Chưa đến hồi kết

Kể từ khi nhậm chức tới nay, Tổng thống D.Trump luôn trăn trở với cam kết giải quyết vấn đề người nhập cư bất hợp pháp ở nước Mỹ. Song, sau các chính sách mới liên tiếp được ban hành, tình trạng người di cư tới Mỹ vẫn diễn biến phức tạp. Quy định hạn chế tị nạn mới nhất của người đứng đầu Nhà trắng cũng rơi vào tình huống tương tự.

Hạn chế số lượng người nhập cư vào Mỹ là một trong những ưu tiên xuyên suốt chương trình nghị sự bấy lâu của Tổng thống D.Trump. Lệnh cấm đi lại được đưa ra ngay sau khi lên nắm quyền của Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã trở thành luật, nhằm ngăn chặn các phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan từ khắp nơi đến nước Mỹ. Tiếp đó, nỗ lực của Tổng thống D.Trump chuyển hướng sang ngăn chặn dòng người di cư tìm cách xin tị nạn ở Mỹ ngay tại khu vực biên giới phía nam. Ông còn quyết định chấm dứt cả chính sách bảo hộ người nhập cư từ các nước bị chiến tranh, thiên tai, đồng thời cắt giảm mạnh số lượng người tị nạn được phép tị nạn tại “xứ sở cờ hoa”.

Có điều, mỗi lần chính sách mới về quy chế tị nạn được Tổng thống Mỹ đưa ra, dòng người di cư lại “thiên biến vạn hóa”. Hàng nghìn người từ các nước Trung Mỹ chạy trốn đói nghèo và bạo lực thậm chí không còn phải chật vật leo núi, vượt sông, trốn tránh lực lượng biên phòng Mỹ, mà họ chỉ đơn giản tiến thẳng tới biên giới và “nộp mình” cho nhà chức trách. Họ tin lời của những kẻ buôn người rằng, sau khi bị bắt, họ sẽ nhanh chóng được thả nếu mang theo trẻ em, và được ở lại Mỹ vài năm trong thời gian chờ xử lý đơn xin tị nạn.

Sau khi phải rút lại quy định chia tách trẻ em khỏi bố mẹ nhập cư vì phản ứng dữ dội của dư luận do vi phạm những nguyên tắc nhân đạo cơ bản, Tổng thống D.Trump lại đưa ra sáng kiến mới, yêu cầu người nhập cư ở lại lãnh thổ Mexico trong khi chờ được xét đơn xin tị nạn. Nhà trắng tuyên bố một cách quyết liệt, từ ngày 16-7 vừa qua, không xem xét quy chế tị nạn cho người di cư vào Mỹ sau khi họ đã vượt biên giới một nước khác mà không nỗ lực xin tị nạn tại đó. Trong khi đó, Cơ quan di trú Mỹ triển khai truy quét các đối tượng xâm nhập lãnh thổ Mỹ mà không có giấy tờ tùy thân. Việc bắt giữ không chỉ áp dụng với những đối tượng có lệnh truy bắt, mà cả với những người di cư không có đủ giấy tờ tùy thân, tình cờ bị bắt gặp, thậm chí cả với những người từng ở Mỹ nhiều năm, có nhà cửa, việc làm và có con là công dân Mỹ.

Mới đây đảng Dân chủ tiếp tục gây sức ép lên chính quyền Tổng thống D.Trump, sau khi có nhiều báo cáo được công bố, hay bị tiết lộ, trong đó phơi bày điều kiện sống tồi tệ của những người nhập cư vào Mỹ thời gian qua. Phản ứng trước những thông tin này, Tổng thống D.Trump cho rằng, những mô tả về thực trạng tại các trung tâm tạm giữ người di cư là “hư cấu”, đồng thời khuyến khích giới truyền thông tới tham quan các trung tâm kiểu này. Trong khi đó, cơ quan phụ trách vấn đề tị nạn của Liên hợp quốc nêu quan ngại về quy định mới của Mỹ cấm hầu hết những người vượt biên giới vào Mỹ xin tị nạn, và cảnh báo rằng biện pháp hà khắc của Mỹ khiến nhiều người thật sự cần trợ giúp lại gặp nguy hiểm.

Trong những diễn biến mới nhất, Mexico đã thông báo trục xuất hơn 21 nghìn người trong tháng 6 vừa qua, tăng 33% so với tháng trước đó. Nước này muốn chứng tỏ vẫn nỗ lực thực hiện thỏa thuận đã ký với Mỹ về giảm lượng người di cư Trung Mỹ vượt qua lãnh thổ Mexico để tới Mỹ. Thỏa thuận di cư nêu trên nhằm tránh việc Mỹ áp các biện pháp thuế quan với hàng hóa của Mexico, cũng như biến Mexico thành “nước thứ ba an toàn” đối với người di cư tìm đường vào Mỹ. Tuy vậy, chính quyền Mexico cũng chỉ trích chính sách đơn phương của phía Mỹ nhằm ngăn chặn mọi người di cư xin tị nạn, đồng thời đề nghị Washington đẩy nhanh quy trình xét duyệt đơn xin tị nạn. Mexico cho rằng, không thể để người di cư phải chờ tới ba năm ở lãnh thổ Mexico mới biết kết quả họ có được chấp nhận tị nạn tại Mỹ hay không. Trong khi đó, Tòa án Hiến pháp Guatemala, quốc gia là một trong những điểm xuất phát và trung chuyển người di cư Trung Mỹ, ra phán quyết ngăn Tổng thống nước này ký bất kỳ thỏa thuận nào với Mỹ nhằm biến Guatemala thành “nước thứ ba an toàn”.

Giới quan sát cho rằng, những thông điệp và biện pháp cứng rắn của chính quyền Tổng thống D.Trump đưa ra thời gian qua không phát huy hiệu quả nhằm giảm tốc “cơn sóng” người di cư ồ ạt đổ về Mỹ. Nguyên do gốc rễ cần được giải quyết, đó là tình trạng bạo lực, đói nghèo ở các “điểm xuất phát” của người di cư vẫn đang xảy ra và chưa có phương thuốc đặc trị nào để điều trị những “căn bệnh” trầm kha này. Tiếc rằng, điều đó lại chưa được Nhà trắng thật sự quan tâm.

ÐINH TRƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/40934602-chua-den-hoi-ket.html