Chưa nhất trí được kế hoạch phục chế công trình Nhà thờ Đức bà Paris
Vụ cháy Nhà thờ Đức bà Paris ngày 15/4 vừa qua đã gây ra một cú sốc tinh thần lớn đối với người dân toàn thế giới.
Ngày 14/11, một cuộc tranh cãi nảy lửa đã xảy ra giữa kiến trúc sư trưởng Philippe Villeneuve, người được chỉ định phục chế công trình Nhà thờ Đức bà Paris bị hư hại trong vụ hỏa hoạn hồi tháng 4 vừa qua và người được giao nhiệm vụ giám sát kỹ thuật thi công, Tướng Jean-Louis Georgelin.
Tại cuộc họp Ủy ban các vấn đề văn hóa của Hạ viện, tranh cãi càng trở nên gay gắt khi hai bên không nhất trí được việc nên thay thế "ngọn tháp xoắn" trên nóc Nhà thờ bằng một "bản sao" y hệt hay nên pha trộn giữa 2 lối kiến trúc cổ và hiện đại.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người chỉ định Tướng Jean-Louis Georgelin giám sát kỹ thuật dự án trùng tu trên, cho biết ông ủng hộ việc đưa thêm nét kiến trúc đương đại vào công trình.
Tuy nhiên, kiến trúc sư Philippe Villeneuve khẳng định rằng ngọn tháp này được tạo dựng đúng như bản chính trước đây.
Theo cựu Tham mưu trưởng quân đội Pháp, giải pháp cuối cùng sẽ được quyết định vào năm 2021 và ông kêu gọi trong thời gian đó các bên phải giải quyết được vấn đề nhằm chấm dứt tranh cãi hiện nay.
Mặc dù vậy, kiến trúc sư Villeneuve vẫn khẳng định mục tiêu cuối cùng chỉ có thể được đáp ứng nếu ngọn tháp này được xây dựng đúng như phiên bản ban đầu.
Nhà thờ Đức Bà Paris bắt đầu được xây dựng từ năm 1160 và kéo dài tới hơn 1 thế kỷ mới hoàn thành. Công trình này là một phần trong quần thể kiến trúc hai bờ sông Seine được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) xếp hạng Di sản Thế giới năm 1991.
Là một trong những ví dụ điển hình nhất của lối kiến trúc Gothic Pháp, Nhà thờ Đức Bà Paris thu hút 13 triệu lượt du khách thăm quan mỗi năm.
Vụ cháy Nhà thờ Đức bà Paris ngày 15/4 vừa qua đã gây ra một cú sốc tinh thần lớn đối với người dân toàn thế giới. Việc khôi phục nhà thờ theo phong cách Gothic 850 năm tuổi này, với phần lớn mái gỗ đã bị thiêu rụi, sẽ là thách thức lớn chưa từng có mà Chính phủ Pháp phải đối mặt./.