Chưa được nghỉ chế độ vì bị ghi nhầm danh mục ngành nghề

Đã hơn 2 năm nay, ông Vũ Thanh Sơn, công tác tại Xí nghiệp vận tải đường sắt (Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên) đề nghị với đơn vị sử dụng lao động và các ngành chức năng liên quan để được nghỉ chế độ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi đơn vị sử dụng lao động kiến nghị Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Thái Nguyên giải quyết chế độ cho ông Sơn thì BHXH tỉnh Thái Nguyên lại yêu cầu đơn vị sử dụng lao động, người lao động về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để làm rõ danh mục ngành nghề có thuộc diện đặc biệt độc hại hay không…

Ông Vũ Thanh Sơn công tác tại Xí nghiệp vận tải đường sắt từ tháng 10/2001 và trong sổ ghi danh sách nhân sự là “Công nhân tài xế; tài xế lái đầu máy Diesel”. Trong suốt quá trình từ khi được ký hợp đồng lao động đến thời điểm nghỉ việc, ông Vũ Thanh Sơn đều làm chuyên công việc nêu trên. Theo quy định của pháp luật hiện hành, ông Sơn đủ tuổi nghỉ chế độ vì thời gian làm việc trong môi trường đặc biệt độc hại.

Tuy nhiên, khi Xí nghiệp vận tải đường sắt thực hiện quy trình và hoàn tất hồ sơ đề nghị BHXH tỉnh Thái Nguyên giải quyết nghỉ chế độ cho ông Sơn lại vướng mắc, chưa thực hiện được. Nguyên nhân được BHXH tỉnh Thái Nguyên chỉ ra là từ tháng 10/2001 đến tháng 7/2009, trong sổ ghi danh sách nhân sự của ông Sơn là “Công nhân tài xế; tài xế lái đầu máy Diesel” còn ngành nghề độc hại quy định tại điểm 2, mục V, danh mục ngành nghề công việc đặc biệt nặng nhọc nguy hiểm theo Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ ngày 13/10/1995 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lại ghi là “Lái đầu máy xe lửa”. Mặc dù Xí nghiệp đường sắt đã 2 lần có văn bản giải trình rõ nguyên nhân, lý do ghi danh sách mục nghề nghiệp của ông Vũ Thanh Sơn không khác về bản chất, đặc thù môi trường làm việc độc hại theo văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giữa tài xế lái đầu máy Diesel với lái đầu máy xe lửa, nhưng vẫn chưa được BHXH tỉnh Thái Nguyên chấp nhận.

Về nguyên tắc, BHXH tỉnh Thái Nguyên yêu cầu làm rõ danh mục nghề nghiệp độc hại để giải quyết nghỉ chế độ đúng quy định của pháp luật đối với trường hợp ông Vũ Thanh Sơn là cần thiết. Nhưng phương thức, việc giải quyết giữa đơn vị sử dụng lao động và cơ quan BHXH từ năm 2017 đến nay chưa xong khiến người lao động bị thiệt thòi về vật chất và bức xúc về tinh thần. Trong Công văn số 118/ĐS-TC ngày 06/11/2017 do ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Xí nghiệp vận tải đường sắt ký gửi BHXH tỉnh Thái Nguyên nêu rõ: “…Xí nghiệp vận tải đường sắt cam kết nội dung giải trình về quá trình sử dụng lao động đối với ông Vũ Thanh Sơn là hoàn toàn đúng sự thật, nếu sai chúng tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật; kính đề nghị BHXH tỉnh Thái Nguyên xem xét, giải quyết chế độ BHXH cho ông Vũ Thanh Sơn theo chức danh mục nghề đặc biệt nặng nhọc độc hại mà thực tế ông Sơn đã làm việc để không thiệt cho người lao động”. Nhưng trong các công văn trả lời, BHXH tỉnh Thái Nguyên đều ghi: “Đối với các chức danh đặc biệt độc hại ghi chưa đúng theo quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đề nghị đơn vị tập hợp hồ sơ báo cáo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để xem xét giải quyết”.

Trong khi các cơ quan liên quan ban hành văn bản lòng vòng, thì người lao động bị gián đoạn hưởng chế độ, không có thu nhập và các chế độ khác. Mới đây, ông Vũ Thanh Sơn tiếp tục đề nghị được nghỉ chế độ theo quy định những vẫn được các cơ quan liên quan trả lời danh mục nghề nghiệp ghi trong sổ BHXH chưa đúng, đề nghị làm việc với Bộ Lao động, Thương binh Xã hội để được giải quyết…?!

Nhóm P.V Nội chính

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/chua-duoc-nghi-che-do-vi-bi-ghi-nham-danh-muc-nganh-nghe-272884-85.html