Chưa kịp phục hồi, doanh nghiệp nơm nớp nỗi lo thị trường quay đầu sụt giảm
Trong những ngày tất bật chuẩn bị cho mùa bán hàng cao điểm, cũng là mùa đắt hàng nhất năm, các nhà sản xuất lại tiếp tục nỗi lo âu lượng đơn hàng sẽ 'quay đầu' sụt giảm, dù tín hiệu hồi phục chỉ mới le lói được vài tháng gần đây.
Thực tế ghi nhận từ thị trường cho thấy không mấy khởi sắc về sản xuất và thương mại, và tín hiệu đơn hàng phục hồi chỉ mới le lói vài tháng gần đây. Nhiều khó khăn và thách thức phía trước đang tiếp tục đè nặng trên vai doanh nghiệp.
Giảm đơn hàng giữa mùa cao điểm bán hàng
Cuối tuần vừa qua, hàng trăm công nhân tại Công ty TNHH SSLV Đà Nẵng đã chặn cổng nhà máy ở khu công nghiệp Liên Chiểu để đòi quyền lợi vì lo sợ công ty đóng cửa khiến không ít người băn khoăn về tình trạng thất nghiệp gia tăng vào cuối năm.
Đại diện Công ty SSLV Đà Nẵng xác nhận doanh nghiệp gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng. Vì vậy, vào ngày 3-12 vừa qua công ty chuyên sản xuất vali, túi xách, yên đệm… đã tiến hành giải thể doanh nghiệp và hơn 500 người lao động thôi việc tại doanh nghiệp này.
Còn tại Bình Định, một doanh nghiệp dệt may chỉ hoạt động được hơn hai năm đã phải đóng cửa vì không có đơn hàng sản xuất kéo dài và chịu lỗ 7 tỉ đồng.
Thiếu đơn hàng, không thể gồng gánh chi phí vận hành quá lớn, dẫn đến phải cắt giảm nhân sự là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp gặp phải. Thậm chí có doanh nghiệp không có đơn hàng sản xuất, con đường chẳng đặng đừng mà các doanh nghiệp buộc phải ra quyết định là đóng cửa nhà xưởng chờ thời hay đi đến làm thủ tục phá sản,…
Theo số liệu của Cục quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 11 vừa qua, cả nước có thêm hơn 12.550 doanh nghiệp khó khăn rút lui khỏi thị trường, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng hơn 650 doanh nghiệp so với tháng liền kế trước đó.
Trong đó có đến gần 6.600 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và 4.510 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tương ứng tăng 29,5% và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn. Standard & Poor’s Global (S&P Global) hồi đầu tháng 12 này cũng đã công bố báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 11-2023 cho thấy PMI tháng 11 của Việt Nam tiếp tục nằm dưới ngưỡng 50 điểm (thang điểm từ 0 đến 100).
Cụ thể nhà cung cấp chỉ số và nguồn dữ liệu về xếp hạng tín dụng độc lập quốc tế ghi nhận PMI ngành sản xuất Việt Nam chỉ đạt 47,3 điểm trong tháng 11-2023. Đây cũng là mức điểm thấp nhất trong 5 tháng gần đây, cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.
Theo S&P Global, các nhà sản xuất có số lượng đơn đặt hàng mới giảm trở lại trong tháng 11, từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài liên tiếp trong 3 tháng qua. Tốc độ giảm là mạnh và đáng kể nhất kể từ tháng 5-2023.
Nhu cầu khách hàng giảm được cho là nguyên nhân dẫn đến giảm số lượng đơn đặt hàng mới. Tình trạng nhu cầu yếu kém cũng được ghi nhận với khách hàng quốc tế khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm lần đầu tiên trong 4 tháng. Một số thành viên nhóm khảo sát cho biết, khách hàng không muốn trả giá cao hơn cho sản phẩm.
Số lượng đơn đặt hàng mới giảm, yêu cầu sản lượng giảm và lượng công việc tồn đọng tiếp tục giảm khiến các nhà sản xuất giảm hoạt động mua hàng và việc làm trong tháng 11.
Kết quả này cho thấy “sức khỏe” của ngành sản xuất suy giảm tháng thứ hai liên tiếp, sau khi bắt đầu phục hồi nhẹ từ giữa năm nay. Khi đó, nhiều doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề đã phấn khởi với nhiều kỳ vọng thị trường các nước đang dần phục hồi để có thể tăng sản xuất trở lại và ổn định việc làm cho người lao động.
Điều đáng lo ngại là trong các tháng qua rơi vào cao điểm của các nhà sản xuất tăng tốc hoạt động để chuẩn bị hàng hóa cho mùa mua sắm cao điểm cuối năm với nhiều lễ hội lớn như Giáng sinh, hay đón mừng năm mới 2024…
Theo ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhu cầu yếu ở cả trong và ngoài nước đã khiến ngành sản xuất Việt Nam có sự suy giảm trong tháng 11. Với số lượng đơn đặt hàng mới giảm, các công ty đã giảm sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng; đồng thời cũng hạn chế lượng hàng tồn kho.
Nhiều thách thức phía trước
Bộ Công thương gần đây cũng có báo cáo phân tích tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 11 và 11 tháng năm 2023. Trong báo cáo này, nhiều nội dung về hoạt động thương mại đã được đề cập khá chi tiết và có kết quả cũng không mấy sáng sủa.
Cụ thể, sau khi đạt mức tăng 5,1% trong tháng 10, xuất khẩu hàng hóa trong tháng 11 đạt 31,08 tỉ đô la Mỹ, giảm 3,6% so với tháng trước đó. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chững lại khá rõ so với tháng trước (giảm 4%), ước đạt 26,47 tỉ đô la.
Tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt gần 274 tỉ đô la, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022.
Có thể thấy, trong 5 tháng gần đây (từ tháng 7-2023 đến nay), xuất khẩu hàng hóa đều đạt kim ngạch trên 30 tỉ đô la/tháng, cao hơn mức bình quân 27,45 tỉ đô la/tháng của 6 tháng đầu năm 2023.
Hoạt động xuất khẩu đã có sự cải thiện tích cực trở lại trong những tháng gần đây, do được hỗ trợ bởi các yếu tố như hoạt động xúc tiến xuất khẩu được đẩy mạnh, kinh tế toàn cầu tăng trưởng tốt hơn dự kiến, hàng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ chính có xu hướng giảm…
Tuy nhiên về tổng thể, Bộ Công thương nhận định đà phục hồi nhìn chung vẫn còn tương đối chậm và xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới bởi các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc lấy lại đà tăng trưởng, trong khi tiêu dùng toàn cầu vẫn chưa cho thấy sự phục hồi rõ nét.
Điều này cũng trùng hợp với ý kiến của nhiều doanh nghiệp khi chia sẻ nhận định về triển vọng kinh doanh sắp tới với KTSG Online. Chưa đầy một tháng nữa là khép lại năm 2023, khác với những tia hy vọng về sự trở lại đơn hàng sản xuất của 3-4 tháng trước, với tình hình đơn hàng sụt giảm hiện nay hầu hết các doanh nghiệp thể hiện sự lo lắng nhiều hơn.
Bởi lẽ ở thời điểm này, thường doanh nghiệp đã có những bước chuẩn bị, tính toán cho kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm mới (2024) nhưng đến giờ họ chưa thể đoán định thị trường sắp tới sẽ như thế nào để có chiến lược phù hợp và thích ứng.
Với ngành dệt may, theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May Thêu Đan TPHCM (Agtex), từ tháng 7 vừa qua, đơn hàng xuất khẩu có trở lại với các doanh nghiệp hội viên. Dù phần lớn nhà nhập khẩu khi đó chỉ đặt số lượng nhỏ và còn khá đặc thù, nhưng các doanh nghiệp ngành dệt may vẫn hy vọng thị trường sớm hồi phục trở lại vào cuối năm hoặc đến giữa năm 2024. “Tuy nhiên, đến thời điểm này cho thấy tình hình thị trường vẫn còn yếu và rất khó đoán định với nhiều doanh nghiệp dệt may”, ông Hồng nói.
Tình hình khó dự báo này cũng tương tự với một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giày, đồ gỗ, thủy hải sản… Phần lớn các doanh nghiệp cho biết các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU… còn khá yếu.
Theo ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm một phần thể hiện phản ứng của khách hàng với tình trạng giá cả tăng. “Trong bối cảnh chi phí đầu vào của các công ty tăng với mức độ mạnh nhất kể từ tháng 2, các nhà sản xuất có thể gặp khó khăn trong việc cạnh tranh giá cả trong những tháng tới. Do đó, ngành sản xuất sẵn sàng bước vào năm 2024 với tình trạng khá ảm đạm, hy vọng nhu cầu sẽ sớm tăng trở lại”, ông Andrew Harker, bình luận.
Có thể thấy những thách thức phía trước sẽ tiếp nối với các doanh nghiệp sau khi họ sắp trải qua năm 2023 – một năm khó khăn dai dẳng và sự chậm lại của nền kinh tế.
Chịu tác động kép từ yếu tố bất lợi bên ngoài (biến động trên chính trường quốc tế ở nhiều lĩnh vực, bao gồm cả kinh tế, chính trị, quân sự) và khó khăn nội tại (nền kinh tế mở phụ thuộc vào bên ngoài, mới trải qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, các điểm nghẽn trên nhiều thị trường từ bất động sản cho đến trái phiếu…), tăng trưởng GDP thấp…
Theo kết quả khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận sự giảm sút trong doanh thu, lợi nhuận và số lượng đơn hàng đều gia tăng rõ rệt so với kết quả khảo sát cách đây một năm. Ở chiều ngược lại, trong số các doanh nghiệp cho biết có sự tăng trưởng trong kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, đa số ở mức tăng nhẹ. Tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận mức tăng lên đáng kể về doanh thu và lợi nhuận chiếm chưa đầy 5%.
Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân, trong giai đoạn vừa qua và cả hiện nay, nhiều khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, do tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh.
Ngoài vấn đề về tiêu thụ thì có tới 25% hội viên của hiệp hội cho rằng, đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe. Bên cạnh đó, đa phần doanh nghiệp đã cầm cự trong thời gian rất dài nên những điều kiện để đáp ứng các yêu cầu quy định khó có thể thực hiện.
Còn theo TS. Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) doanh nghiệp lao đao cũng có phần chi phí kinh doanh tăng cao. Cụ thể bên cạnh yếu tố khách quan từ những biến động lớn của kinh tế thế giới, theo ông Tuấn, có cả những yếu tố nội tại trong nước, nhất là chưa tăng tốc trong việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hay ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ.
Các doanh nghiệp phản ánh chi phí kinh doanh tại Việt Nam hiện nay cao và có xu hướng tăng ở 4 nhóm chính như các chi phí có liên quan đến lao động; chi phí tài chính cho nhà nước ngoài thuế; chi phí vốn; chi phí vận tải, hậu cần kho vận (logistics).