Chưa có quy định trong luật, Trà Vinh kiến nghị Chủ tịch Quốc hội cho thí điểm cho thuê lại đất giồng cát

Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích đất giồng cát khoảng 48.822 hecta, chiếm 1,2 % tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó 02 địa phương có diện tích lớn là Trà Vinh và Bến Tre. Riêng tại tỉnh Trà Vinh, hiện có 18.000 hecta đất giồng cát mang lại sản lượng nông nghiệp thấp. Mặc dù thời gian qua địa phương này có nhiều cố gắng trong chuyển đổi sản xuất nhưng chưa nhiều.

Đây là diện tích khoảng 20 hecta đất của nông dân Nguyễn Hồng Khoa ngụ ấp Ô Răng, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Phần đất này được anh canh tác một vụ lúa kết hợp một vụ màu.

Anh NGUYỄN HỒNG KHOA - Ấp Ô Răng, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh: “Vùng đất cát đây thì trồng đậu phộng, mùa mưa thì làm lúa, hết mưa thì mình trồng đậu phộng. Trên đất giồng cát khó canh tác về mực nước hơi khô, không có nước để tát trên vụ lúa. Đất phèn canh tác khó khăn lắm. Năng suất kém, hiệu quả mình làm không có nước đồ tát, đất phèn vậy kém lắm. Bà con ở đây cũng muốn có nhu cầu thay đổi lắm nhưng mà chưa biết cách như thế nào để thay đổi”.

Còn đối với anh Bình, toàn bộ diện tích khoảng 01 hecta đất của gia đình anh hiện đang bỏ trống do canh tác hoa màu cũng không mấy hiệu quả.

Ông SƠN THÁI BÌNH - Ấp Sóc Mới, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh: “Nói chung đất giồng cát rất là khó khăn, tại vì ở đây là nhờ trời mưa. Nếu không mưa, đất này cũng bỏ hoang như vậy thôi. Nói chung 01 công được hai, ba trăm ký /1.000 mét vuông. Đất ở đây sản chủ yếu làm để có ăn vậy thôi chứ lợi nhuận thì không có gì vì nó quá yếu đi”.

Tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác vào cuối tháng 4/2022, Trà Vinh đề xuất hỗ trợ tỉnh thực hiện thí điểm cho chính quyền cấp xã hoặc cấp huyện được thuê đất giồng cát, đất cây tạp kém hiệu quả của người dân, cho doanh nghiệp thuê lại để đầu tư phát triển năng lượng tái tạo và các dự án phát triển công nghiệp. Tuy nhiên đây là vấn đề chưa quy định trong Luật, hiện Trung ương chỉ mới thực hiện thí điểm tích tụ đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa đối với 2 tỉnh Thái Bình và Hà Nam. Mỗi địa phương có cách làm khác nhau.

Ông NGUYỄN QUỲNH THIỆN – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh:“Quan tâm, hỗ trợ cho thực hiện thí điểm: chính quyền cấp xã hoặc cấp huyện được thuê đất giồng cát, đất cây tạp kém hiệu quả của người dân, đồng thời cho doanh nghiệp thuê lại khoảng 20 năm để đầu tư phát triển năng lượng tái tạo và các dự án phát triển công nghiệp khác; từ đó sẽ tạo thu nhập ổn định người dân từ tiền cho thuê đất, mặt khác địa phương sẽ đào tạo nghề, giúp người dân lao động công nghiệp nói chung hoặc tham gia lao động tại các nhà máy, xí nghiệp trên mảnh đất của mình, qua đó tăng thu nhập thoát nghèo”.

Ông PHẠM VĂN CHUNG – Giám đốc Nhà máy Điện gió V1-2:“Trà Vinh là một tỉnh có điêu kiện tự nhiên thuận lợi, tốc độ gió của Trà Vinh cũng như các tỉnh duyên hải Nam bộ tương đối cao. Về mặt địa chất thuận lợi cho việc phát triển nhà máy điện gió; đường dây 500KV Bắc – Nam có tính chất giải tỏa công suất lớn cho nên mình có thể đầu tư thêm các dự án điện gió, mặt bằng cơ sở và điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư tương đối lớn. Trà Vinh mình thấy vấn đề phát triển điện gió chưa sử dụng hết công sức, cũng như nguồn tiềm năng của năng lượng tái tạo”

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện tại trong vấn đề sử dụng đất, đối với những đề xuất của tỉnh, Chủ tịch Quốc Vương Đình Huệ nhận thấy khá phù hợp và khả thi đồng thời giao các bộ, ngành nghiên cứu phối hợp sớm tháo gỡ, giúp địa phương thực hiện các mục tiêu đề ra.

Thực hiện : Linh Có Hữu Bình

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/chua-co-quy-dinh-trong-luat-tra-vinh-kien-nghi-chu-tich-quoc-hoi-cho-thi-diem-cho-thue-lai-dat-giong-cat