Chùa Như Lai- sắc màu văn hóa dân gian

Dưới mái ngói nâu bé nhỏ, bỗng không gian chật chội trở nên đầy ắp tình người. Có phải đây cũng là từ nét đẹp của văn hóa dân gian; của một dân tộc biết 'Thương người như thể thương thân' hoặc 'Bầu ơi thương lấy bí cùng…'.

Nghi lễ thượng phan

Nghi lễ thượng phan

Phật giáo Việt Nam trong lịch sử hơn 2.000 năm đã tiếp thu nhiều bản sắc văn hóa dân gian truyền thống, nhưng ngày nay, cùng với quá trình phát triển và đô thị hóa thì bản sắc này ít nhiều phai nhạt.

Giống như cô gái chân quê trong thơ Nguyễn Bính: “Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Chùa Phật ở các vùng đô thị ngày nay nhiều ngôi đã lên lầu, cửa kính tường cao sáng lóa, nên ít nhiều cũng đã không còn cảnh tượng nhà báo Thép Mới tả trong bài bút ký Cây tre Việt Nam. Rằng: “Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái đình, mái chùa cổ kính. Dưới bóng tre xanh, ta gìn giữ một nền văn hóa lâu đời…”.

Trong khi đó, dù ngự ở một góc ngã ba trên đại lộ 30.4, trung tâm thành phố Tây Ninh thì chùa Như Lai vẫn còn khép nép giữ cho riêng mình một mảnh hồn quê. Vẫn 3 gian mái ngói nâu sồng giản dị lợp theo hình bánh ít trên một mặt bằng vuông khoảng 7 mét mỗi chiều.

Chùa nằm trũng sâu ở bên đường, chỉ có mái chùa nhô lên khỏi mặt đường chút ít. Cổng chùa với 2 trụ cổng đơn sơ được xây ngang với mặt hè đường. Từ cổng có một con đường thả dốc xuống sân, nơi có một cây thị lúc nào cũng sum suê tỏa bóng. Vào nhiều tháng trong năm, người đến chùa sẽ nhặt được những trái thị nhỏ vàng ươm. Lúc ấy, ai mà chẳng nhớ đến một chi tiết truyện Tấm Cám, là: “Thị ơi thị rơi bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”.

Cứ thế, chùa Như Lai như đưa ta về với những nét đẹp dân gian truyền thống. Mà đầu tiên là chuyện chùa còn mang cái tên bình dân là chùa Ông Hổ. Theo tín ngưỡng dân gian, ông Hổ xưa thường được thờ tại đình làng.

Nghiên cứu trong sách “Đình Nam bộ xưa và nay” của Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tường (Nxb Đồng Nai, năm 1999) cho thấy: Ông Hổ và Sơn Quân thuộc nhóm “Các thần linh dân gian được tích hợp vào đình Nam bộ”.

Thì ông Hổ tại chùa Như Lai gần gũi hơn với khái niệm về Sơn Quân. Sách có đoạn: “Đất Nam bộ vốn là rừng rậm có nhiều thú dữ, trong số đó có chúa sơn lâm thường hay gây hại cho mọi người. Do đó tín ngưỡng thờ phụng thần Hổ nhằm mục đích tạo niềm tin cho người đi khai hoang/ Theo truyền thuyết xưa kia ở Nam bộ không có làng nào dám cử chức Hương Cả, là chức vụ đầu làng. Chức vụ này phải nhường cho Sơn Quân, con người chỉ làm đến chức vụ thứ nhì, tức là chức Hương Chủ! Nếu ai trái tục lệ này thì bị cọp về móc họng chết… Miếu cả Cọp thường ở gần đình. Có nơi thờ cốt tượng, có nơi thờ chiếc sọ cọp đã chết rũ từ xưa…”.

Vậy vì sao chùa Như Lai có ban thờ ông Hổ? Câu chuyện này ta có thể đọc trên tấm bia đá, được Đại đức Thích Nghiêm Lâm- Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP. Tây Ninh cho đặt trước sân chùa năm 2020. Rằng: “Cách chùa không xa là suối Lâm Vồ rừng tre rậm rạp hoang vắng trải dài những năm 1930 cọp thường xuất hiện… Thời ấy Trụ trì chùa là ông Năm.

Có một lần, khoảng 4 giờ chiều trước lễ cúng kinh thí thực cô hồn, thấy một ông Hổ nằm trước cổng chùa. Ông Năm thắp nhang lễ cúng xong đi vào chùa thỉnh chuông, trống và tụng một thời kinh. Ông Hổ nghe kinh xong rồi đi vào rừng rậm. Sau đó ông Hổ thường xuyên về nằm trước cổng chùa nghe kinh Phật, rồi lại đi. Một thời gian không thấy về nữa, nhưng bóng ông chập chờn như vị thần linh… Vì vậy, người dân địa phương gọi tên là chùa Ông Hổ (chùa Ông Cọp) và lập ban thờ…”.

Ban thờ ấy nay ở ngay vị trí của ông Tiêu Diện Đại sĩ, người dân quan niệm ban thờ ông Hổ nhập thần Tiêu Diện Đại sĩ rất linh thiêng nên thường rất đông người đến cúng tam tai trước ban thờ ông Hổ. Về cơ bản, ban thờ ông Hổ tại chùa Như Lai cũng giống như các ban ông Hổ đặt ở bức bình phong, sau ban thờ thần Nông ở các ngôi đình. Về sau, người ta còn đặt thêm các pho tượng hổ.

