Chưa nước nào sẵn sàng gửi F-16 cho Ukraine dù được Mỹ bật đèn xanh
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bật đèn xanh cho phép các đồng minh chuyển tiêm kích F-16 cho Ukraine. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có đồng minh NATO nào ở châu Âu sẵn sàng cung cấp những chiếc Falcon cho Kiev.
Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố ủng hộ các yêu cầu của Ukraine và nói rằng Washington sẽ không cản trở các đồng minh tìm cách chuyển giao máy bay chiến đấu hiện đại do phương Tây sản xuất cho Kiev.
Vương quốc Anh, quốc gia không vận hành F-16, đã tích cực vận động để trang bị tiêm kích này cho Ukraine. Tuy nhiên, các nước châu Âu đang chờ Mỹ đi đầu trong vấn đề này.
Mỹ đã viện trợ quân sự trị giá 43 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi xung đột bắt đầu bùng phát. Cung cấp F-16 có thể làm tăng thêm chi phí. Do đó, Washington cũng mới chỉ chấp thuận việc đào tạo phi công Ukraine chứ chưa sẵn sàng cung cấp tiêm kích này cho Kiev.
Huấn luyện phi công nhưng chưa cung cấp F-16
Chính phủ Bỉ nhiều lần khẳng định sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ để giúp Ukraine chống lại Nga trong cuộc xung đột hiện nay. Tháng 2 vừa qua nước này đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá 92 triệu euro cho Ukraine. Dù vậy, Bỉ từ chối chuyển những chiếc F-16 hiện có cho Kiev.
Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho hay: “Chúng ta cần những chiếc F-16 cho chính mình, chúng đang được sử dụng để bảo vệ NATO ở Baltics, nơi chúng ta thực hiện cái được gọi là ‘tuần tra trên không’. Chúng ta cần chúng để bảo vệ bầu trời. Mọi thứ rất rõ ràng, chúng ta cần F-16 cho chính mình”.
Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedoner cho hay nước này sẽ đào tạo phi công Ukraine lái F-16. Tuy nhiên, Không quân Bỉ vẫn cần 53 chiếc F-16 còn lại trong kho. Bỉ dự kiến thay thế F-16 bằng máy bay F-35, nhưng sẽ không sớm hơn năm 2025.
Ngay cả Đức cũng tuyên bố sẵn sàng đào tạo phi công Ukraine nhưng khẳng định rằng vai trò của Berlin sẽ bị hạn chế do không vận hành máy bay chiến đấu F-16.
Tư lệnh Lực lượng Không quân Đức Ingo Gerhartz cho rằng Đức vẫn có thể tham gia “liên minh máy bay chiến đấu cho Ukraine” mặc dù không có bất kỳ chiếc F-16 nào.
Trong một cuộc phỏng vấn với Der Tagesspiegel, ông Gerhartz cho biết: “Các quốc gia không có F-16 vẫn có thể hỗ trợ bên lề, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng hoặc đào tạo”.
Các căn cứ không quân ở Đức như Spangdahlem và Ramstein, nơi Mỹ triển khai máy bay F-16, có thể được sử dụng cho mục đích huấn luyện sau khi có quyết định chính trị.
Chờ đợi sáng kiến từ Mỹ
Vương quốc Anh, Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch đều hoan nghênh việc Mỹ bật đèn xanh cho phép gửi F-16 hiện có trong kho của họ tới Ukraine, nhưng chưa quốc gia nào đề nghị cung cấp cho Ukraine.
Ngoài Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Hy Lạp, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Romania cũng có kho dự trữ F-16. Nhưng các nước đang chờ đợi một sáng kiến từ Mỹ.
Bên lề cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng EU tại Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết: “Chúng tôi đã sẵn sàng. Phía Ba Lan sẵn sàng huấn luyện phi công lái máy bay F-16. Việc huấn luyện như vậy vẫn chưa bắt đầu”.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng nói rằng, nước này đã cung cấp những chiếc MiG-29 thời Liên Xô cho Kiev, nhưng chưa sẵn sàng cho đi những chiếc tiêm kích hiện. Ba Lan có 48 chiếc F-16 trong kho.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết nước này đang “xem xét nghiêm túc” việc gửi tiêm kích F-16 tới Ukraine nhưng vẫn chưa quyết định. Tuy nhiên, họ muốn bắt đầu đào tạo các phi công Ukraine lái F-16 càng sớm càng tốt.
Hà Lan hiện có 24 chiếc F-16 “có thể triển khai hoạt động” và sẽ tiếp tục phục vụ cho đến giữa năm 2024, sau đó chúng có thể được bán ra thị trường. Ngoài ra, nước này còn có 18 chiếc F-16 “không còn được sử dụng trong hoạt động” và “cũng có thể được cung cấp một điểm đến khác”.
Pháp cũng chỉ “nói suông”
Về việc gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine, Pháp cũng chỉ “nói suông”. Khi được hỏi về việc gửi máy bay chiến đấu của Pháp đến Ukraine, Tổng thống Emmanuel Macron nói rằng, “không có điều cấm kỵ nào”. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh vấn đề này chỉ là “lý thuyết” vào thời điểm hiện nay.
Các nguồn tin thân cận với ông Macron nói rằng Tổng thống Pháp hoàn toàn hiểu yêu cầu của Ukraine về máy bay chiến đấu, nhưng ông cảm thấy vẫn còn quá sớm để thảo luận về vấn đề này.
Văn phòng tổng thống Pháp cũng trích dẫn những rào cản về ngôn ngữ và văn hóa mà trước tiên phải vượt qua. “Các phi công Ukraine được đào tạo trên các hệ thống không phải của Pháp và không phù hợp với logic của Pháp. Rất ít phi công nói được tiếng Pháp, thậm chí ít người trong số họ nói được tiếng Anh.”
Theo ông Macron, phi công Ukraine trước tiên sẽ làm quen với các máy bay chiến đấu của Pháp. Họ có thể bắt đầu đào tạo ngay lập tức. Các thành viên của Lực lượng Không quân Ukraine đã được huấn luyện trong nhiều tháng ở Lorraine và Tây Nam nước Pháp, nơi họ đang học những điều như phải làm gì nếu máy bay của họ bị bắn rơi./.