Chưa có quy định thế nào là 'gỗ hợp pháp' trong mua sắm công ở Việt Nam

Trên thế giới, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ rất quan tâm tới vấn đề tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ. Việt Nam đã ký kết với châu Âu và việc hoàn thiện chính sách để đảm bảo tính hợp pháp của gỗ trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Sáng 31/3, Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) với sự hỗ trợ của Tổ chức Forest Trends tổ chức hội thảo “Bảo đảm gỗ hợp pháp trong đấu thầu mua sắm công ở Việt Nam - Thực thi Hiệp định VPA-FLEGT”.

"Gỗ hợp pháp" chưa được định nghĩa trong mua sắm công ở Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Tại hội thảo, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các kết quả khảo sát mới đây của VCCI cho thấy, trong đấu thầu mua sắm công các sản phẩm từ gỗ hiện nay ở Việt Nam, các gói thầu đều có nguy cơ cao không đảm bảo được yếu tố gỗ hợp pháp mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ bên mời thầu. Thực tế nói trên cũng cho thấy so với yêu cầu gỗ hợp pháp của VPA-FLEGT thì các quy định hiện tại về pháp luật đấu thầu chưa bảo đảm được sản phẩm gỗ trong đấu thầu là gỗ hợp pháp.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch thường trực VCCI cho biết: “Việt Nam đã thể hiện quyết tâm lớn trong việc thực hiện quản trị rừng, cũng như phát triển ngành chế biến gỗ một cách bền vững. Chúng ta sẽ đảm bảo tất cả sản phẩm gỗ dù tiêu thụ nội địa, xuất khẩu đi EU hay các quốc gia khác đều là gỗ hợp pháp”.

Được biết, Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (viết tắt là VPA-FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được ký kết ngày 19/10/2018 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2019.

Những tuyên bố và ký kết trên cho thấy Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một cam kết mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo rà soát pháp luật đấu thầu của Trung tâm WTO và Hội nhập cho thấy, pháp luật đấu thầu hiện chưa có yêu cầu cụ thể và có tính hệ thống về tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua sắm công, trong đó có các sản phẩm gỗ. Pháp luật đấu thầu cũng không có cơ chế thường xuyên và ràng buộc nào trong việc đảm bảo gỗ mua sắm cũng là gỗ hợp pháp.

“Luật Đấu thầu 2014 chỉ nêu nguyên tắc chung về áp dụng luật mà không có quy định điều kiện tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ”, Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập phát biểu: “Trong Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu và các thông tư về mẫu hồ sơ mời thầu các quy định không đủ bảo đảm sản phẩm gỗ mua sắm là hợp pháp theo VPA-FLEGT”.

Theo báo cáo từ VCCI, trong 100 bộ hồ sơ mời thầu mua sắm đồ gỗ nội thất do các cơ quan Nhà nước các cấp, các đơn vị sự nghiệp, DNNN đã từng thực hiện trong giai đoạn 2016-2018 qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (VNEPS), có tới 77% hồ sơ mời thầu không có yêu cầu về bất cứ khía cạnh nào của tính hợp pháp của sản phẩm gỗ ngoài các quy định chung của pháp luật đấu thầu.

“Chính phủ Việt Nam có trách nhiệm bảo đảm sản phẩm gỗ được mua sắm bằng vốn Nhà nước là gỗ hợp pháp, đây là một thách thức lớn!”, bà Trang nhấn mạnh.

Chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia chính sách của Tổ chức Forest Trends cho rằng, chính sách mua sắm công các sản phẩm gỗ là cần thiết và nên bắt buộc. Chính phủ nên là người đi tiên phong, nên ưu tiên sử dụng gỗ rừng trồng và thí điểm ở một số địa phương. Những bài học kinh nghiệm từ thí điểm sẽ làm nền tảng cho việc xây dựng chính sách quốc gia trên toàn quốc.

“Bảo vệ môi trường là mục tiêu ngắn hạn mà chính sách Việt Nam cần quan tâm. Về lâu dài, (trong 10-15 năm tới) cần hướng đến sử dụng các sản phẩm gỗ bền vững nhằm góp phần bảo vệ rừng ở Việt Nam và ở các quốc gia cung cấp gỗ nguyên liệu cho Việt Nam”, ông Phúc khuyến nghị.

Bảo đảm gỗ hợp pháp trong các gói thầu mua sắm công là một trong các nghĩa vụ của Việt Nam theo Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi pháp luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA-FLEGT) với Liên minh châu Âu (EU). Kế hoạch thực thi Hiệp định VPA-FLEGT của Chính phủ Việt Nam đã đặt ra nhiệm vụ rà soát, xây dựng pháp luật và triển khai thực hiện nghĩa vụ này.

Mạnh Cường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chua-co-quy-dinh-the-nao-la-go-hop-phap-trong-mua-sam-cong-o-viet-nam-post125830.html