Chưa như kỳ vọng!
'Đề án liên doanh đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật cho 134 trạm y tế xã, phường, thị trấn theo hình thức xã hội hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa' có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành việc đầu tư trong năm 2018, từ năm 2019 bắt đầu đi vào vận hành, khai thác, sử dụng. Thế nhưng, quá trình triển khai dự án chưa như kỳ vọng.
Đề án liên doanh đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật cho 134 trạm y tế xã, phường, thị trấn:
Máy siêu âm, xét nghiệm tại Trạm Y tế xã Định Hải (Tĩnh Gia) thỉnh thoảng mới đưa vào vận hành do không được thanh toán BHYT nên bệnh nhân không mặn mà. Ảnh: Tô Hà
Trang thiết bị đầu tư chưa phát huy hiệu quả
Theo đề án, 134 trạm y tế được đầu tư đồng bộ các trang thiết bị, máy móc hiện đại, gồm 4 loại (1 máy siêu âm Doppler mầu 4D, 1 máy xét nghiệm huyết học tự động, 1 máy xét nghiệm sinh hóa bán tự động, 1 máy xét nghiệm nước tiểu bán tự động). Đồng thời, người sử dụng máy siêu âm, xét nghiệm tại trạm y tế sẽ được đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn. Tính đến ngày 31-12-2019 đã hoàn thành toàn bộ việc cải tạo phòng lắp đặt thiết bị chuyên môn, mua sắm dụng cụ, thiết bị văn phòng từ nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo các quyết định được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Đến 15-10-2019, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư y tế Nhật Quang (Công ty Nhật Quang) đã hoàn thành việc bàn giao lắp đặt trang thiết bị chuyên môn chuyển giao kỹ thuật cho 116 trạm y tế. Các trang thiết bị được lắp đặt hệ thống đếm điện tử, kết nối phần mềm lên Hệ thống HIS/VNPT vào cổng dữ liệu của BHYT. Toàn bộ vật tư tiêu hao phục vụ cho hoạt động của hệ thống trang thiết bị của đề án (gel, hóa chất xét nghiệm, vật tư tiêu hao...) do Công ty Nhật Quang cung ứng, trên cơ sở kết quả đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao hàng năm của Sở Y tế. Các dịch vụ kỹ thuật thuộc danh mục Đề án đầu tư tại trạm y tế được Sở Y tế thẩm định, phê duyệt thực hiện theo Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11-12-2013 của Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh và được thanh toán BHYT. Việc thanh toán các dịch vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân có BHYT thực hiện theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29-10-2015 (nay là Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 5-7-2019). Việc thanh toán các dịch vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân không có thẻ BHYT được thực hiện theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15-3-2017 của Bộ Y tế (nay là Thông tư 14/2019/TT-BYT ngày 5-7-2019). Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố được thành lập phòng khám đa khoa và được các cơ quan có thẩm quyền chỉ định là đầu mối ký hợp đồng khám chữa bệnh ngoại trú cho bệnh nhân BHYT trên địa bàn.
Hệ thống xét nghiệm tại Trạm Y tế xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc) thỉnh thoảng mới có bệnh nhân lấy mẫu làm xét nghiệm dịch vụ.
Đến tháng 6-2019, Công ty Nhật Quang đã hoàn thành việc đào tạo cấp chứng chỉ siêu âm cho 47 bác sĩ, 129 xét nghiệm viên tại các trạm y tế. Các trạm y tế trong đề án còn lại, trước khi tham gia đề án đều đã được đào tạo cấp chứng chỉ siêu âm, xét nghiệm tại các cơ sở đào tạo đủ điều kiện. Từ tháng 6-2019 đến nay, Công ty Nhật Quang liên tục mở các lớp đào tạo hướng dẫn sử dụng trang thiết bị tại thực địa, cho các trạm y tế đã được đầu tư trang thiết bị chuyên môn. Đến thời điểm hiện tại, cán bộ chuyên môn ở tất cả các trạm y tế được đầu tư đều vận hành sử dụng trang thiết bị thành thạo, cho kết quả chẩn đoán chính xác. Một số trạm y tế đã chẩn đoán phát hiện bệnh nhân cấp cứu ngoại khoa, kịp thời chuyển lên tuyến trên.
Dù đã được đầu tư các trang thiết bị, máy móc hiện đại, được tập huấn chuyên môn, nhưng tại nhiều trạm y tế, các thiết bị đã được đầu tư lắp đặt không được vận hành sử dụng, gây lãng phí rất lớn. Khảo sát tại các trạm y tế: Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc), Định Hải (Tĩnh Gia), Quảng Ngọc (Quảng Xương), các phòng đặt máy đều cửa đóng, then cài. Khi phóng viên đề xuất mục sở thị các trang thiết bị được đầu tư thì cán bộ trạm mới đi tìm chìa khóa để mở. Và các cán bộ của các trạm y tế đều cho biết: Khi tham gia đề án, trạm được cung cấp trang thiết bị máy xét nghiệm, máy siêu âm. Thời gian đầu đang được làm miễn phí siêu âm, xét nghiệm người dân rất phấn khởi, nhưng khi thu phí người dân không còn mặn mà nữa.
