Chưa nghỉ hè đã lo đuối nước

Mới chớm hè nhưng tình trạng trẻ em tắm sông, tắm ao hay chơi gần ao hồ dẫn đến tai nạn thương tâm liên tiếp xảy ra ở nhiều vùng miền trên cả nước. Cùng với việc quản lý con em, vấn đề dạy bơi cho trẻ cũng cần được quan tâm, triển khai nhanh, rộng với sự vào cuộc của toàn xã hội, nhất là lực lượng đoàn viên, thanh niên.

Dạy bơi cho trẻ em tại bể bơi khách sạn Kim Liên, phường Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Hồng Anh

Liên tiếp các vụ đuối nước thương tâm

Thông tin tại Hội thảo “Tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước ở trẻ em” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 15-12-2020 cho biết, mỗi năm ở nước ta có trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, cao gấp 10 lần các nước phát triển. Đáng chú ý, khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị; đuối nước xảy ra tại ao, hồ, sông, suối, biển, ngã xuống hố ga, hồ xây dựng chiếm tới 77,6%, 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác. Đuối nước xảy ra chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ hè.

Những thống kê đau lòng nêu trên một lần nữa lại được chứng minh chỉ chưa đầy một tuần, tỉnh Quảng Bình liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn đuối nước khiến 4 trẻ em gái bị tử vong. Vụ thứ nhất xảy ra khoảng 16 giờ ngày 11-4, tại phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới khiến hai chị em trong một gia đình tử vong. Nạn nhân là cháu Lê Thanh Nhàn (sinh năm 2006) và Nguyễn Hà Nhân (sinh năm 2010), là chị em cùng mẹ khác cha. Hôm đó là ngày nghỉ nên hai chị em Nhàn, Nhân rủ nhau ra đồng bắt ốc, không may trượt chân rồi kéo nhau rơi xuống hố nước sâu. Vụ việc thứ hai xảy ra vào sáng 17-4, tại thôn Long Đại, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh khiến hai chị em sinh đôi mới 9 tuổi là Nguyễn Thị Như Ý và Nguyễn Thị Như Quỳnh tử vong. Sáng hôm đó, hai chị em Ý và Quỳnh rủ nhau ra hồ nước trước nhà để tắm. Do hồ vừa được nạo vét nên lòng hồ rất sâu đã khiến hai em bị đuối nước...

Gia đình, xã hội cùng phòng, chống đuối nước

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức phòng, chống đuối nước cho trẻ em, những năm gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia vào hoạt động này. Như tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Lò-Bến Thủy (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An), hằng năm đều lên kế hoạch, phối hợp với các trường học trên địa bàn để tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh. Theo đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị hướng dẫn các em nhận biết và tránh những nơi nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn; cách xử lý nếu không may bị tai nạn, cấp cứu nạn nhân bị đuối nước và tổ chức thực hành kỹ năng... Thượng úy Dương Ngọc Mạnh Tiến, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Lò-Bến Thủy cho biết: “Đơn vị đã tổ chức tuyên truyền cho hơn 1.500 cán bộ, giáo viên và học sinh trên địa bàn. Các buổi hướng dẫn thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh, mang lại những kết quả tích cực”.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, anh Đặng Thành Huy, Bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên cho biết: “Mùa hè, trẻ em ở miền núi cũng thường rủ nhau ra tắm sông, suối dẫn đến không ít tai nạn đuối nước. Mới đây nhất là trường hợp hai em gái ở xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông rủ nhau tắm sông Mã dẫn đến tử vong. Trước tình trạng này, đoàn viên và tổ chức đoàn các cấp đã phối hợp với các ngành, địa phương tuyên truyền, giáo dục phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Tuy nhiên, do điều kiện thực tế còn nhiều khó khăn nên các hoạt động mới dừng lại ở mức tuyên truyền, giáo dục. Vì thế, việc xây dựng bể bơi, tổ chức dạy bơi và dạy các kỹ năng phòng, chống đuối nước cho các em rất cần sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành cùng sự chung tay của toàn xã hội”.

Còn anh Nguyễn Vũ Chiên, Phó bí thư Tỉnh đoàn Nam Định chia sẻ: “Vài năm gần đây, phong trào dạy bơi cho trẻ em ở tỉnh Nam Định phát triển khá tốt thông qua nhiều hình thức, nhất là hai năm gần đây khi có bể bơi di động đưa về các trường tiểu học, trung học cơ sở. Để có kinh phí đầu tư mua bể bơi di động thì Tỉnh đoàn Nam Định kêu gọi xã hội hóa và phát huy tinh thần, lòng nhiệt huyết của đoàn viên là các giáo viên dạy thể dục. Ngoài ra, chúng tôi cũng liên hệ với các bể bơi trên địa bàn TP Nam Định để tổ chức dạy bơi cho trẻ em với người hướng dẫn tập, dạy bơi là cộng tác viên của Tỉnh đoàn; Trung tâm Văn hóa, Thể thao thanh thiếu niên tỉnh Nam Định cũng xây dựng kế hoạch hoạt động hè với môn dạy bơi cho trẻ. Trước mỗi dịp hè, Tỉnh đoàn đều có công văn gửi các trường tiểu học, trung học cơ sở để thầy cô thông báo cho các em đăng ký...”.

Cũng tại Hội thảo “Tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước ở trẻ em”, thông tin đáng chú ý được các đại biểu đưa ra là sự sao nhãng, vô ý, bất cẩn của các bậc cha mẹ. Trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông suối và tắm biển không có người lớn đi kèm. Môi trường sống tại gia đình và ngoài cộng đồng chưa an toàn, tiềm ẩn các nguy cơ gây đuối nước ở trẻ em. Điều đó cho thấy, cùng với xã hội thì gia đình cũng cần đặc biệt quan tâm, để ý tới con em. Không để các em tắm sông, tắm ao hay chơi đùa cạnh sông, hồ mà thiếu người lớn trông giữ.

P.V (theo QĐND)

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/vi-tre-em/186435/chua-nghi-he-da-lo-duoi-nuoc