Chưa có kết luận thanh tra, Asanzo tổ chức họp báo tự tuyên bố 'được minh oan'
Sáng ngày 17/9 tại Hà Nội, Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo đã chính thức họp báo chính thức dưới sự điều hành của ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty với tiêu đề 'Asanzo được minh oan'.
Asanzo được minh oan?
Tại buổi họp báo, ông Phạm Văn Tam cho biết, hôm nay là ngày 89 kể từ khi cáo buộc Asazo giả xuất xứ hàng hóa xuất hiện trên mặt báo, gây ra cuộc khủng hoảng toàn diện kéo dài với Asanzo, khiến hệ thống phân phối tê liệt, sản xuất kinh doanh đình đốn.
Ông Tam cho biết: "Trong 89 ngày bị quy kết sai ấy, chúng tôi đã đón tiếp rất nhiều đoàn thanh kiểm tra của các bộ, ngành với tổng cộng 106 cán bộ, công chức vào làm việc với doanh nghiệp. Trong quá trình đó, chúng tôi đã tích cực hợp tác với các đoàn làm rõ các vấn đề liên quan, với mong mỏi có kết luận nhanh nhất có thể để công ty chúng tôi quay lại với công việc sản xuất kinh doanh".
"Đến hôm nay các đoàn thanh tra của Bộ ban ngành đã cơ bản kết thúc công việc và công ty đã nhận được kết luận. Trong tất cả các văn bản kết luận đó, ngoài những thiếu sót hành chính, không có kết luận nào cho thấy Asanzo vi phạm pháp luật trong việc mua bán xuất nhập khẩu, ghi nhãn xuất xứ hàng hóa hay các quy định pháp luật trong sản xuất và kê khai đóng thuế", Chủ tịch Hội đồng Quản trị Asanzo cho biết.
Cũng theo ông Tam, đối chiếu với những cáo buộc thì những văn bản kết luận này cùng với văn bản của VCCI báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước đó khẳng định một điều rằng, Asanzo không sai.
Ông Tam cho biết, ngay sau khi công ty được "minh oan" sẽ trở lại hoạt động bình thường.
Cơ quan điều tra chưa công bố kết luận
Theo doanh nghiệp này, ngày 1/8/2019, Tổng cục Quản lý thị trường có văn bản gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia để báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh đối với Asanzo. Trong báo cáo này không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về ghi xuất xứ hàng hóa, sau khi đã kiểm tra việc ghi nhãn hàng hóa của doanh nghiệp.
Cùng với đó, VCCI - tổ chức có chức năng cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O - cũng đã thành lập tổ công tác để xác minh vấn đề ghi xuất xứ hàng hóa của Asanzo. Tổ công tác của VCCI kết luận rằng đối với các sản phẩm điện tử được Asanzo lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hóa "sản xuất tại Việt Nam", "chế tạo tại Việt Nam", "xuất xứ Việt Nam" là đúng quy định của pháp luật.
Lãnh đạo Asanzo cho rằng doanh nghiệp mình không sai phạm về nhập khẩu. Ngày 15/8, Cục Kiểm tra sau thông quan đã có kết luận về doanh nghiệp. Cụ thể: "Trên cơ sở hồ sơ tài liệu, số liệu, thông tin do công ty cung cấp, tại thời điểm kiểm tra chưa phát hiện sai phạm về khai báo hải quan đối với hàng hóa tại một tờ khai hải quan xuất khẩu, 26 tờ khai hải quan nhập khẩu".
Lý giải thêm, đại diện Asanzo cho biết họ có hợp tác với Sharp Roxy - một công ty con của tập đoàn Sharp (Nhật Bản) đặt tại Hong Kong. Ngày 12/9/2019, Sharp Roxy có văn bản cho biết "theo yêu cầu của Công ty Asanzo, chúng tôi tuyên bố và khẳng định rằng chúng tôi đang có hợp đồng kinh doanh với Asanzo, bao gồm bán linh kiện điện tử, chuyển giao phần mềm, công nghệ và cách làm, cùng với các dịch vụ liên quan. Cho đến bây giờ, hợp đồng vẫn có hiệu lực".
Lãnh đạo Asanzo cũng cho rằng không có bất cứ quan hệ nào với Công ty Sa Huỳnh và 14 công ty cung cấp hàng hóa, linh kiện khác.
Trả lời trên Tiền Phong, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ông Đàm Thanh Thế khẳng định: "Đấy là việc của Asanzo, họ làm phải đúng quy định pháp luật. Còn việc điều tra của cơ quan chức năng đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức. Khi nào có kết luận chính thức tôi sẽ công bố với báo chí".
Theo quy định, ngày 30/8 là thời hạn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng phải có kết luận thanh tra Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo liên quan "nghi án Asanzo bán hàng Trung Quốc gắn mác Việt". Tuy nhiên, đến nay cơ quan điều tra vẫn chưa công bố kết luận vụ việc với báo chí và truyền thông.