Chị Lê Thị Mai, thôn Hồng Phong, xã Định Hải (Tĩnh Gia) chia sẻ: Từ khi trạm y tế có máy xét nghiệm, siêu âm người dân chúng tôi rất vui, vì không phải đi xa, được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại địa phương. Các y, bác sĩ luôn tận tâm, nhiệt tình, khi cần làm các xét nghiệm, siêu âm để phát hiện bệnh, có hướng xử trí, điều trị kịp thời. Tuy nhiên người dân ở đây đa phần thuần nông nghiệp, thu nhập thấp, không phải ai cũng có đủ điều kiện để chi trả cho các dịch vụ này. Vì thế qua thời gian miễn phí người dân không còn mặn mà nữa. Người dân mong muốn khi có thẻ BHYT sẽ được thanh toán các dịch vụ kỹ thuật qua BHYT.
Còn nhiều khó khăn, bất cập trong triển khai đề án
Một trong những khó khăn khi thực hiện đề án hiện nay là cơ chế thanh toán BHYT. Sở Y tế đã có quyết định thành lập phòng khám đa khoa cho 26 trung tâm y tế, cấp giấy phép hoạt động cho 13 trung tâm y tế. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có trung tâm y tế huyện, thị, thành phố nào được BHXH tỉnh thẩm định đủ điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT. Do đó chưa đảm nhiệm được vai trò là đầu mối ký hợp đồng khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT như quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh. Ngày 26-12-2019, BHXH tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 1682/BHXH-GĐBHYT hướng dẫn ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT năm 2020. Trong đó tại phần c), mục 1 nêu rõ: Bệnh viện đa khoa huyện, bệnh viện đa khoa khu vực ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với các cơ sở y tế khám chữa bệnh BHYT là trạm y tế xã, phường... Ngày 19-2-2020, Sở Y tế có Công văn số 355/SYT–NVY chỉ đạo các trung tâm y tế và bệnh viện đa khoa huyện, thị, thành phố phối hợp hướng dẫn trạm y tế ký phụ lục hợp đồng khám chữa bệnh BHYT bổ sung các danh mục kỹ thuật siêu âm, xét nghiệm cho các trạm y tế tham gia thực hiện đề án. Tuy nhiên chưa có cơ chế phân bổ quỹ khám chữa bệnh BHYT cho tuyến xã.
Thực trạng hiện nay, các trạm y tế thực hiện khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT hết sức bị động, lệ thuộc hoàn toàn vào việc phân bổ kinh phí, cung ứng thuốc của từng bệnh viện đa khoa huyện, thị, thành phố; không có định mức chung áp dụng cho tuyến xã, phổ biến ở mức 60-70 triệu đồng/năm. Số lượng và danh mục thuốc cấp cho trạm y tế cũng rất nghèo nàn, nhiều trạm y tế sau 6 tháng thực hiện dịch vụ chưa được thanh toán tiền công khám chữa bệnh. Thực tế trên đã làm hạn chế công tác khám chữa bệnh nói chung, khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT nói riêng, cũng như kế hoạch quản lý và điều trị một số bệnh không lây nhiễm tại cơ sở.
Được biết, quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở còn nhiều khó khăn do một số trung tâm y tế huyện, thị, thành phố chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo tinh thần quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời, chưa chủ động bố trí sắp xếp đủ nhân lực cho các trạm y tế tham gia đề án; chưa thực hiện điều chuyển, tăng cường cán bộ thay thế cho các trường hợp nghỉ phép, nghỉ thai sản, nghỉ BHXH, thuyên chuyển công tác, thôi việc... dẫn đến tình trạng nhiều trạm y tế sau khi đầu tư không có người vận hành sử dụng trang thiết bị. Thêm vào đó, nhân lực tại các trạm y tế tham gia thực hiện đề án mỏng, phổ biến 4 cán bộ, khối lượng công việc tại trạm y tế nhiều, nhân viên thường xuyên phải tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nhiều thời điểm không có người vận hành, sử dụng trang thiết bị. Năng lực quản lý điều hành của các trưởng trạm y tế nhìn chung còn hạn chế. Hầu hết các trạm y tế chưa phân công nhiệm vụ theo vị trí việc làm, chưa có quy trình quản lý hoạt động khám chữa bệnh, việc quản lý sử dụng trang thiết bị, vật tư hóa chất phục vụ đề án còn hạn chế. Một số trưởng trạm y tế chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện đề án, chưa chủ động khắc phục, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện đề án.
Trong khi nguồn lực ngân sách của Nhà nước đầu tư cho y tế tuyến xã, phường còn khó khăn, thì xã hội hóa đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các trạm y tế là chủ trương mang tính đột phá của tỉnh Thanh Hóa. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến xã, tạo sức thu hút hấp dẫn người bệnh; từng bước khắc phục tình trạng lãng phí cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực; tăng nguồn thu cho trạm y tế và giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, giảm bội chi quỹ BHYT. Tuy nhiên, khi những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện đề án vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ, thì đề án dù được triển khai cũng không đạt mục tiêu và kết quả như phê duyệt. Đồng thời, các thiết bị đã được đầu tư sẽ không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí lớn cho nguồn ngân sách Nhà nước, cũng như khó khăn cho nhà đầu tư.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/chua-nhu-ky-vong/118714.htm