Chưa đồng nhất đề xuất đầu tư, nâng cấp đường Vành đai 3 TPHCM
Trên cơ sở đề xuất của UBND các tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Long An), UBND TPHCM nhận thấy các phương án đề xuất đầu tư, nâng cấp đường Vành đai 3 TPHCM chưa có sự đồng nhất về quan điểm đầu tư, nâng cấp.
Liên quan đề xuất đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ đạt quy mô hoàn chỉnh với dự án đường Vành đai 3 TPHCM của UBND các tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Long An), Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đã có văn bản gửi Bộ GTVT.
Theo UBND TPHCM, trên cơ sở đề xuất của UBND các tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Long An), UBND TPHCM nhận thấy các phương án đề xuất đầu tư, nâng cấp đường Vành đai 3 TPHCM chưa có sự đồng nhất về quan điểm đầu tư, nâng cấp đạt quy mô hoàn chỉnh. Cụ thể, UBND tỉnh Long An đề xuất đầu tư hoàn chỉnh đường Vành đai 3 TPHCM theo quy mô quy hoạch (8 làn xe hoàn chỉnh, có làn dừng khẩn cấp liên tục). UBND tỉnh Bình Dương đề xuất đầu tư hoàn chỉnh nút giao Tân Vạn (3/5nhánh còn lại); bổ sung đầy đủ làn dừng khẩn cấp 2 bên tuyến phạm vi đoạn từ nút giao Bình Chuẩn đến cầu Bình Gởi và đầu tư 2 cầu trên đường song hành tại cầu Bình Gởi. UBND tỉnh Đồng Nai chưa đề xuất cụ thể quy mô đầu tư, nâng cấp.
Trên cơ sở Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16-6-2022 của Quốc hội, Thông tư số 06/2024/TT-BGTVT ngày 31-3-2024 của Bộ GTVT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc, UBND TPHCM cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, đầu tư nâng cấp đường Vành đai 3 TPHCM đạt quy mô hoàn chỉnh không thuộc nhóm dự án ưu tiên đầu tư. Các địa phương nên tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần đã được phê duyệt, khởi công; giải quyết tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đặc biệt là nguồn vật liệu cát đắp nền đường và công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; rà soát các bất cập (nếu có) để điều chỉnh thiết kế, tránh để ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án giai đoạn hoàn thiện và việc điều chỉnh nên cân đối trong tổng mức đầu tư dự án thành phần đã được phê duyệt.
Trong điều kiện hiện nay, các địa phương đang tập trung đầu tư nhiều dự áncó quy mô lớn, như: đường Vành đai 4 TPHCM, đường cao tốc BiênHòa - Vũng Tàu, đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thànhvà các dự án trọng điểm khác trên địa bàn các địa phương. Do đó, việc cân đốinguồn vốn từ ngân sách địa phương để nâng cấp đường Vành đai 3 TPHCM rất khó khăn. Cụ thể, UBND tỉnh Bình Dương đang triển khai dự ánđường Vành đai 4 TPHCM nhưng đang gặp khó khăn về nguồnvốn, tỉnh Bình Dương đang kiến nghị Bộ KH-ĐT xem xéttrình cấp thẩm quyền bổ sung nguồn vốn ngân sách Trung ương cho dự án này đoạn qua tỉnh Bình Dương để thực hiện côngtác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (khoảng 8.796 tỷ đồng).
Trước đây, khi lập chủ trương đầu tư dự án, tỉnh Bình Dương đề xuất giải quyết các nút giao trên đoạn đường Mỹ Phước - Tân Vạn bằng dự án cải tạo, nâng cấp sử dụng nguồn vốn ODA (dự án đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt) để đảm bảo năng lực thông hành đường Vành đai 3 TPHCM đạt vận tốc 80km/giờ trên toàn tuyến. Tuy nhiên, dự án này hiện nay đang gặp khó khăn. Tỉnh Bình Dương đang nghiên cứu các phương án đầu tư đoạn tuyến này. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, để đầu tư nâng cấp đoạn 15,3km (đạt quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh) đảm bảo năng lực thông hành trên toàn tuyến khi đường Vành đai 3 TPHCM đưa vào khai thác năm 2026 sẽ cần số vốn rất lớn (khoảng 28.279 tỷ đồng).
Như vậy, để đảm bảo năng lực thông hành trên toàn tuyến đường Vành đai 3 TPHCM (đạt vận tốc 80km/giờ), cần khẩn trương nghiên cứu đầu tư nâng cấp đoạn tuyến này. Tại Thông báo số 175/TB-VPCP ngày 22-4-2024 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã thống nhất giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND TPHCM và UBND tỉnh Bình Dương đề xuất cụ thể phương án đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trong trường hợp đầu tư bổ sung thêm làn dừng khẩn cấp giai đoạn phân kỳ sẽ gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Cụ thể, đường Vành đai 3 TPHCM giai đoạn phân kỳ đầu tư, đầu tư 1/2 mặt cắt ngang (bên trái tuyến), khác với hầu hết các dự án đường bộ cao tốc khác là đầu tư từ giữa và mở rộng sang hai bên (ở giai đoạn hoàn thiện theo quy hoạch). Do đó, việc mở rộng bổ sung thêm làn dừng khẩn cấp giai đoạn phân kỳ (rộng 3m/mỗi bên) sẽ không tận dụng được các hạng mục đã đầu tư trong giai đoạn hoàn chỉnh hoặc phát sinh chi phí đầu tư lớn.
Về đầu tư hoàn chỉnh nút Tân Vạn, qua rà soát, số liệu về lưu lượng giao thông đến thời điểm hiện tại không thay đổi so với thời điểm lập chủ trương đầu tư dự án. Theo đánh giá của các đơn vị tư vấn, đến năm 2026 khi các dự án đường Vành đai 3 TPHCM, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đưa vào khai thác, lưu lượng giao thông qua nút giao thông Tân Vạn sẽ được phân bổ lại theo hướng được dự báo sẽ giảm (đặc biệt là hướng từ cầu Đồng Nai về Tân Vạn - Mỹ Phước).
Về đầu tư 2 cầu trên đường song hành tại cầu Bình Gởi, hiện nay, trong giai đoạn phân kỳ của dự án đường Vành đai 3 TPHCM đã đầu tư đường song hành 2 bên (dự án thành phần 5 trên địa bàn tỉnh Bình Dương và dự án thành phần 1 trên địa bàn huyện Củ Chi, TPHCM); chưa đầu tư 2 cầu trên đường song hành tại cầu Bình Gởi. Việc đầu tư 2 cầu trên đường song hành tại cầu Bình Gởi trong giai đoạn hiện nay không ảnh hưởng đến quá trình đầu tư, khai thác, vận hành tuyến chính cao tốc.
Theo báo cáo của chủ đầu tư dự án thành phần 5, chi phí đầu tư 2 cầu này khoảng gần 670 tỷ đồng. TPHCM thống nhất chủ trương đầu tư 2 cầu trên đường song hành tại cầu Bình Gởi theo kiến nghị của UBND tỉnh Bình Dương, UBND TPHCM sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương nghiên cứu đầu tư bằng dự án riêng, sử dụng nguồn vốn ngân sách của 2 địa phương. Trong trường hợp UBND tỉnh Bình Dương gặp khó khăn về nguồn vốn, TPHCM sẽ xem xét thực hiện đầu tư dự án bằng nguồn vốn ngân sách TPHCM theo cơ chế, chính sách đặc thù.