Chưa đến 5 năm đã thống trị 'tam giác chiến lược' Syria-Libya-Ai Cập, có ai làm được như Tổng thống Putin?
Từ Syria, Libya cho đến Ai Cập, Nga đã thiết lập một sự hiện diện mạnh mẽ và đậm nét ở Trung Đông, Bắc Phi và Đông Địa Trung Hải chỉ trong vòng chưa đầy nửa thập kỷ. Đây là điều mà không một quốc gia nào làm được.
Nga đang gia tăng sự hiện diện ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi thông qua các động thái triển khai lực lượng vũ trang, bán vũ khí và thành lập các căn cứ quân sự mới.
Trong những tuần gần đây, Moscow bắt đầu đàm phán những thỏa thuận mới để có được sự hiện diện quân sự vô thời hạn ở Syria và cũng tham gia trực tiếp hơn vào cuộc chiến ở Libya.
Libya
Vào cuối tháng 5, phía Mỹ cáo buộc Nga đã triển khai chiến đấu cơ MiG-29 Fulcrum tham gia cuộc xung đột ở Libya.
Quân đội Mỹ cho rằng có ít nhất 14 chiếc MiG-29 cùng với máy bay ném bom Su-24 Fencer tiến vào miền Đông Libya để hỗ trợ cho phe Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo, chống lại Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) ở Tripoli được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Cho đến thời điểm hiện tại, Nga vẫn bác bỏ những tuyên bố trên.
Nếu những thông tin trên là xác thực, động thái triển khai khí tài quân sự của Nga được cho là muốn gửi một thông điệp tới Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi lực lượng GNA thắng thế trước LNA và đang nhăm nhe phản công.
Mặc dù tướng Haftar khó có thể gượng dậy để tiến hành một cuộc bao vây Tripoli khác, nhưng sự can thiệp của Moscow có thể đảm bảo, LNA không phải chịu bất kỳ thất bại nào nữa.
Quan trọng hơn, bằng cách củng cố sức mạnh ở Libya, Moscow có thể đảm bảo một chỗ đứng đáng kể ở bờ biển Địa Trung Hải mà bất kỳ quốc gia nào cũng khao khát.
"Việc Nga ủng hộ LNA và tướng Haftar có thể không phải hướng tới mục đích chiến thắng trong cuộc chiến mà là để phát triển các căn cứ", Thiếu tướng Tình báo của Bộ Tư lệnh Mỹ tại châu Phi Gregory Hadfield, nói với The New Arab.
"Nếu Nga đảm bảo vị trí thường trực ở Libya và hơn nữa là triển khai các hệ thống tên lửa tầm xa, thì đó sẽ là một công cụ thay đổi cuộc chơi đối với châu Âu, NATO và nhiều quốc gia phương Tây”.
Triển khai tên lửa tầm xa bao gồm các hệ thống phòng không S-300 hoặc S-400. Nga đã triển khai hệ thống S-400 ở phía Tây Syria, tạo ra một mạng lưới chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) rất đáng gờm đối với khu vực trọng yếu.
Nếu triển khai các hệ thống như vậy đến Libya, Nga có khả năng thiết lập một khu vực tương tự trên các dải Địa Trung Hải.
Syria
Trong nhiều năm, Nga không có được khả năng cát cứ ở các khu vực chiến lược như Đông Địa Trung Hải hoặc vùng Vịnh. Vào cuối những năm 1940, Liên Xô đã rất muốn liên kết với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để đạt được mục đích này. Tuy nhiên, cả hai quốc gia sau đó đã gắn kết với phương Tây trong Chiến tranh Lạnh.
Kể từ khi can thiệp để hỗ trợ cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad hồi tháng 9/2015, Nga đã triển khai lực lượng tại các căn cứ không quân và hải quân ở phía Tây Syria, tạo ra một chỗ đứng rất có giá trị ở Đông Địa Trung Hải.
Nga đã thuê căn cứ không quân Hmeimim ở Latakia và căn cứ hải quân tại Tartus trong 49 năm. Có những dấu hiệu cho thấy, Nga không có ý định rời khỏi Syria trong thời gian tới. Moscow cũng đang đầu tư hàng triệu đô la để hiện đại hóa căn cứ hải quân Tartus.
Ở khu vực đông bắc của người Kurd, Nga được cho là đang xây dựng một căn cứ mới ở Qasr Deeb gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Người Nga đã đạt được một chỗ đứng đáng kể ở phía đông bắc Syria vào tháng 10 năm ngoái sau khi các lực lượng Mỹ rút khỏi đây.
Ngoài ra, Nga cũng cung cấp cho không quân Syria thêm các mẫu chiến đấu cơ MiG-29.
Ai Cập
Ngoài những triển khai quân sự quan trọng, Nga cũng đã đạt được những tiến bộ rất rõ rệt và hữu hình trong việc tăng cường hợp tác quân sự với Ai Cập, đảm bảo mối quan hệ đối tác quân sự vững bền giữa Moscow và Cairo.
Trong những năm 2010, Moscow đã bán cho Ai Cập nhiều hệ thống vũ khí hơn so với bất kỳ giai đoạn nào kể từ khi Ai Cập thiết lập quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Mỹ vào năm 1979.
Vũ khí Nga được Ai Cập mua cho đến nay bao gồm một phi đội MiG-29, trực thăng tấn công KA-52 và một biến thể tiên tiến của hệ thống tên lửa S-300.
Ai Cập cũng dự định mua 20 máy bay chiến đấu Su-35 với giá 20 tỷ USD. Thỏa thuận đã khiến Mỹ buông lời cảnh báo Cairo rằng nước này có thể trở thành đối tượng bị trừng phạt vì mua vũ khí Nga.
Ai Cập và Nga cũng đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung ở Địa Trung Hải bắt đầu từ năm 2015. Trong năm 2018 và 2019, cả hai nước cũng đã tổ chức các cuộc tập trận phòng không chung. Lần đầu tiên ở Nga và lần thứ hai ở Ai Cập, nhấn mạnh mối quan hệ quốc phòng ngày càng sâu sắc giữa hai nước.
Vào cuối năm 2017, Moscow đã phê duyệt một thỏa thuận dự thảo với Cairo sẽ ủy quyền cho các máy bay chiến đấu được đặt ở Ai Cập. Thỏa thuận này cũng cho phép Ai Cập đặt máy bay chiến đấu của mình tại các căn cứ không quân của Nga. Những chiếc F-16 của Ai Cập do Mỹ chế tạo xuất hiện trong các căn cứ của Nga chắc chắn sẽ là một cảnh tượng chưa từng có.
Các máy bay chiến đấu được đặt ở Ai Cập sẽ là lợi thế cho vai trò gia tăng của Nga ở Libya vì rõ ràng máy bay yểm trợ đặt tại đây sẽ an toàn hơn so với đặt ở các căn cứ Libya.
Như vậy, Nga đã thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ và đậm nét ở Trung Đông, Bắc Phi và Đông Địa Trung Hải chỉ trong vòng chưa đầy nửa thập kỷ.
Không có dấu hiệu cho thấy Nga sẽ từ bỏ những nỗ lực này, thậm chí giới quan sát tin rằng Moscow còn củng cố vị thế của mình hơn nữa trong các khu vực quan trọng.
Nga sẽ tiếp tục mục tiêu thông qua các biện pháp can thiệp vào các cuộc xung đột khu vực, bán vũ khí và mở rộng càng nhiều căn cứ quân sự càng tốt.