Chưa có quy định về việc tự nguyện tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định của Luật hiện hành thì đến nay chưa có hình thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với những người không thuộc đối tượng tham gia...
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, bảo hiểm thất nghiệp được xem là “phao cứu sinh” giúp chia sẻ gánh nặng tài chính đến người lao động thất nghiệp trong lúc chưa tìm được việc làm. Tuy nhiên, hiện chính sách vẫn chưa bao phủ hết được các nhóm đối tượng.
CHƯA BAO PHỦ HẾT CÁC NHÓM LAO ĐỘNG
Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết hiện nay theo quy định của Luật Việc làm thì chưa có hình thức tham gia tự nguyện với những người không thuộc đối tượng tham gia.
Trước đây, bảo hiểm thất nghiệp là chính sách bảo hiểm mang tính ngắn hạn, bắt buộc, tức là những người thuộc đối tượng tham gia, dù không muốn vẫn phải tham gia, và những người không thuộc đối tượng tham gia dù có muốn tham gia cũng không được tham gia.
Tuy nhiên, hiện Điều 43 Luật Việc làm 2013 đã có quy định, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là những người có thực hiện giao kết hợp đồng lao động, làm việc không xác định thời hạn, hoặc xác định thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Đối với đối tượng là người sử dụng lao động thì thêm trường hợp có thuê mướn, sử dụng lao động, trả công cho người lao động, thì thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho những lao động thuộc loại hợp đồng theo quy định phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Trước một số ý kiến đề xuất mở rộng đối tượng tham gia, ông Trần Tuấn Tú cho rằng muốn thay đổi chính sách, mở rộng đối tượng thì phải căn cứ vào thực tiễn quản lý, kinh nghiệm cụ thể trong quá trình thực hiện, tiến tới mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tới.
Tổng kết thi hành Luật Việc làm 2013, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đánh giá, hiện đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động.
Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm thì đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hoặc xác định thời hạn từ 3 tháng trở lên. Do đó, người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nhưng vẫn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong khi đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao.
Vì vậy, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định, không xác định thời hạn, hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên đều thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
SỐ NGƯỜI THAM GIA VÀ THỤ HƯỞNG CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP ĐỀU TĂNG
Về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, số người tham gia các loại hình bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 14,29 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 495 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022, đạt 30,7% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Đối với việc giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho biết, theo báo cáo từ các Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2023, số người đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là trên 562.000 người, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là hơn 518.000 người, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm là hơn 1,1 triệu lượt người, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022; số người được hỗ trợ học nghề là 11.209 người, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Luật Việc làm hiện hành đã quy định rõ 4 chế độ mà người lao động khi đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng gồm: Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động và trợ cấp thất nghiệp.
Về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, ông Trần Tuấn Tú cho biết hiện nay, người lao động đóng 1% tiền lương, có quy định mức trần theo 2 khu vực.
Theo đó, trường hợp người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, nếu tiền lương cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì sẽ đóng bằng mức 20 lần tháng lương cơ sở. Với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định, nếu tiền lương cao hơn 20 lần mức lương tối thiểu vùng thì đóng bằng mức 20 lần tháng lương tối thiểu vùng.
Đối với người sử dụng lao động, mức đóng là 1% trên tổng quỹ tiền lương của những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại đơn vị. Trong đó, ở giai đoạn 2009 – 2014, quy định cứng ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 1%.
“Từ năm 2015, thực hiện theo Luật Việc làm, thời điểm đó kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp lớn, ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ tối đa 1% trong trường hợp kết dư của quỹ này thấp hơn 2 lần tổng chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý của năm trước. Từ đó đến nay, ngân sách Nhà nước gần như không phải hỗ trợ quỹ này”, ông Tú thông tin.