Chưa rõ tính vùng trong dự thảo đề án Trung tâm liên kết nông sản Cần Thơ

Dự thảo đề án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, đặt tại Cần Thơ, chưa nêu bật được tính vùng cũng như sự phối hợp của 13 tỉnh, thành trong vùng.

Ngày 19-5, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý đề án thành lập Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ. Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia và lãnh đạo các tỉnh vùng ĐBSCL và TP.HCM.

Hội nghị lấy ý kiến dự thảo đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL đặt tại TP Cần Thơ ngày 19-5. Ảnh: NHẪN NAM

Hội nghị lấy ý kiến dự thảo đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL đặt tại TP Cần Thơ ngày 19-5. Ảnh: NHẪN NAM

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết dự thảo đề án đã cơ bản hoàn thiện và đã qua một lần báo cáo các bộ ngành trung ương vào ngày 11-5. Nay tiếp tục hội thảo để lắng nghe ý kiến của các địa phương, qua đó cập nhật, hoàn thiện đề án.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng số liệu phân tích thực trạng phải là số liệu toàn vùng mới mang tính khái quát. Còn dự thảo đề án chưa nêu bật được sự phối hợp, tính liên kết giữa các địa phương trong vùng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử góp ý tại hội nghị. Ảnh: NHẪN NAM

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử góp ý tại hội nghị. Ảnh: NHẪN NAM

Theo ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, bộ máy Trung tâm trong dự thảo đề án có phần na ná như khu công nghiệp, không phù hợp với một mô hình vốn cần sự gắn kết với trung tâm chuyên ngành của các tỉnh trong khu vực.

Ông Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị làm rõ cơ chế phối hợp, điều tiết giữa các tỉnh khi Trung tâm đi vào hoạt động. Mô tả kỹ hơn việc kết nối giữa Trung tâm liên kết Cần Thơ với các trung tâm chế biến trái cây, thủy sản, lúa gạo hiện có ở các địa phương.

“Các tỉnh với nhau mà không có sự phối hợp hài hòa thì ĐBSCL rất khó phát triển. Không liên kết, không có tiếng nói chung, không có kiến nghị chung thì cũng chỉ mang tính manh mún thôi” – ông Nam nêu ý kiến.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An Đinh Thị Phương Khanh góp ý tại hội nghị. Ảnh: NHẪN NAM

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An Đinh Thị Phương Khanh góp ý tại hội nghị. Ảnh: NHẪN NAM

Với “mong muốn việc thành lập Trung tâm này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề ĐBSCL của chúng ta trong thời gian dài mắc phải”, bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho rằng cần làm rõ mối quan hệ, vai trò của các tỉnh trong vùng khi vận hành Trung tâm. Dự thảo cần viết rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm, như liên kết là liên kết cái gì, liên kết ra làm sao…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu. Ảnh: CQ

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu. Ảnh: CQ

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao các ý kiến góp ý, đề nghị Cần Thơ tiếp thu, chỉnh sửa hoàn chỉnh đề án.

Theo ông Nam, nút thắt của ĐBSCL là tiêu thụ nông sản chứ không phải thiếu hàng hóa. Chính phủ và Quốc hội xác định ĐBSCL là vùng an ninh lương thực trọng điểm của cả nước nên phải có một Trung tâm điều phối sản xuất, chế biến, liên kết, tiêu thụ. Đây cũng là ý nguyện của cán bộ và nhân dân các tỉnh ĐBSCL nhiều năm qua.

Ông Nam cho rằng Trung tâm phải là mô hình đa chức năng, khác với phải khu công nghiệp, và cũng không phải là khu kinh tế. Trung tâm ra đời phải phát huy thế mạnh của 13 tỉnh ĐBSCL, không để sản xuất chồng chéo, cạnh tranh nhau…

Về các bước tiếp theo, ông Nam đề nghị Cần Thơ phối hợp với các chuyên gia, tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án, trong tháng 6 tiếp tục mời các hiệp hội doanh nghiệp của vùng, doanh nghiệp nước ngoài tham gia góp ý. Khi đề án gần hoàn chỉnh cần gửi 13 tỉnh ĐBSCL góp ý tiếp.

NHẪN NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/chua-ro-tinh-vung-trong-du-thao-de-an-trung-tam-lien-ket-nong-san-can-tho-post680733.html