác các đường bay đến và đi từ các nước Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,…) và Đông Nam Á (Thái-lan, Malaysia, Singapore, Cam-pu-chia). Tại thị trường trong nước, chủ đầu tư tập trung vào khu vực miền trung và miền nam như Huế, Đà Nẵng, Cam Ranh, Đà Lạt, Phú Quốc.

Ngày 6-6 vừa qua, sân bay Vân Đồn đã đón chuyến bay quốc tế đầu tiên từ Seoul (Hàn Quốc) tới. Trước đó, chuyến bay thương mại đầu tiên đến Vân Đồn vào ngày 30-12-2018 do Vietnam Airlines thực hiện với hành trình TP Hồ Chí Minh - Quảng Ninh.

Hiện nay, CHKQT Vân Đồn đang khai thác duy nhất tuyến TP Hồ Chí Minh - Vân Đồn. Để phát triển các đường bay quốc tế, Vân Đồn dự kiến trong giai đoạn đầu sẽ tập trung vào các chuyến bay thuê chuyến quốc tế (charter). Tuy nhiên, các chuyến bay charter hiện nay chỉ được phép đến một hành trình cố định và khách du lịch sẽ phải lựa chọn phương tiện khác để đi lại cũng gây cản trở đến việc du lịch.

Phía CHKQT Vân Đồn thông tin thêm, khi làm việc với các đơn vị lữ hành làm về charter, rất nhiều đơn vị quan tâm đến chính sách cho phép quyền bay một hành trình - hai điểm đến(own stop-over right). Đó là cho phép khách du lịch khi bay đến Vân Đồn ở lại 2-3 ngày, sau đó bay tiếp đến điểm thứ 2 như Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Phú Quốc, Liên Khương,...

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, do Quảng Ninh là điểm đến mới nên bước đầu, việc xây dựng chương trình du lịch riêng tới Quảng Ninh thông qua CHKQT Vân Đồn sẽ chưa thật sự thu hút được khách du lịch. Bên cạnh đó, hiện tại mới có duy nhất đường bay nội địa thường lệ kết nối Quảng Ninh với TP Hồ Chí Minh nên du khách muốn khám phá nhiều điểm phải sử dụng phương tiện đường bộ đến CHKQT Nội Bài, Cát Bi mới có thể kết nối hãng không tới các điểm đến khác tại miền trung, miền nam.

Chính vì thế, Bộ GTVT khuyến khích CHKQT Vân Đồn trao đổi với các công ty du lịch lữ hành ưu tiên phối hợp các hãng HKVN xây dựng sản phẩm du lịch đưa khách du lịch nước ngoài đến, kết hợp nhiều điểm đến tại Việt Nam; trong đó, các hãng HKVN là nhà chuyên chở. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề nghị các hãng HKVN tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thị trường để xây dựng kế hoạch mở các đường bay mới đi/đến sân bay Vân Đồn.

Khai thác theo hướng nào?

Theo Cục HKVN, quyền chở khách tạm dừng trên chặng nội địa là quyền mà mà nhà chức trách hàng không quốc gia cho phép hãng hàng không nước ngoài thực hiện khai thác đường bay quốc tế thường lệ, đưa khách nhập cảnh tại điểm thứ nhất, một số ngày sau đón khách tới các điểm khác trong lãnh thổ trước khi xuất cảnh.

Tuy nhiên, cho đến nay, trong số 68 hiệp định vận chuyển hàng không đã ký với các quốc gia/vùng lãnh thổ, Việt Nam chưa có bất kỳ thỏa thuận chính thức nào cho phép các hãng hàng không khai thác quyền chở khách tạm dừng trên chặng nội địa của bên kia. Riêng đối với quyền khai thác chuyến bay quốc tế kết hợp nhiều điểm, Việt Nam đã và đang cho phép các hãng hàng không thực hiện các chuyến bay quốc tế thường lệ với quyền này.

Phó Cục trưởng HKVN Võ Huy Cường cho biết, trong khuôn khổ hội nghị chuyên đề về vận tải hàng không lần thứ 4 (IATS 4) do Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) tổ chức đầu tháng 5 vừa qua tại Hàn Quốc, đại diện Cục HKVN đã trao đổi ý kiến với chuyên gia ICAO về thực tiễn áp dụng quyền chở khách tạm dừng trên thế giới.

Theo chuyên gia ICAO, quyền này được ICAO đưa ra để các quốc gia tùy tình hình thực tiễn, nhu cầu phát triển để thỏa thuận với các đối tác áp dụng trong một giai đoạn nhất định nhằm khuyến khích, thúc đẩy giao lưu hàng không, thu hút khách du lịch. Riêng Thái-lan, trong giai đoạn những năm 1990, đã từng cho phép các hãng HKVN khai thác quyền chở khách tạm dừng giữa Bangkok và Chiang Mai nhằm thúc đẩy du lịch ở Thái-lan.

Hiện nay, các hãng hàng không nước ngoài, nhất là hàng không Nga đã khai thác nhiều chuyến bay chở khách du lịch tới các điểm đến Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc,… với thời gian lưu trú tương đối dàig (1-2 tuần).

Đối với phương án các hãng HKVN là nhà chuyên chở, phương án này thật sự hiệu quả đối với các thị trường khách du lịch tại Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), các hãng HKVN đang khai thác tương đối thuận lợi để kết nối đến Nha Trang, Đà Nẵng,… Đối với các thị trường xa tại châu Âu, hiện các hãng HKVN vẫn hạn chế về đội tàu bay tầm xa nên hoạt động thuê chuyến chủ yếu vẫn do các hãng hàng không nước ngoài thực hiện.

Trong trường hợp các hãng HKVN không thể tham gia chuyên chở, Bộ GTVT giao Cục HKVN xem xét, cấp phép cho các hãng hàng không thực hiện hoạt động khai thác kết hợp nhiều điểm đến tại Việt Nam phù hợp quy định hiện hành, theo nguyên tắc chỉ cấp cho các chuyến bay không thường lệ; chỉ cấp trên các đường bay không có hoạt động khai thác quốc tế và nội địa của các hãng HKVN; nhập, xuất cảnh toàn bộ cả đoàn khách và không xem xét kết nối tới các CHKQT đang hạn chế khai thác gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh.

Cục HKVN đã họp với các hãng HKVN và các cơ quan liên quan về ý kiến của CHKQT Vân Đồn. Hiện tại, các hãng HKVN, nhất là Vietnam Airlines đã phối hợp các đối tác du lịch để xây dựng các sản phẩm thuê chuyến không thường lệ đưa khách du lịch từ Hàn Quốc, Trung Quốc tới Quảng Ninh, trong đó có cả phương án kết hợp thêm các điểm khác tại Việt Nam nhằm tạo sản phẩm du lịch đa dạng, tăng thời gian lưu trú.

Theo đại diện một hãng hàng không, việc áp dụng chính sách cho phép thực hiện quyền vận chuyển khách tạm dừng đối với hoạt động thường lệ chỉ xem xét trên cơ sở có đi có lại, không áp dụng đơn phương. Đối với các thị trường mà hãng hàng không Việt Nam chưa thể cung cấp dịch vụ, đại diện hãng bay này cho rằng chỉ xem xét cho phép hãng hàng không nước ngoài khai thác đường bay quốc tế không thường lệ kết hợp các điểm tại Việt Nam trên các đường bay quốc tế, nội địa mà không có hãng hàng không Việt Nam khai thác.

TRANG LY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40493402-chua-cho-phep-bay-%E2%80%9Cmot-hanh-trinh-hai-diem-den%E2%80%9D-o-van-don.html