Chưa nới room tín dụng, cổ phiếu ngân hàng lỡ nhịp sóng tăng?

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới do những hạn chế liên quan đến room tín dụng.

Lỡ hẹn mốc 1.200 điểm

Thị trường chứng khoán ngày 4/7 tiếp tục lỡ hẹn với mốc 1.200 điểm khi lực bán vẫn dâng cao. Chốt phiên giao dịch, VN-Index giảm 3,37 điểm (0,28%) về 1.195,53 điểm, HNX-Index tăng 2,31 điểm (0,83%) lên 281,19 điểm, UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (0,32%) xuống 87,9 điểm.

Thị trường chứng khoán được dự báo tiếp tục đi ngang trong thời gian tới.

Thị trường chứng khoán được dự báo tiếp tục đi ngang trong thời gian tới.

Thanh khoản thị trường ở mức khá thấp với 442,8 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch chỉ đạt hơn 11.400 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch thỏa thuận đạt giá trị 1.166 tỷ đồng.

Theo quan sát, thị trường phiên đầu tuần rung lắc với khối lượng tương đối thấp, thể hiện cung cầu đang cân bằng và cho thấy thị trường đang ở giai đoạn cuối của quá trình giảm điểm để chuyển sang tích lũy.

Bên cạnh đó, dòng tiền hiện tại có dấu hiệu chốt lời ở những dòng tăng vừa qua như điện, thủy sản, bán lẻ, logistic, phân bón... để chuyển về những dòng giảm mạnh như tài chính ngân hàng, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp, đầu tư công.

Trong nhóm VN30, kết phiên có tới 17/30 mã chìm trong sắc đỏ và tạo hiệu ứng tiêu cực, phải kể đến PNJ (-3,43%); MWG (-3,56%); FPT (-1,48%). Nhóm 3 cổ phiếu này thường là những cổ phiếu có room ngoại hot trên thị trường. Đáng chú ý khối ngoại phiên hôm nay bán ròng MWG với giá trị hơn 81 tỷ đồng.

Nhóm thủy sản, dầu khí và năng lượng lại giao dịch giằng co. Tại nhóm dầu khí, bên cạnh các cổ phiếu giao dịch tích cực như PVD, PVS, CNG, OIL…các mã GAS, PGD, PGS... lại giảm điểm với biên độ khoảng 2%. Hơn nữa, cổ phiếu thủy sản chủ yếu chìm trong sắc đỏ MPC, IDI, VHC, CMX… thậm chí ANV giảm sàn. Tuy nhiên, ABT của Thủy sản Bến Tre lại có phiên ngược dòng ngoạn mục tăng 2,7% điểm.

Cổ phiếu ngân hàng chấm dứt đà tăng từ tháng 2/2022

Đáng chú ý trong phiên giao dịch chứng khoán ngày 4/7, nhóm cổ phiếu ngân hàng góp phần làm trụ đỡ cho thị trường khi tăng điểm khá tốt. Trong đó phải kể đến những cổ phiếu như: LPB, BAB, MBB, VBB, SHB, TCB… Đây là những cổ phiếu ngân hàng có biên độ tăng điểm mạnh, thậm chí VIB (+6,81%) kết phiên tăng rực rỡ.

Dù nhóm này có phiên giao dịch tích cực nhưng có thể thấy cổ phiếu ngân hàng đã chấm dứt đà tăng từ thời điểm tháng 2/2022 đến nay. Nếu tính trong vòng 3 tháng qua, hầu hết thị giá cổ phiếu ngân hàng đều có mức giảm khá lớn. Đơn cử như TCB, tính từ 1/4 đến thời điểm hiện tại đã giảm tới 26,64%; ACB giảm 8,4%; STB giảm tới gần 30% giá trị... Điều đáng nói, không có bất kỳ một cổ phiếu ngân hàng nào lội ngược dòng tăng trưởng trong 3 tháng qua.

Nguyên nhân cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh thời gian qua chủ yếu do việc kiểm soát chặt chẽ hơn dòng vốn tín dụng vào bất động sản, thanh tra trái phiếu doanh nghiệp tại ngân hàng, lo ngại nợ xấu gia tăng do doanh nghiệp bất động sản đói vốn gần như không có dự án mới tung ra thị trường và áp lực lạm phát đã tác động tới tâm lý nhà đầu tư.

Một tin cũng không mấy tốt đẹp đối với ''dòng bank'' trong thời gian tới, đó chính là việc có khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ nới room tín dụng vào tháng 8 thay vì tháng 7 như kỳ vọng. Trong báo cáo của Chứng khoán Yuanta, công ty này đã dự báo các ngân hàng sẽ được nới hạn mức tín dụng trong quý III, mặc dù vậy, NHNN có thể sẽ không vội nới room, tín dụng khi kinh tế vĩ mô đã có sự tăng trưởng ấn tượng trong quý II.

"Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ nới room tín dụng trong tháng 8 thay vì tháng 7 như thị trường kỳ vọng" - Chứng khoán Yuanta cho biết.

Về định giá trên sàn chứng khoán, Yuanta cho hay ngành ngân hàng đang giao dịch với P/B 2022 dự báo là 1,2 lần, tỷ suất ROE 2022 dự báo là 21% (theo Bloomberg). Công ty chứng khoán này cho rằng đây là mức định giá hấp dẫn, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung vào các ngân hàng hàng đầu như Vietcombank (VCB), MB (MBB), ACB (ACB), Sacombank (STB) và VPBank (VPB).

Còn tại báo cáo phân tích về ngành ngân hàng mà Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa công bố, VCBS cho biết, các tiêu chí xét duyệt tín dụng của NHNN có thể kể đến như mức độ dồi dào vốn chủ sở hữu (hệ số CAR), năng lực quản trị rủi ro (thể hiện qua việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Basel III, IFRS 9,…), mức độ hỗ trợ NHNN thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội (miễn giảm lãi suất và phí, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng,…).

Nhóm phân tích đánh giá, các ngân hàng có hệ số CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như MB, Vietcombank, Techcombank, VPBank, ACB, TPBank, MSB... sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn.

Ngoài ra, trong thời gian tới, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém (MB và Vietcombank), sẽ có lợi thế về tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng khác.

Ở chiều ngược lại, các ngân hàng trong diện cảnh báo có tỷ trọng cho vay các lĩnh vực rủi ro như đầu cơ bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có thể bị hạn chế room tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải hơn để bảo đảm hạn chế rủi ro hệ thống.

Dự báo về thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch ngày 5/7, Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) phân tích, thị trường có thể sẽ tiếp tục đi ngang với biên độ hẹp ở phiên giao dịch tới, và VN-Index chưa thể vượt được mức 1.223 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn, cho nên dòng tiền ngắn hạn vẫn suy yếu và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu.

Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tăng nhẹ và mức tăng không đáng kể cho thấy nhà đầu tư đã giảm hào hứng ở các nhịp hồi của thị trường. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục quan sát và dừng bán ở giai đoạn hiện tại. Đồng thời, các nhà đầu tư chỉ nên xem xét mua mới với tỷ trọng thấp dưới 5%.

Còn Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo, VN-Index nhiều khả năng tiếp tục quán tính giảm điểm trong phiên tới nhằm tìm kiếm lực cầu bắt đáy quanh ngưỡng hỗ trợ gần 1.180 (+-5) trước khi hồi phục trở lại. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ các vị thế đã mở và chỉ gia tăng tỷ trọng trong những nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ đối với cổ phiếu mục tiêu.

Diệu Chi

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chua-noi-room-tin-dung-co-phieu-ngan-hang-lo-nhip-song-tang.html