Chữa chóng mặt bằng Đông y ai cũng nên biết

Chóng mặt là một triệu chứng mà có lẽ ai trong đời cũng có thể gặp. Khi có biểu hiện chóng mặt người bệnh không nên chủ quan, cần tìm được nguyên nhân gây chóng mặt và điều trị triệt để.

1. Nguyên nhân gây chóng mặt

Theo BS nội trú Nguyễn Thành Vương – Khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Y Hà Nội, chóng mặt là cảm giác mất thăng bằng, người bệnh cảm thấy chính mình hoặc môi trường xung quanh mình quay cuồng, kèm theo hoa mắt khó giữ được thăng bằng và có thể ngã chấn thương…

Mặc dù, chóng mặt là một triệu chứng nhưng cơ chế hình thành triệu chứng chóng mặt rất phức tạp, thường do rối loạn trong cảm nhận phương hướng, thăng bằng của cơ quan thần kinh và tiền đình ốc tai. Vì vậy, chóng mặt là triệu chứng của nhiều loại bệnh khác nhau, có thể là bệnh đơn giản nhưng có thể là trọng bệnh, do vậy khi thấy chóng mặt không nên chủ quan, xem thường.

Có nhiều nguyên nhân gây chóng mặt: Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính; do viêm dây thần kinh tiền đình; mắc hội chứng Méniere (bệnh ứ nước nội dịch vô căn); bị rối loạn tiền đình; bị đột quỵ hoặc do chấn thương vùng đầu, cổ, khối u; bệnh đau đầu Migrain; tác dụng phụ của thuốc…

Chóng mặt do nhiều nguyên nhân gây ra.

Chóng mặt do nhiều nguyên nhân gây ra.

Cũng theo BS Vương, Đông y gọi chóng mặt là 'huyễn vựng:

-'Huyễn' có nghĩa là hoa mắt, trước mắt tối sầm, không nhìn thấy gì.

-'Vựng' là choáng váng, có cảm giác mọi vật quay cuồng, mất thăng bằng không thể đứng vững.

Trường hợp huyễn vựng nhẹ, chỉ cần nhắm mắt lại là hết. Trường hợp bệnh phát nặng, cảm thấy người tròng trành, nghiêng qua nghiêng lại, như đang ngồi trên thuyền, trên xe...

Nguyên nhân dẫn tới chóng mặt có thể do khí huyết hư suy, công năng vận hóa của tạng tỳ (chức năng tiêu hóa) bị suy yếu, khiến cho đàm trọc (các chất cặn bã trong quá trình chuyển hóa) úng tắc ở bên trong, gây rối loạn thanh khiếu (giác quan) mà dẫn tới chóng mặt.

Hoặc do âm dương trong cơ thể mất cân bằng - chủ yếu là can thận âm hư (phần âm trong các tạng can, thận bị suy yếu), không đủ sức cân bằng, khống chế can dương (phần dương trong tạng can), khiến cho 'can phong nội động'.

'Phong' và 'hỏa' ở tạng can xung ngược lên phía trên, làm rối loạn tâm khiếu, mà gây nên bệnh.

Ý dĩ vị thuốc trong bài Cháo ý dĩ trần bì hỗ trợ trị chóng mặt.

Ý dĩ vị thuốc trong bài Cháo ý dĩ trần bì hỗ trợ trị chóng mặt.

2. Các phương pháp trị chóng mặt của Đông y

BS. Nguyễn Thành Vương giới thiệu các phương pháp điều trị chứng chóng mặt của Đông y như sau:

Bài thuốc

Tùy theo từng nguyên nhân gây chóng mặt mà dùng bài thuốc phù hợp như sau:

- Chóng mặt do đàm thấp với các biểu hiện như đầu choáng, mắt hoa, lồng ngực đầy tức, nôn ọe không muốn ăn, người ậm ạch, béo phì, mệt mỏi, ngủ nhiều, rêu lưỡi trắng nhợt, mạch hoạt.

+ Phương pháp điều trị: Bổ tỳ tiêu đàm thấp.

+ Dùng bài thuốc: Bán hạ bạch truật thiên ma thang.

- Chóng mặt do can thận âm hư với các biểu hiện đau đầu, choáng váng, hoa mắt, căng cắn buốt hai thái dương, lưng đau, ù tai, phiền khát, ít ngủ, ra mồ hôi trộm, miệng đắng. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch tế sác.

+ Phương pháp điều trị: Bình can tiềm dương.

