Chưa đầu tư xứng tầm và khơi dậy hết giá trị của văn hóa

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước ngày 27 - 28.10, liên quan đến lĩnh vực văn hóa, các đại biểu đều khẳng định vị trí, văn hóa có vai trò quan trọng nhưng nguồn lực đầu tư chưa thực sự xứng tầm, chưa khơi dậy hết giá trị của truyền thống, di sản và các sản phẩm văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

"Chưa tỉnh nào đạt mức đầu tư 1,8% tổng chi ngân sách địa phương cho văn hóa"

ĐBQH Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) cho biết, song song với phát triển kinh tế, việc xây dựng và phát triển văn hóa đã được quan tâm hơn nhiều, thể hiện qua các chương trình triển khai Kết luận số 76 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tại các địa phương. Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã có tác động rất lớn, tạo chuyển biến tích cực trong toàn ngành văn hóa cũng như các địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, "phát triển văn hóa vẫn chưa thật tương xứng, ngang tầm với phát triển kinh tế" - ĐBQH Phan Viết Lượng (Bình Phước) nhận định.

Văn hóa có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững, mang tính lâu dài của đất nước, văn hóa vừa là trụ cột, vừa là nền tảng tinh thần của xã hội. Nhấn mạnh như vậy, ĐBQH Hoàng Thị Đôi (Sơn La) cho rằng, phát triển sự nghiệp văn hóa đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư. Từ Khóa IX, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 30 ngày 20.7.2004 về đầu tư văn hóa, đó là tăng đầu tư cho văn hóa, phấn đấu đến năm 2010 ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định đầu tư cho văn hóa trở thành giải pháp để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. “Tuy nhiên, trong những năm qua, tôi thấy mức đầu tư cho văn hóa còn rất thấp, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Qua khảo sát và niên giám thống kê của một số tỉnh từ năm 2015 - 2020, chưa tỉnh nào đạt mức đầu tư 1,8% tổng chi ngân sách địa phương cho văn hóa”, ĐB Hoàng Thị Đôi băn khoăn.

Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) phân tích, mặc dù nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát huy, các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú nhưng phát triển văn hóa chưa tương xứng, chưa ngang tầm với phát triển kinh tế. Đại biểu cho rằng các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nguồn lực đầu tư cho phát triển cả cơ sở hạ tầng lẫn kiến trúc thượng tầng chưa đáp ứng. Đầu tư không đạt tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước theo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) phát biểu tại Hội trường
Ảnh: Quang Khánh

Phát triển toàn diện và đồng bộ

"Văn hóa đòi hỏi quá trình lâu dài để nuôi dưỡng và phát triển, để đạt được kết quả mong muốn thì phải có hành động cụ thể. Tôi đề xuất Chính phủ chú trọng phát triển văn hóa khi triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội thông qua. Quốc hội sớm ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo trong báo cáo của Chính phủ là phát triển văn hóa phải được đặt ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

ĐBQH Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh)

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu thẳng thắn chỉ ra, thời gian qua, trong lĩnh vực văn hóa, sự vào cuộc của mọi người, mọi nhà, toàn xã hội chưa đồng bộ, chưa kịp thời, chưa thấu đáo. Vai trò chủ thể sáng tạo của nhân dân cũng như vai trò nòng cốt của đội ngũ văn nghệ sĩ, người làm công tác văn hóa ở đâu đó, có lúc, có nơi chưa phát huy tích cực. Phương thức lãnh đạo và quản lý văn hóa chậm được đổi mới, chưa thích ứng với sự vận động và phát triển văn hóa trong thời đại mới. Môi trường sống, sự tác động của số hóa toàn cầu tạo ra những bất định, dễ bị cuốn đẩy chệch quỹ đạo văn hóa chuẩn mực... Ở góc độ văn hóa ứng xử, những hình ảnh hay câu chuyện nghịch văn hóa, thiếu văn hóa vẫn hiện hữu ở nơi này, nơi nọ trong các môi trường sống. Hành vi phi văn hóa ngày càng trẻ hóa xảy ra ở bậc trung học cơ sở và thậm chí là bậc cuối tiểu học.

Bởi vậy, câu chuyện phát triển văn hóa cần phải đặt ra cấp thiết, để góp phần giữ vững hồn cốt của dân tộc và khắc phục những khuyết thiếu trong văn hóa ứng xử, văn hóa trên môi trường mạng... ĐBQH Nguyễn Thị Sửu đề xuất cần phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Song song với đó là nghiên cứu cho phép, triển khai hợp tác công tư trong trùng tu, khai thác di sản để tận dụng nguồn lực xã hội hóa, tăng đầu tư cho văn hóa và chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa.

Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa là quan điểm của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội). Theo ĐBQH, đây là cách để đạt được kỳ vọng phát triển văn hóa ngang hàng với phát triển kinh tế. Những năm qua, chúng ta có những bước tiến mới về vai trò, định hướng phát triển văn hóa, đã quan tâm nhiều đến bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, nhưng để có hiệu quả trong gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội cần phải được làm rõ hơn về tạo cơ chế hỗ trợ để liên kết vùng trong tổ chức xã hội. Chẳng hạn, văn hóa gắn kết phát triển du lịch với xây dựng môi trường và trải nghiệm nông thôn. Sau đại dịch Covid-19, du lịch đang từng bước phục hồi, khởi sắc nhưng kết quả còn thấp so với mục tiêu đề ra. Để tạo điều kiện phát triển, đề nghị ngay từ năm 2023 đẩy mạnh du lịch nông thôn, nông nghiệp, làng nghề, mua sắm nông sản địa phương.

Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/chua-dau-tu-xung-tam-va-khoi-day-het-gia-tri-cua-van-hoa-i305236/