Chưa có nhiều cuộc gọi vốn và kết nối đến các nhà đầu tư cho thanh niên
Chưa có nhiều cuộc gọi vốn, chưa có kết nối đến các nhà đầu tư cho thanh niên là chia sẻ của Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn tại buổi đối thoại với đoàn viên thanh niên, thiếu nhi.
Theo baochinhphu, buổi đối thoại "Thanh niên Việt Nam - Vững tin tiếp bước", vừa diễn ra trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, gồm nhiều nội dung: Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng; giải đáp thắc mắc; tiếp thu những đề xuất, kiến nghị, hiến kế của đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi; thông tin đến đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi những nội dung cốt lõi của Chương trình công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2021 và Tháng Thanh niên 2021; các hoạt động kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Chương trình đối thoại có hơn 70 điểm xem trực tiếp qua phần mềm Zoom, từ các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc, với sự tham gia của các bạn thanh niên tiêu biểu ở trong và ngoài nước.
Nguồn vốn cơ bản hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp chỉ phù hợp tại nông thôn
Tại Chương trình đối thoại, bạn Trần Thiện Quang - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc hỏi: "Nhiều bạn du học sinh Việt Nam ở nước ngoài có mong muốn trở về nước lập nghiệp, tìm kiếm việc làm, tuy nhiên còn băn khoăn về môi trường làm việc và việc đãi ngộ có tốt hay không. Trước lựa chọn ở lại nước ngoài và trở về nước đóng góp, nhiều bạn không khỏi lo lắng. Từ góc độ của Đoàn, xin Bí thư thứ nhất cho biết giải pháp nào để hỗ trợ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về nước làm việc, đóng góp cho đất nước trong thời gian tới?"
“Đây là câu hỏi không mới khi nói về sự băn khoăn của người trẻ Việt Nam đi ra nước ngoài học tập, công tác. Với bối cảnh công nghệ số hiện nay, ranh giới giữa các quốc gia không còn lớn như cách đây 10 năm trước nữa. Chúng ta hoàn toàn đóng góp được vào sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, về trong nước thì đóng góp trực tiếp, cụ thể hơn, nhiều hơn.
Điều kiện Việt Nam bây giờ rất tốt. Các bạn thấy, rất nhiều thanh niên nước ngoài tìm đến Việt Nam tìm đến cơ hội làm việc trong các tập đoàn kinh tế, cũng như cơ hội lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp.
Trong bối cảnh nếu còn những rào cản, thì người trẻ phải là người khai phá, tiên phong, thay đổi. Nếu ngồi chờ thay đổi theo ý mình, thì mới về công tác cống hiến thì không có ai đi đầu khai phá, cống hiến cả” - Bí thư thứ nhất Nguyễn Anh Tuấn trả lời.
Bạn Lê Anh Tiến, CEO Chatbot Việt Nam, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 trong lĩnh vực kinh doanh - khởi nghiệp đề nghị Bí thư thứ nhất cho biết quan điểm đánh giá về những vấn đề Đoàn Thanh niên các cấp đã thực hiện được trong hỗ trợ đoàn viên, thanh niên tiếp cận nguồn vốn, trang bị kiến thức kỹ năng khởi nghiệp?
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết có các nguồn vốn cơ bản để hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp như vốn thông qua tín dụng chính sách. Tuy nhiên nguồn vốn này chỉ phù hợp với các bạn thanh niên nông thôn, và vay vốn chỉ lên tới 1 tỷ đồng không cần thế chấp, nhưng có nhiều bạn chưa thực sự biết làm đề án kêu gọi vốn, chưa thực sự thuyết phục để kêu gọi đầu tư. Cùng với đó, vốn đến từ các quỹ thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên chưa có nhiều cuộc gọi vốn, chưa có kết nối đến các nhà đầu tư cho các bạn trẻ. Vốn từ Ủy ban của các địa phương ủy thác vào quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp; đến nay 8 tỉnh thành phố đã có vốn ủy thác vào quỹ hộ trợ thanh niên lập nghiệp, tạo cơ chế về mặt nguồn vốn cho các bạn thanh niên.
Người trẻ phải khai phá, tiên phong, thay đổi
Bạn Nguyễn Thị Diệp Anh, Bí thư Đoàn phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP Hà Nội đặt câu hỏi: “Trong nhiệm kỳ 2017-2022, Đoàn triển khai 3 phong trào hành động cách mạng và 3 chương trình đồng hành với thanh niên. Bí thư thứ nhất đánh giá như thế nào về mức độ triển khai các phong trào và chương trình hành động của Đoàn trong giai đoạn vừa qua và định hướng trong thời gian tới, về phạm vi ảnh hưởng, tác động của các chương trình đồng hành đối với các đối tượng thanh niên?"
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Sau quá trình triển khai các phong trào, chương trình, chúng tôi rút ra 3 quan điểm lớn: Muốn phát huy thanh niên, cần phải đồng hành với thanh niên; bối cảnh thanh niên hiện nay có nhiều sự thay đổi, đa dạng, phân tầng, nên cần có phong trào nhánh cụ thể vào từng đối tượng thanh niên; phong trào thanh niên phải được đo đếm bằng hiệu quả làm lợi cho cộng đồng, xã hội, đất nước. Khi sơ kết giữa nhiệm kỳ cho thấy, 3 phong trào hành động cách mạng và 3 chương trình đồng hành với thanh niên được triển khai rộng khắp, đồng đều đến mọi đối tượng thanh niên”.
Bạn Lò Bá Chầu (dân tộc Dao), huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đặt câu hỏi: "Trung ương Đoàn có các giải pháp, cơ chế gì để tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế, tháo gỡ những khó khăn cho thanh niên tại các Làng thanh niên lập nghiệp do Trung ương Đoàn đầu tư xây dựng trong thời gian tới?"
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Quản Bạ chưa có làng thanh niên lập nghiệp, hiện tỉnh Hà Giang chỉ mới có một làng thanh niên lập nghiệp tại huyện Vịnh Xuyên. Mô hình Làng thanh niên lập nghiệp được xây dựng thí điểm từ 2001-2020, sau đó phát triển tiếp ở biên giới. Về cơ bản, những làng này đã góp phần tạo ra công ăn việc làm, giữ vững được an ninh trật tự, bảo đảm an ninh biên giới quốc gia.
Tuy nhiên các làng đều trong những vùng sâu vùng xa khó khăn về giao thông, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm làm ra, có hiện tượng cơ sở vật chất xuống cấp, nhiều thanh niên bỏ làng đi khi hết hỗ trợ ban đầu.
Trong thời gian tới, Trung ương Đoàn sẽ phối hợp cùng các đoàn cơ sở, các địa phương sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp bàn giao công nghệ, đầu tư, củng cố lại cơ sở vật chất tại địa phương để duy trì dân sinh, xây dựng các khu vui chơi học tập cho trẻ em, xây dựng lại đường xá, cơ sở giao thông hạ tầng và triển khai các mô hình sinh kế đến từng hộ gia đình.