Chưa hài lòng với T-72B3, Quân đội Nga tiếp nhận bản nâng cấp vượt trội

Phó thủ tướng Nga Yuri Borisov từng tuyên bố nước này chưa cần sản xuất nhiều xe tăng T-14 Armata hay T-90M Proryv-3 cho vị trí xương sống do đã có T-72B3 đảm nhiệm.

Theo kế hoạch hiện đại hóa lục quân Nga giai đoạn tới năm 2025, các nhà máy sản xuất xe tăng sẽ chưa vội lắp ráp T-14 Armata hay T-90M Proryv-3, một phần vì các mẫu chiến xa trên chưa thực sự sẵn sàng, mặt khác là vì Moskva đã có sẵn đối tượng đảm nhiệm vai trò xương sống.

Ứng viên số 1 ở đây chính là T-72B3 - phiên bản nâng cấp sâu từ T-72B với việc trang bị động cơ mới V-92S2F công suất máy 1.130 mã lực, đi kèm máy tính điều khiển hỏa lực và bộ kính ngắm quang điện tử tương tự T-90A và gia cường thêm giáp phản ứng nổ Kontakt 5 cùng với giáp lồng quanh các vị trí hiểm yếu.

Sau khi ra mắt trong khoảng thời gian 2014, rồi được hiện đại hóa nhẹ bằng phiên bản đời 2016 để tham gia Lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ, tưởng như vị trí xương sống của T-72B3 đã được "chốt hạ" thì lại bất ngờ có một diễn biến mới.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3M hay còn được gọi là T-72B4. Ảnh: Vitaly V. Kuzmin.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3M hay còn được gọi là T-72B4. Ảnh: Vitaly V. Kuzmin.

Phát biểu trên các phương tiện truyền thông, Thượng tướng Oleg Salyukov - Tư lệnh Lục quân Nga đã cho biết xe tăng T-72B3M đã bắt đầu được trang bị với số lượng lớn. Theo ông Salyukov thì T-72B3M là phiên bản hiện đại hóa toàn diện từ T-72B3 với khả năng cơ động, bảo vệ và hỏa lực vượt trội.

Quyết định trên của Lục quân Nga có thể đến từ việc biến thể T-72B3M đã có màn thể hiện rất tốt trong các giải đua xe tăng (Tank Biathlon) đã từng diễn ra, hơn thế việc nâng cấp từ T-72B3 lên T-72B3M là rất đơn giản.

Trước khi đưa ra quyết định trên thì Quân đội Armenia là lực lượng duy nhất ký hợp đồng với Nga để nâng cấp toàn bộ số T-72 của mình lên chuẩn T-72B3M, trong khi đó Quân đội Nga vào thời điểm hiện tại mới chỉ có khoảng 30 chiếc loại này.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3M của Nga tại giải đấu Tank Biathlon. Ảnh: TASS.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3M của Nga tại giải đấu Tank Biathlon. Ảnh: TASS.

So với T-72B3 thì đặc điểm phân biệt T-72B3M dễ nhận thấy nhất chính là chiếc kính quan sát ảnh nhiệt dành cho trưởng xe bố trí ở ngay chính giữa tháp pháo và nhô hẳn lên cao, bên cạnh kính ngắm Sosnar-U truyền thống, ngoài ra các chi tiết khác không có gì thay đổi.

Tuy nhiên Thượng tướng Oleg Salyukov còn tiết lộ thêm một thông tin đáng quan tâm nữa đó là dự kiến tới giai đoạn sau năm 2020 thì T-72B3M sẽ được tích hợp bổ sung hệ thống phòng vệ chủ động (APS) Arena, đây được xem như động thái nhằm cân bằng với M1A2 SEP Abrams khi nó đã trang bị tổ hợp APS Trophy của Israel.

Việc trang bị hệ thống APS "cứng" Arena được xem là mang lại hiệu quả bảo vệ xe cao hơn so với sử dụng tổ hợp APS "mềm" Shtora-1 như trên T-90.

Mặc dù vậy biện pháp phòng vệ này lại gây nguy hiểm cho lính bộ binh đi kèm do quá trình đánh chặn sinh ra rất nhiều mảnh đạn có sức sát thương cao, cho nên có thể Nga sẽ cân nhắc và lắp song song cả Arena lẫn Shtora-1 trên các xe T-72B3M khác nhau để đánh giá hiệu quả một cách chi tiết hơn.

Phong Vũ (Tổng hợp)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/chua-hai-long-voi-t-72b3-quan-doi-nga-tiep-nhan-ban-nang-cap-vuot-troi/20190914030019241