Mâm cúng xá tội vong nhân.

Mâm cúng xá tội vong nhân.

Không đông người đến vào các dịp lễ trọng đại, nhưng lễ hội ở chùa Như Lai có sắc thái riêng, có sức thu hút nhờ nghi lễ luôn có sắc màu của lễ hội dân gian truyền thống. Như đại lễ Vu lan chẳng hạn. Với Phật giáo, lễ Vu lan có phần thiên sang chuyện đáp đền ơn nghĩa gọi là “Tứ trọng ân”; còn ở chùa Như Lai, nghi lễ lại nghiêng sang ý nghĩa “xá tội vong nhân” theo quan niệm dân gian. Các nghi thức thượng phan, khoa nghinh thần chủ hay đăng đàn chẩn tế rất nghiêm trang, chu tất trong trang phục, sắc màu, nghi lễ cũng như các món đồ dâng cúng.

Trong “thượng phan”, thì phan ở đây là chiếc đèn lồng được làm rất cầu kỳ với 3 phần 6 mặt, trên có mái cong kiểu một mái chùa cổ kính. Sau khi thực hiện các nghi thức cúng trước ban ông Hổ cùng các mâm tế thịnh soạn, người ta mới thận trọng kéo lên, cố định lại trên cột cao trước sân chùa. Các nhà sư tham gia nghi lễ cúng mặc trang phục đặc biệt với áo cà sa nhiều màu rực rỡ. Vị sư chủ lễ còn thêm tràng hạt, mũ cao trang trọng.

Những năm trước dịch Covid- 19, như năm 2019, trong nghi lễ khoa nghinh thần chủ còn có thêm mục múa lửa do một nhà sư trẻ thực hiện. Khi ấy, không gian chính điện chập chờn vũ điệu đuốc lửa giữa lung linh đèn nến tạo nên một cảnh tượng khó quên. Nhìn những cảnh tượng ấy, dễ liên hệ với các buổi lễ tế điện cũng rất nhiều màu sắc, vũ điệu và cả âm nhạc ở các ngôi đình.

Tuy vậy, muốn thấy rõ nhất sắc màu của văn hóa dân gian, xin hãy xem kỹ các lễ vật dâng cúng ngày lễ Vu lan. Người có quê ở miền Bắc hay miền Trung dễ nhận ra ngay những món quà thường dành cho các “vong hồn” của ngày xá tội vong nhân rằm tháng 7 âl. Đấy là cháo trắng, là bỏng ngô, mía cây hay đường tán giữa những bông trái và cả bánh trái thời hiện đại đã bày lên. Lễ Vu lan năm Nhâm Dần 2022, người ta còn thấy cả một hình nhân tưởng như đã bị quên. Đấy là ông sứ giả. Trong vàng mã hình nhân một ông quan cưỡi ngựa. Sư trụ trì cho biết, ông sứ giả có trách nhiệm quan sát đầy đủ các nghi lễ để sau khi hóa (đốt cùng sớ văn) ông về báo cáo với “chư thiên”.

Một loại nghi thức khác thường diễn ra vào cuối buổi lễ, đó là việc phát quà cho người nghèo. Ở bất cứ lễ hội nào tại chùa Như Lai cũng có phát quà. Như tại lễ tổng kết hoạt động phật sự năm 2022 vào tuần cuối tháng 12 vừa qua, có đến 100 phần quà gồm gạo và thực phẩm được trao tận tay những gia đình nghèo khó. Chùa nhỏ, nên phòng họp nhỏ sau đó biến thành nơi chứa và trao quà từ thiện.

Dưới mái ngói nâu bé nhỏ, bỗng không gian chật chội trở nên đầy ắp tình người. Có phải đây cũng là từ nét đẹp của văn hóa dân gian; của một dân tộc biết “Thương người như thể thương thân” hoặc “Bầu ơi thương lấy bí cùng…”. Báo cáo tổng kết cũng cho biết trong năm 2022, các chùa, tự viện trong khu vực TP. Tây Ninh đã vận động được hơn 6,7 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện.

Trong một dịp tìm hiểu, khảo sát chùa Như Lai gần đây, chúng tôi tìm thấy một văn bản do các thế hệ trụ trì trước để lại. Tình tiết mới là: “Sau khi quy y với Hòa thượng Giác Hải (chùa Thiền Lâm - Gò Kén), Bà (Võ Thị Có) cho xây dựng một ngôi chùa được hòa thượng Giác Hải đặt tên là chùa Như Lai…”.

Vậy ra chính là hòa thượng Giác Hải (tức Như Nhãn) đã đặt tên chùa. Ngài và bổn sư Thích Trí Lượng (khai cơ Thiền Lâm cổ) đều là những bậc cao tăng xuất chúng ở miền Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Có thể điều ấy cùng với nét đẹp của văn hóa dân gianỏa ra ngoài xã hội.

TRẦN VŨ

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/chua-nhu-lai-sac-mau-van-hoa-dan-gian-a153466.html