Chưa dạy tốt theo sách giáo khoa đừng mong tới chuyện… thoát ly

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thẩm định chính xác để có những bộ sách tốt, có chính sách 'cởi trói' thật sự cho nhà giáo, giáo viên thật sự được tự chủ chuyên môn.

Trong thời gian qua Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải loạt bài về vấn đề thoát ly sách giáo khoa để dạy học bám sát chương trình.

Những bài viết về đề tài trên đã thu hút được sự quan tâm của bạn đọc, đặc biệt là giáo viên trên cả nước.

Dạy học theo sách giáo khoa chẳng có gì sai về cả tình lẫn lý

Sách giáo khoa là tài liệu chính thức để dạy học trong nhà trường do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Luật Giáo dục đã quy định rõ ràng chất lượng sách giáo khoa tại Khoản 1 Điều 32:

1. Sách giáo khoa giáo dục phổ thông được quy định như sau:

a) Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội; sách giáo khoa thể hiện dưới dạng sách in, sách chữ nổi Braille, sách điện tử.

Như vậy sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Do đó, dạy theo sách giáo khoa cũng chính là dạy bám sát chương trình, theo chương trình.

Mặt khác, tác giả viết sách giáo khoa là những người học cao, hiểu rộng, làm sao những người đang trực tiếp dạy học dám … so sánh. Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa cũng chẳng kém.

Vì vậy, dạy học theo sách giáo khoa chẳng có gì sai về cả tình lẫn lý.

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Có mấy giáo viên dạy học... không cần sách giáo khoa?

Muốn thoát ly sách giáo khoa, không cần sách giáo khoa, giáo viên cần nắm rõ chương trình tổng thể, chương trình bộ môn, trên cơ sở đó thiết kế được giáo án dạy học bám theo chương trình.

Nói cách khác giáo viên đó có khả năng viết được “sách giáo khoa riêng” cho mình dạy học.

Về lý, “sách giáo khoa riêng” không được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Về tình, thực tế giáo viên chúng ta có ... mấy người làm được?

Bộ Giáo dục và Đào tạo không viết sách giáo khoa lớp 1 vì “tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên không tuyển chọn được đủ số lượng tác giả, trong đó nguyên nhân chính là hầu hết các chuyên gia có kinh nghiệm đã sớm ký hợp đồng với các nhà xuất bản và triển khai biên soạn sách giáo khoa”.[1]

Bên cạnh đó, nội dung bài học phải hoàn thành ngay tại lớp học, học sinh về nhà không cần học. Học sinh nào chưa tiếp thu kịp, giáo viên phải xin phép phụ huynh phụ đạo thêm, chuyện này chỉ có ở những nền giáo dục tiên tiến.

Nêu lên như thế để bạn đọc hiểu, thông cảm cho nhà giáo, chuyện dạy không cần sách giáo khoa nói dễ nhưng làm được là rất khó.

Muốn thoát ly sách giáo khoa hãy dạy thật tốt theo ... sách giáo khoa đã.

Thất bại của giáo dục Việt Nam có bắt nguồn từ những cuốn sách giáo khoa lớp 1?

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đã viết khi khuyên nhủ học sinh “Trước khi nhìn lên bầu trời đừng quên nhìn xuống mặt đất”.

Với giáo viên cũng vậy, trước khi muốn thoát khỏi “vòng kim cô sách giáo khoa” hãy hiểu và dạy thật tốt theo ... sách giáo khoa đã.

Chỉ lúc đó người dạy mới “thăng hoa” được, mới sáng tạo ra học liệu hay hơn, phù hợp hơn cái hiện có.

Vì vậy trước khi mong muốn giáo viên thoát ly sách giáo khoa, cần có những bộ sách giáo khoa tốt, được xã hội tin tưởng, để giúp đỡ giáo viên, để học sinh tự học, phụ huynh tham khảo, cùng góp sức dạy con cái, giúp giáo viên hoàn thành nhiệm vụ.

Thay đổi ngay hơn 1 triệu giáo viên và chọn ra những bộ sách giáo khoa tốt cái nào có thể làm được ngay?

Để có những bộ sách giáo khoa tốt, chúng ta có thể làm được ngay. Hội đồng thẩm định sách giáo khoa cần phát huy hết tâm lực, trí lực, vì quyền lợi của đất nước là trên hết.

Nếu chưa chọn được sách giáo khoa tốt, chúng ta nên tạm dừng thay sách giáo khoa.

Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thẩm định chính xác để có những bộ sách tốt, có chính sách “cởi trói” thật sự cho nhà giáo, giáo viên thật sự được tự chủ chuyên môn của mình.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.tienphong.vn/giao-duc/vi-sao-bo-giao-duc-xin-khong-viet-sach-giao-khoa-1658567.tpo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chua-day-tot-theo-sach-giao-khoa-dung-mong-toi-chuyen-thoat-ly-post213505.gd