Chưa kiểm soát được điểm ngập mới ở chân cầu Thủ Thiêm 2
Đại diện Sở Xây dựng giải thích nguyên nhân TP Thủ Đức luôn bị ngập nặng và cho biết đơn vị này chưa thể kiểm soát được điểm ngập mới.
Chưa phải có vũ lượng lớn nhất năm, nhưng trận mưa vào chiều 15/8 đã khiến toàn thành phố “chìm” trong biển nước trong gần 2 giờ.
Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng), cho biết việc nhiều tuyến đường ngập nặng sau trận mưa là do hệ thống thoát nước thoát không kịp.
Song, trận mưa với vũ lượng vượt 100 mm từ đầu năm đến nay đã khiến nơi này xuất hiện thêm một điểm ngập bất thường tại chân cầu Thủ Thiêm 2 (hướng về TP Thủ Đức).
Theo ông Vũ Văn Điệp, TP Thủ Đức nằm ở phía Đông TP.HCM vốn là khu vực có địa hình trũng, thấp, khiến nước có xu hướng chảy về, tạo ra nhiều điểm ngập hơn so với các khu vực khác của thành phố.
“Cơn mưa cường độ lớn kéo dài, lại tập trung trong thời gian ngắn đã khiến lưu lượng nước không kịp rút. Trong khi thiết kế hệ thống thoát nước của thành phố chỉ đạt lưu lượng nhất định, không thu về kịp sẽ gây ngập tức thời”, đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật phân tích.
Nói về điểm ngập mới ở chân cầu Thủ Thiêm 2, TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP.HCM, cho hay kể cả nơi nằm sát dòng chảy ra sông vẫn có thể ngập, vì không đủ lối thoát nước ra.
“Một trong những nguyên nhân là hệ thống thoát nước chưa đủ năng lực dẫn đến mưa không thoát kịp, trong thực tế có thể do cống bị rác thải che lấp hoặc kích thước đường thoát chưa phù hợp. Xung quanh khu vực này còn nhiều đất chưa xây dựng có thể thấm bớt nước, tuy nhiên mức độ thấm nước không đáng kể”, chuyên gia Hồ Long Phi giải thích.
Về việc khắc phục điểm ngập ở chân cầu Thủ Thiêm 2, đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật cho biết trách nhiệm quản lý hệ thống tiêu thoát nước thuộc về Khu đô thị mới Thủ Thiêm và chưa bàn giao cho đơn vị. “Do đó, đơn vị chưa kiểm soát được”, ông Vũ Văn Điệp nói.
Về mặt khoa học, TS Hồ Long Phi nêu 3 yếu tố tác động tại chỗ gây ngập ở TP.HCM. Đó là do mưa lớn; lún đất diện rộng (có thể lên đến 2,5 cm/năm cao gấp 3-5 lần so với tốc độ nước biển dâng) và quá trình đô thị hóa chiếm chỗ của nước xóa mặt phủ thấm nước.
Với những khu vực còn nhiều đất chưa xây dựng như TP Thủ Đức thì nên đầu tư làm cống, kênh hở.
TS. Hồ Long Phi
Ông Hồ Long Phi cho rằng cống ngầm ở các công trình gây bất lợi cho việc thoát nước. Với những khu vực còn nhiều đất chưa xây dựng như TP Thủ Đức thì nên đầu tư làm cống, kênh hở. "Kênh hở thoát nước tốt hơn vì có thể nâng cấp, cải tạo bằng nạo vét, mở rộng sang 2 bên bờ", ông Phi lý giải.
Ngoài ra, chuyên gia cho rằng thành phố cần quản lý không cho phép lấp mặt sông rạch hiện có, để nước có đường thoát và hạn chế mực nước dâng. Đây là biện pháp mà nhiều quốc gia đang thực hiện.
Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, so với các đô thị khác có hệ thống tiêu thoát nước được đầu tư đồng bộ có thể khắc phục được tình trạng ngập tương tự.
Trong khi đó, các dự án đầu tư tại các điểm ngập hiện nay của TP.HCM thường có phương án tức thời, phi công trình nên không giải quyết được triệt để và vẫn đang chờ những phương án công trình để giải quyết.
Để tránh ngập nặng các tuyến đường trong mùa mưa, đơn vị đã phối hợp các bên liên quan duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu kênh rạch, cửa xả để tránh nghẹt, tăng khả năng thoát nước.
Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật cũng xây dựng phương án tổ chức trực mưa, vớt rác miệng cống trước và sau cơn mưa. Phối hợp rà soát các cống kiểm soát triều và trạm bơm để tăng khả năng thoát nước như Bình Lợi, Bình Triệu, rạch Lăng, rạch Nhảy - ruột Ngựa, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trạm bơm Thanh Đa...