'Chữa lành' cho những bệnh nhi tự kỷ

Ngoài công việc khám, chữa bệnh, đội ngũ y tế tại Khoa đơn nguyên Tâm bệnh - Phục hồi chức năng (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh) còn là những 'thầy giáo, cô giáo' của những học sinh đặc biệt - các bệnh nhi bị tự kỷ, bại não...

Trung bình mỗi ngày, Khoa Đơn nguyên Tâm bệnh - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh can thiệp, điều trị cho 20-30 trẻ em bị rối loạn phổ tự kỷ, bại não, chậm phát triển… Với kinh nghiệm công tác hơn 10 năm, Thạc sĩ tâm lý Bùi Thị Ngọc Linh cho biết cần có tình yêu thương đặc biệt với các bệnh nhi bị tự kỷ, bại não để có thể làm tốt công việc của mình.

Tại Khoa Đơn nguyên Tâm bệnh- Phục hồi chức năng, Bệnh viện sản nhi tỉnh Quảng Ninh, hằng ngày các y bác sĩ, điều dưỡng tại đây vẫn là những "thầy giáo, cô giáo" của những học sinh đặc biệt, đó là những em bé bị tự kỷ, bại não

Tại Khoa Đơn nguyên Tâm bệnh- Phục hồi chức năng, Bệnh viện sản nhi tỉnh Quảng Ninh, hằng ngày các y bác sĩ, điều dưỡng tại đây vẫn là những "thầy giáo, cô giáo" của những học sinh đặc biệt, đó là những em bé bị tự kỷ, bại não

“Một kỷ niệm rất đáng nhớ với tôi đó là 1 bạn đến điều trị khi chỉ mới 18 tháng tuổi. Lúc đầu bố mẹ bé chỉ nghi ngờ con chậm nói nhưng khi khám ra thì có những dấu hiệu của rối loạn tự kỷ khá nặng. Cậu bé ấy hầu như tất cả mọi người gọi đều không quan tâm và bé rất đam mê với cánh cửa, khi có thể đứng hàng giờ để mở và đóng cánh cửa. Thậm chí khi ngăn cản thì bé có thể lăn ra đất, hay lao đầu vào tường. Điều đáng mừng là sau khoảng 3 năm điều trị, cậu bé ấy đã có thể có thể quay lại trường học”, Thạc sĩ tâm lý Bùi Thị Ngọc Linh chia sẻ.

Trẻ tự kỷ khi được vào điều trị tại Khoa sẽ được đánh giá tâm lý, lên chương trình can thiệp phù hợp, thực hiện các kỹ thuật như trị liệu ngôn ngữ, hoạt động kích thích phát âm, xoa bóp bấm huyệt điều trị… Những giáo viên tại lớp học đặc biệt này, vừa làm điều dưỡng, vừa làm giáo viên dạy trẻ. Giảng dạy một trẻ bình thường đã khó, thì giảng dạy trẻ tự kỷ là điều khó gấp nhiều lần, bởi mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng đầy bí ẩn. Nhưng bằng tình yêu nghề, tình yêu trẻ, những "giáo viên" tại đây vẫn đang ngày ngày cố gắng "chữa lành” cho những em bé kém may mắn.

Trẻ tự kỷ khi được vào điều trị tại Khoa sẽ được đánh giá tâm lý, lên chương trình can thiệp phù hợp, thực hiện các kỹ thuật như trị liệu ngôn ngữ, hoạt động trị liệu, kích thích phát âm, xoa bóp bấm huyệt điều trị…

Trẻ tự kỷ khi được vào điều trị tại Khoa sẽ được đánh giá tâm lý, lên chương trình can thiệp phù hợp, thực hiện các kỹ thuật như trị liệu ngôn ngữ, hoạt động trị liệu, kích thích phát âm, xoa bóp bấm huyệt điều trị…

Chị Phạm Thị Thảo, kỹ thuật viên phục hồi chức năng cho biết: “Để mà làm quen với một bạn trẻ thì cần rất nhiều thời gian, có những bạn thì mình sẽ để cho bạn tự nhiên với môi trường can thiệp, có những bạn thì phải tâm sự dần dần, qua đó mới có thể gần gũi, thể hiện cử chỉ giao tiếp, ngôn ngữ của bạn đó. Mỗi giáo viên tại đây đều yêu quý trẻ, tận tâm với nghề. Cũng mong muốn tất cả các bạn đều có thể hòa nhập giống như bình thường, có thể giúp các cháu ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua là mình đã thấy thành công rồi".

