Chùa Sâu - Điểm du lịch văn hóa tâm linh ở Đầm Hà (Quảng Ninh)

Chùa Sâu nằm ở xã Dực Yên (Đầm Hà - Quảng Ninh). Nếu đi từ phía Hạ Long về Móng Cái đến địa phận Đầm Hà, ta dễ dàng nhìn thấy chùa Sâu nằm tọa lạc trên đỉnh đồi, nơi có những rừng cây xanh bạt ngàn, tạo sự yên bình chốn tâm linh.

Vị trí chùa Sâu ở cuối xã Dực Yên, gần với các xã Đông Hải, Đông Ngũ của huyện Tiên Yên nên trở thành điểm đến tâm linh giao thoa giữa Đầm Hà và Tiên Yên. Đường đến chùa Sâu rất thuận lợi, vì chùa nằm cách Quốc lộ 18A không xa. Từ Quốc lộ 18A đi vào, khách bộ hành còn phải leo lên quả đồi cao có cảnh đẹp nên thơ với rừng, biển, khí hậu trong lành. Theo các nhà chuyên môn thì người xưa đã cân nhắc kỹ khi chọn hướng đất và thế đất rất quan trọng để xây dựng nơi thờ cúng thiêng liêng này.

Chùa Sâu có rất đông tăng ni, phật tử và du khách đến vào các ngày lễ

Chùa Sâu có rất đông tăng ni, phật tử và du khách đến vào các ngày lễ

Trước đây, chùa Sâu chỉ là một ngôi miếu nhỏ, đến năm 2021, ngôi chùa được xây dựng lại với tổng diện tích hơn 6,64ha, tổng kinh phí thực hiện toàn bộ dự án khoảng 60 tỷ đồng và đã xong giai đoạn 1 từ cuối năm 2022. Ngay dưới chân chùa, từ các bậc tam cấp để bước lên chùa chính là bức phù điêu lớn dài khoảng 30m, mô tả cảnh vật thiên nhiên với cảnh đầm sen và cá chép hóa rồng được phủ mạ vàng. Rảo bước tiếp theo các bậc tam cấp lên trên là ngôi Đại hùng bảo điện được xây dựng chủ yếu bằng gỗ theo kiến trúc truyền thống với diện tích 300m2, bên trong có tượng Phật và các vị hộ pháp oai phong lẫm liệt. Phía trước Đại hùng bảo điện là lầu chuông có chuông lớn cao 2m, nặng 2 tấn được đúc bằng đồng từ cuối năm 2022. Theo những người dân sống cạnh chùa, mỗi lần chuông được gõ, tiếng chuông vang vọng bán kính vài km nghe rất uy nghi. Theo Đại đức Thích Nhuận Nhu, Phó trụ trì nhà chùa thì chuông là pháp khí quan trọng trong chốn thiền môn, tiếng chuông gợi mở tâm hồn trong sáng của tất cả chúng ta.

Chuông chùa Sâu mỗi lần thỉnh, tiếng vọng vang xa vài km

Chuông chùa Sâu mỗi lần thỉnh, tiếng vọng vang xa vài km

Phía trước chùa được xây một chiếc cổng lớn, cũng theo Đại đức Thích Nhuận Nhu thì đây gọi là Cửa Không ai cũng có thể vào chứ không phải chỉ của riêng nhà chùa. Đứng ở Cửa Không, ta có thể nhìn bao quát một vùng rộng lớn, xuyên qua những đồi cây bao la là biển xanh trập trùng, xa xa những cánh cò vỗ dập dờn. Cách không xa chùa Sâu là rừng cò núi Hứa thuộc xã Đại Bình (Đầm Hà), nơi trú ngụ của hàng ngàn con cò. Nơi đây có Cột cờ núi Hứa nằm trong Khu di tích khảo cổ - lịch sử - danh thắng Núi Hứa, xã Đại Bình được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2012 và ngày nay là điểm đến tham quan của nhiều đoàn khách huyện Đầm Hà và các địa phương khác vào dịp cuối tuần.

Cửa Không (chùa Sâu) nơi du khách có thể ngắm nhìn một vùng rộng lớn của huyện Đầm Hà từ trên cao

Cửa Không (chùa Sâu) nơi du khách có thể ngắm nhìn một vùng rộng lớn của huyện Đầm Hà từ trên cao

Dù là những ngày bình thường, chùa Sâu vẫn có du khách tìm đến. Anh Trần Thanh Hải, một ngư dân đến từ xã Tân Lập, huyện Đầm Hà cho hay: Chùa Sâu được xây dựng to và đẹp hơn là ước nguyện của người dân Đầm Hà chúng tôi. Những người dân đi biển chúng tôi vào những ngày rằm, mùng một đều rất muốn đến chùa để thắp nén hương, rồi sau đó thấy yên tâm hơn cho những chuyến ra khơi bình an, bắt được nhiều tôm cá. Chùa Sâu cũng là niềm tự hào của người dân chúng tôi khi mời gọi được nhiều du khách đến Đầm Hà, hứa hẹn Đầm Hà sẽ phát triển tốt du lịch.

Trước đây chùa Sâu rất nhỏ, được xây dựng từ khoảng trăm năm nay. Theo những người cao tuổi sống ở gần chùa, thì ngôi chùa đầu tiên được làm bằng tre, vách nứa và phải tu bổ, sửa chữa nhiều lần. Sau đó chùa được làm lại bằng các vật liệu bền vững hơn, móng, tường bằng đá, mái lợp ngói âm dương. Thế nhưng trải qua thời gian, ngôi chùa bị hư hỏng nặng nề. Năm 1945, ông Chánh tổng Lương Văn Liễu, người làng Nhội (nay thuộc xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên) đã đứng ra và vận động thêm một số nhà hảo tâm nữa đóng góp xây dựng lại và ngôi chùa đó còn tồn tại đến ngày nay. Về giá trị lịch sử, trước Cách mạng Tháng Tám, chùa Sâu được chọn làm nơi đặt trạm liên lạc, nơi hội ý chớp nhoáng giữa cán bộ căn cứ kháng chiến với cán bộ công tác ở vùng địch hậu. Về giá trị xã hội vào thời Nguyễn, đây là nơi duy nhất các tín đồ đạo Phật trong vùng thờ Phật.

Hiện nhà chùa đã dựng một khu Trai đường (nơi dùng cơm cho các phật tử) có thể chứa được hàng trăm phật tử dùng cơm liền một lúc vào các ngày lễ lớn như ngày rằm tháng Giêng, tháng 4 và tháng 7. Vào những ngày này, có hàng vạn phật tử, du khách của Đầm Hà và nhiều huyện, thị miền Đông như Tiên Yên, Móng Cái, Hải Hà... cả TP Hạ Long, Cẩm Phả và tỉnh ngoài, Việt kiều đến dâng hương và vãn cảnh chùa.

Hiện nay, chùa Sâu được đánh giá là công trình tâm linh lớn nhất huyện Đầm Hà. Được biết, ngoài chùa Sâu, huyện Đầm Hà còn có nhiều địa danh tạo ấn tượng cho du khách như: Núi Hứa, rừng cò, đảo Núi Cuống (xã Đại Bình), đình Đầm Hà, đảo Đá Dựng (xã Đầm Hà), thác Bạch Vân (xã Quảng An)... Đây là các điểm du lịch tham quan cho du khách khi đến chùa Sâu.

Công Thành/ quangninh.gov.vn

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/chua-sau-diem-du-lich-van-hoa-tam-linh-o-dam-ha-quang-ninh-681526.html