+ Bài thuốc: Thiên ma câu đằng ẩm.

- Chóng mặt do tâm huyết và tỳ khí hư: Biểu hiện là hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, chân tay bủn rủn, sắc mặt trắng bệnh, môi nhợt, ăn kém, ngại nói, thở ngắn, tim hồi hộp, tiểu tiện sẻn, đại tiện lỏng, nặng thì choáng ngất. Rêu lưỡi trắng, chất lưỡi bệu.

+ Phương pháp điều trị: Bổ khí huyết, an thần.

+ Dùng bài thuốc: Nhân sâm dưỡng vinh thang.

- Chóng mặt do mệnh môn hỏa suy với các biểu hiện như đầu choáng, hoa mắt, đau đầu từng cơn, chân tay lạnh, đầu nóng, mặt nóng bừng bừng, ăn uống kém, sôi bụng. Nặng thì choáng váng có thể ngã ngất kèm theo ngũ canh tiết tả (ngủ dậy đi ngoài ngay), chất lưỡi bệu, mạch trầm tế vô lực.

+ Phương pháp điều trị: Bổ thận dương dẫn hỏa quy nguyên.

+ Bài thuốc: Bát vị quế phụ.

Lưu ý, người bệnh cần đi khám để được dùng thuốc thích hợp.

Món ăn

Có thể sử dụng một số món ăn bài thuốc hỗ trợ trị hoa mắt chóng mặt do đờm thấp như: Cháo ý dĩ trần bì, cháo linh chi xích tiểu đậu, cháo trúc nhự địa long...

Day ấn huyệt ấn đường làm giảm chóng mặt.

Day ấn huyệt ấn đường làm giảm chóng mặt.

Xoa bóp bấm huyệt chữa chóng mặt

Hàng ngày dùng ngón tay trỏ hoặc giữa tự day ấn các huyệt như huyệt ấn đường, hợp cốc, thần đình, bách hội, nội quan, túc tam lý, phong trì, tam âm giao... Nên day ấn cả hai bên ngày một vài lần, mỗi huyệt 5-10 phút.

Tác dụng: Khai khiếu, định thần chí, kiện tỳ, thanh hỏa, hóa đàm...

Tự xoa bóp: Xoa trán trị chóng mặt, xoa sau gáy, hai ổ mắt, đỉnh đầu, xoa và đánh trống mang tai.

Công dụng: Điều hòa khí huyết thanh can giáng hỏa, định thần, trị chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tăng cường máu lên não...

Ngoài ra, một số động tác giúp hạn chế các cơn chóng mặt bạn có thể kiên trì tập hằng ngày như động tác ngửa cổ lên trời, động tác cái cày, tập vẩy tay…

Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng cũng có ảnh hưởng tới chứng chóng mặt. Người bệnh chóng mặt nên ăn những thực phẩm hỗ trợ tốt cho hoạt động của hệ thần kinh và hệ miễn dịch. Cụ thể là các thực phẩm giàu vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B6, B9, vitamin C, magie... Uống đủ nước, đặc biệt là nước các loại trái cây.

Người bệnh cần hạn chế các loại thực phẩm chứa lượng đường và muối cao. Tránh các loại đồ uống và thực phẩm có chứa các chất kích thích như: Cà phê, rượu, bia, thuốc lá... vì các chất này có thể khiến tình trạng chóng mặt tăng lên.

3. Phòng ngừa chóng mặt

- Tránh chất kích thích: Tránh các chất ảnh hưởng đến lưu thông máu đến não bao gồm caffein, sô cô la, rượu... Những chất này có thể kích thích dây thần kinh dẫn đến co thắt mạch máu làm tăng cảm giác chóng mặt, đặc biệt là uống các loại này khi dạ dày đang trống rỗng.

- Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc để não được nghỉ ngơi đầy đủ. Không có giấc ngủ ngon có thể gây ra hoặc làm nặng thêm chứng chóng mặt. Cố gắng có được một giấc ngủ trọn vẹn bắt đầu vào cùng một thời điểm mỗi đêm và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi sáng. Mặc dù nhu cầu ngủ của mỗi người là khác nhau, nhưng người lớn đều cần từ 6 đến 8 giờ ngủ. Trẻ em và thiếu niên cần ngủ nhiều hơn.

- Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh.

- Tập thể dục thường xuyên, tập yoga để giảm căng thẳng.

Mai Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chua-chong-mat-bang-dong-y-ai-cung-nen-biet-169230716235554373.htm