Chùa làng tôi
Hôm nay, người dân làng Cầu, tức người dân mấy tổ dân phố ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên, rủ nhau lên chùa ăn giỗ. Nhác thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, một cụ tên Dung vội giải thích: 'Hôm nay là 17-8 Âm lịch, nhà chùa làm giỗ cụ Chùa thứ hai. Cụ Chùa thứ nhất chúng tôi đã làm giỗ hôm 11 tháng Giêng rồi. Chúng tôi lên chùa góp nhau làm cỗ giỗ cụ'.
Thì ra “cụ Chùa” như mọi người nói chính là “sư thấp”, là 1 trong 2 vị sư đồng trụ trì chùa Cầu Bây cách đây cũng dễ hơn 30 năm. Cụ Dung lại giải thích thêm: “Chùa hồi đó có 2 vị sư nữ. Vị trụ trì có dáng người thanh thanh tên là Đàm Thị Hiếu nên dân làng gọi là “sư cao”, để phân biệt với vị có dáng người thấp tên Đàm Thị Nghĩa gọi là “sư thấp”.
Một trong những “ngôi chùa làng Bắc bộ” đúng nghĩa nhất
Chùa Cầu Bây đã hơn 300 năm tuổi và có lẽ là một trong những “ngôi chùa làng Bắc bộ” đúng nghĩa nhất. Chẳng là từ hồi xửa hồi xưa chùa làng thường nhỏ, lại khiêm tốn nằm ở cuối làng, lọt thỏm giữa vườn rau bên rìa ruộng lúa, khuất lấp dưới tán nhãn, tán muỗm sum suê, chập tối là chin chít tiếng dơi bay. Hồi xưa chùa làng thường ở chỗ giáp với chân đồng, kề bên thửa khoai, cạnh ao rau muống, người làng xưa vốn kiệm lời nên không muốn phô trương. Chốn ấy chỉ dành cho những ai thiện lòng mà tìm đến.
Người đón tôi là một sư cô, bà tên là Đàm Thị Nga, người đã gầy lại như nhỏ thêm dù đã mặc bộ cánh nâu mấy lớp phòng trừ cái lạnh đầu thu, mới thoáng trông đã thấy toát lên vẻ thanh bần. Người đàn bà tuổi 70 này quê huyện Thanh Hà, Hải Dương. Bà rời quê đi “ở chùa” Cầu Bây từ năm 1988, đến nay cũng đã 35 năm. Hồi sư Nga lên đây, chùa còn khiêm nhẹ, “sư thấp” vẫn còn sống nhưng cũng đã yếu sức. Vị sư già Đàm Thị Nghĩa ở chùa này từ trước cách mạng và cho tới năm 1991 thì mất, hiện mộ được táng tại vườn chùa.
“Bỏ chùa” đi bộ đội
Tôi nhìn ra sân chùa, nắng thu vàng nhẹ dậy lên mùi hương của hoa, của mùi thơm, của bưởi, của cam. Sư Nga kể tiếp, hồi trước cách mạng, năm đó đúng là năm xảy ra nạn đói khủng khiếp, sư cô Đàm Thị Nghĩa cũng mới chạm tuổi 30. Người đàn bà quê gốc làng Vòng (ngày đó thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội) thảo thơm hương cốm chẳng hiểu lẽ gì mà quy y cửa Phật và cùng ni sư Đàm Thị Hiếu đồng trụ trì chùa Cầu Bây từ dạo đó. Người làng Cầu nói, 2 vị sư nữ này thân thiết việc đời và chăm lo việc đạo như chị em ruột vậy.
Bữa ấy, sư cô Đàm Thị Nghĩa sang chợ Đường Cái bên huyện Văn Lâm (Hưng Yên) thì gặp cảnh 1 mẹ cùng 3 con nhỏ dại (nghe bảo quê ở tận Thái Bình) đang đói lả chờ chết. Sư động lòng mà nhận đứa trẻ chừng hơn 10 tuổi có cơ sống nhất dẫn về chùa nhận làm con nuôi. Đứa trẻ ấy sư Nghĩa đặt tên là Kỳ, Kỳ có nghĩa là kỳ diệu với hy vọng sự kỳ diệu sẽ cho đứa trẻ một con đường sống. Nhà sư cho cậu bé Kỳ được mang họ Đàm của nhà Phật và cũng của mình.
Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, chú tiểu Đàm Thanh Kỳ nằng nặc đòi sư cô cho mình được “bỏ chùa” để đi bộ đội. Anh Kỳ, người của chùa Cầu Bây trở thành người chiến sĩ vệ quốc quân. Trong một trận đánh ngăn quân Pháp càn qua sông Đuống, chiến sĩ trẻ Đàm Văn Kỳ (được đổi tên đệm sau khi hoàn tục) đã anh dũng hy sinh. Năm đó là năm 1951.
Di tích lịch sử kháng chiến
Chùa mang tên làng Cầu Bây hiện có 3 vinh dự lớn. Thứ nhất là chùa cùng đình làng Cầu Bây tạo nên cụm “Di tích lịch sử kháng chiến” rất đỗi tự hào của làng Cầu. Thứ hai là chú tiểu Đàm Thanh Kỳ - cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, không tường quê quán, không cả tên gọi, lại suýt bị chết đói năm Ất Dậu được về làm con nuôi nhà chùa - năm 1966 được Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký truy tặng danh hiệu Liệt sĩ.
Thứ ba là sư cụ Đàm Thị Nghĩa được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1996 do Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký. Đây là một danh hiệu độc nhất vô nhị chưa từng có tiền lệ. Sở dĩ nói như vậy là bởi một vị sư vốn chẳng chồng con, không họ mạc với liệt sĩ mà chỉ là người có công dưỡng dục. Trước đó năm 1982, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã ký trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho sư cụ Đàm Thị Nghĩa.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chua-lang-toi-post553309.antd