'Chữa lành' tâm lý giáo viên
Gần đây, những lùm xùm trong ngành giáo dục, đặc biệt là những hành vi ứng xử phản cảm của một số giáo viên khiến dư luận bức xúc. Bao bài báo phê bình, bao lời bình luận ác ý khiến nhà trường liên lụy, ngành mang tiếng, còn giáo viên, tất nhiên bị tạm đình chỉ công việc, chờ xử lý kỷ luật.
Không ai bênh vực những việc làm không đúng chuẩn mực nhưng không vì thế mà “vơ đũa cả nắm”, đánh đồng bao việc làm tốt, bao tấm gương yêu nghề, hết lòng vì học sinh của thầy, cô giáo và hơn hết, cũng nên có cái nhìn bao dung, độ lượng với những người thầy nói chung, vì chính họ cũng đang cần “chữa lành” tâm lý.
Ngay tại Hà Nội, một cô giáo túm cổ, kéo lê học sinh trước cửa lớp học vì học sinh này không mua bánh đúng yêu cầu. Một thầy giáo trung học phổ thông chỉ tay vào mặt nam học sinh, xưng hô không đúng chuẩn mực, thậm chí xúc phạm em đó… Chưa rõ nguyên nhân sâu xa thế nào nhưng rõ ràng hành động của giáo viên là không chấp nhận được, tác động tiêu cực tới học sinh và môi trường giáo dục. Bản thân hai giáo viên đã bị đình chỉ công tác và nhận thức rõ việc làm chưa đúng của mình. Ở bậc học mầm non, thỉnh thoảng lại có clip cô giáo bạt tai đánh trẻ; lớn hơn thì cô giáo mắng, quát nạt học sinh trong giờ, bị các em ghi lại và phát tán lên mạng xã hội, gây bức xúc dư luận…
Trước những thông tin không hay đó, một người bạn là giáo viên lâu năm chia sẻ, thực sự giáo viên sai, không có gì để bênh nhưng nếu nhìn nhận thấu đáo, chưa bao giờ giáo viên áp lực như hiện nay và bị quá nhiều cảm xúc không tích cực chi phối. Giáo viên quản lý thì bị áp lực bởi chỉ tiêu, thành tích; giáo viên đứng lớp thì bị chi phối bởi giấy tờ, hồ sơ sổ sách, các cuộc kiểm tra, dự giờ, đổi mới chương trình, thậm chí cả môi trường làm việc… khiến họ luôn bận rộn, không cân bằng được giữa việc nhà việc trường, dẫn tới căng thẳng, lo âu… Chưa kể áp lực kinh tế, “cơm áo, gạo tiền”, nuôi dạy con và đặc biệt luôn trong tâm thế bị phụ huynh, học sinh sẵn sàng ghi âm, đưa lên mạng bất cứ lời nói, việc làm nào khiến một vài thầy, cô giáo không kiềm chế được cảm xúc, dẫn đến hành động bột phát.
Không phải ở Bắc Giang, khảo sát tình trạng sức khỏe tâm thần của giáo viên THCS tại Quảng Trị, Huế và TP Hồ Chí Minh năm qua rất đáng suy nghĩ. Có 41,1% số giáo viên bắt đầu có những dấu hiệu đáng lưu ý, 22% giáo viên có nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần cao và khoảng 6,1% giáo viên có sức khỏe tâm thần không tốt. Lưu tâm hơn nữa là đa phần mọi người đều không nghĩ đến việc tìm kiếm sự giúp đỡ. Một số người muốn tìm kiếm sự giúp đỡ thì lại không tiếp cận được các dịch vụ cần thiết.
Đúng là lâu nay chúng ta thường hay chỉ trích người thầy, mặc định người lớn (người thầy) không bắt nạt trẻ con (học sinh) trong khi học sinh không phải em nào cũng ngoan, cũng vâng lời, chuẩn chỉ và hợp tác với nhà trường, giáo viên. Nếu giáo viên làm hết trách nhiệm, dạy các em “tiên học lễ”, thì ít nhiều sẽ va chạm, không kiềm chế được lại thành chuyện. Còn không, nếu họ lơ đi, chỉ lên lớp dạy chữ, hết giờ về, mặc học sinh nhận thức chưa chuẩn thì xã hội sẽ đi về đâu, các em sẽ phát triển ra sao…
Vẫn không đồng tình với việc giáo viên xúc phạm, không chuẩn mực với học trò song từ phía gia đình, nhà trường và xã hội cũng nên có cái nhìn bao dung, độ lượng và công tâm với các thầy. Ai sai người đó phải xử lý và khi họ đã nhận ra lỗi của mình thì bớt đi sự chì chiết, hằn học để “quay đầu là bờ”, cho họ cơ hội sửa chữa.
Giáo viên cũng là con người, có đủ cung bậc cảm xúc; nghề giáo cũng là một nghề, nhưng đặc biệt và thiêng liêng, cao quý hơn. Vậy nên họ cũng rất cần được sẻ chia, thông cảm, đánh giá khách quan và chữa lành tâm lý như bao người, bao nghề.
Hương Thu