Chưa rõ vì sao giám đốc có giấy tờ đất người đã chết để đi lừa
Tòa truy trách nhiệm cá nhân, đơn vị đã không thu hồi hay để thất lạc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người đã chết để bị cáo làm phương tiện cho bị cáo phạm tội.
Ngày 9-4, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt Cao Văn Phước (sinh năm 1969) 15 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, HĐXX buộc bị cáo phải bồi thường 3 tỉ đồng cho bị hại.
Đáng chú ý vụ án trước đó tòa đã trả hồ sơ để truy trách nhiệm đơn vị cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận và cá nhân hay đơn vị đã không thu hồi hay để thất lạc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Văn Thắng (đã chết) làm phương tiện cho bị cáo phạm tội.
Trước đó, tòa từng triệu tập các người liên quan gồm chủ đất, đại diện văn phòng công chứng, đại diện chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện... để làm rõ phi vụ lừa đảo có một không hai này.
Xét tại CQĐT và tại tòa, con gái của ông Đắng cho biết sau khi cha mất năm 2003 và đã tiến hành thủ tục nhận phần diện tích đất do thừa kế di sản cũng như thực hiện việc tách sổ đó phần đất đã bán cho người khác. Thông qua dịch vụ bà đã nộp lại giấy tờ đất bản chính tên cha và đến năm 2004 được cấp giấy mới mang tên mình.
Tuy nhiên năm 2019, bị cáo Phước lại có giấy tờ bản chính mang tên ông Đắng để làm hợp đồng chuyển nhượng cho bà Phan Thị Bạch Mai.
Từ đó, tòa trả hồ sơ cho VKS để điều tra làm rõ trách nhiệm như trên. Kết quả điều tra bổ sung, VKS cho biết ngày 11-11-2020 Phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện Hóc Môn trả lời hiện đang giao cho các đơn vị tiến hành rà soát lại hồ sơ lưu trữ. UBND huyện Hóc Môn sẽ cung cấp kết quả ngay sau khi rà soát và xử lý trách nhiệm.
Đồng thời VKS giữ nguyên quan điểm truy tố với bị cáo. Cáo trạng nêu ông Nguyễn Văn Đắng (sinh năm 1935, ngụ xã Bà Điểm huyện Hóc Môn, TP.HCM) chết vào năm 2003 để lại tài sản là thửa đất gần 1.000 m2.
Một năm sau, người con gái duy nhất của ông làm thủ tục kê khai di sản thừa kế đối với thửa đất trên và được cấp giấy chứng nhận. Đồng thời UBND huyện đã thu hồi lại giấy tờ đất mang tên ông Đắng.
Tuy nhiên, tháng 4-2009, Phước gặp Mai Hữu Thành, Trần Trọng Tiến và một đối tượng (chưa rõ lai lịch) dùng tên Nguyễn Văn Đắng (sinh năm 1965) đóng giả người đã chết để bàn giao cho Phước nhận ủy quyền đối với thửa đất trên.
Theo thỏa thuận, khi nhận ủy quyền xong, Phước đứng tên vay tiền sẽ được hưởng 15% giá trị. Ngày 30-4-2009, người đóng giả Nguyễn Văn Đắng chủ đất đã chết ký hợp đồng ủy quyền cho Phước toàn bộ quyền định đoạt đối với thửa đất này tại một văn phòng công chứng.
Tháng 9-2009 thông qua Phạm Lê Hiền (chưa rõ lai lịch) giới thiệu cho Phước quen biết bà Phan Thị Bạch Mai đang cần mua đất để đầu tư. Phước giới thiệu mình là giám đốc Công ty TNHH Cao Phước (trụ sở tại quận 7, TP.HCM).
Phước nói với bà Mai thửa đất trên có giá trị 2 tỉ đồng nhưng đang cần tiền đầu tư dự án nên bán giá rẻ kèm theo điều kiện sẽ chuộc đất. Nếu bà Mai đồng ý mua sẽ bán với giá 1,4 tỉ đồng trong thời hạn ba tháng nếu Phước trả lại tiền và lãi suất 3% một tháng thì sẽ tiến hành hủy hợp đồng chuyển nhượng.
Ngày 4-9-2009, Phước cùng bà Mai đến văn phòng công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và giao nhận một tỉ. Cùng ngày, Phước còn mượn thêm 210 triệu đồng. Sau đó, Phước còn mượn 143 triệu đồng... Khi bà Mai đòi coi đất, Phước và Hiền đưa bà đến khu vực địa bàn xã Bà Điểm, Hóc Môn chỉ vào khu đất trống.
Đầu năm 2010, bà Mai làm thủ tục đăng bộ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Hóc Môn thì phát hiện thời đất trên không phải của ông Đặng sinh năm 1965 mà là của một người cùng tên đã chết nên gửi đơn tố cáo đến công an. Mãi đến tháng 2, Phước bị bắt theo lệnh truy nã.
Trước đó, Phước từng bị TAND quận 9, TP.HCM tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù về tội lừa đảo.