Điều trị cho bệnh nhi tự kỷ, bại não là quá trình lâu dài, có thể kéo dài nhiều năm. Trong quá trình điều trị có nhiều bệnh nhi tiến triển tốt, nhưng cũng có những trẻ chỉ có thể tự phục vụ bản thân như ăn uống, tắm giặt… và rất khó để hòa nhập với xã hội. Dù vậy, đội ngũ y bác sĩ tại đây vẫn luôn nỗ lực đưa ra liệu trình điều trị phù hợp nhằm giúp những em nhỏ kém may mắn có cuộc sống bình thường như bao trẻ em khác.

Bà Phạm Thị Thạnh, người nhà một bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện nói: “Lúc cháu chưa vào đây thì cháu không được hoạt bát, khờ khạo lắm. Nhưng từ khi vào đây được các cô dạy thì cháu tiến bộ nhanh. Như ngày xưa gọi cháu thì cháu chẳng quay lại, không hợp tác, như người vô hình vậy, thế nhưng mà khi đi học thì gọi cháu biết, cháu muốn cái gì thì sẽ cầm tay bà và chỉ vào những thứ cháu muốn... Gia đình cũng mừng lắm. Các cô giáo tại đây thì đều rất yêu quý cháu và có chuyên môn, rất thân thiện, dù các cháu có nghịch thì các cô đều mềm mỏng dạy dỗ".

Đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện sản nhi Quảng Ninh vẫn đang ngày ngày nỗ lực để giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng và có một tương lai tốt đẹp hơn

Đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện sản nhi Quảng Ninh vẫn đang ngày ngày nỗ lực để giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng và có một tương lai tốt đẹp hơn

Bác sĩ Kiều Thị Hạnh, Phụ trách Khoa Đơn nguyên Tâm bệnh - Phục hồi chức năng, Bệnh viện sản nhi Quảng Ninh đánh giá điều trị trẻ tự kỷ là một quá trình lâu dài và nhiều khó khăn, cần có sự kết hợp giữa cha mẹ hay người chăm sóc trẻ với bác sĩ, chuyên gia tâm lý, giáo viên chuyên biệt với kết quả cuối cùng là giúp trẻ tự kỷ nâng cao khả năng tự lập, tự chăm sóc và sinh hoạt hằng ngày, phát triển những kỹ năng vui chơi, giải trí.

“Trẻ tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử từ sớm cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển cũng như mối quan hệ xung quanh của trẻ. Khi trẻ có những biểu hiện như chậm nói, thì chúng ta cần cho trẻ đến thăm khám ngay lập tức vì hiện tại đã có rất nhiều thang đánh giá để có thể phát hiện sớm. Khi phát hiện thì chúng ta không nên chờ thời gian ví dụ như đợi con đến 2 tuổi con sẽ nói mà nên can thiệp sớm, càng sớm càng tốt", Bác sĩ Kiều Thị Hạnh nói.

Yêu thương, thấu hiểu và đồng hành, đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện sản nhi Quảng Ninh hằng ngày vẫn đảm nhiệm 2 vai: vừa là bác sĩ, vừa là "giáo viên" với mong muốn giúp các em sớm hòa nhập với cộng đồng và có một tương lai tốt đẹp hơn. Bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, việc quan tâm, chăm sóc trẻ tại gia đình cũng rất quan trọng. Bởi hơn bất cứ ai, cha mẹ là những người có thể gần gũi, tác động tích cực thường xuyên để giúp trẻ tự kỷ tiến bộ từng ngày.

PV/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chua-lanh-cho-nhung-benh-nhi-tu-ky-post1125594.vov