Chùa Serey Kandal lưu giữ ghe cà hâu và ghe phka-cha có tuổi đời hơn 100 năm

Trước kia, mỗi khi nói đến lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer, người ta thường nhắc đến chiếc ghe cà hâu và phka-cha. Bởi đây là chiếc ghe có vị trí quan trọng dành cho các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức, người có uy tín ngồi và chỉ đạo đội ghe ngo trong suốt giải đua diễn ra.

2 chiếc ghe "cổ"

Vào những ngày này, tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), sư sãi và bà con Khmer rất vui mừng khi biết tin về việc tỉnh đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII tại tỉnh Sóc Trăng và Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2022.

Là một trong những ngôi chùa Khmer cổ kính, cách trung tâm thị xã Vĩnh Châu khoảng 3km theo hướng đi Bạc Liêu, chùa Serey Kandal, phường Vĩnh Phước được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến, bởi nhiều năm qua, các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội cũng được nhà chùa quan tâm, thường xuyên tổ chức phát quà, giúp đỡ, ủng hộ những người nghèo, người già neo đơn… Trước mặt chúng tôi là những quần thể kiến trúc độc đáo mang đậm sắc thái Khmer, như: chánh điện, ngôi sala, am, tháp, Phật đắc đạo, niết bàn... được bố trí khá hài hòa trong khuôn viên chùa. Cùng với những công trình kiến trúc hoa văn ấn tượng, chùa Serey Kandal hiện nay còn lưu giữ 2 chiếc ghe cổ (cà hâu và phka-cha) được chạm khắc những nét hoa văn nổi thật độc đáo được xem như là báu vật của chùa.

Trong dịp lễ và rằm, đông đảo bà con phật tử đến tham quan chiếc ghe cà hâu và ghe phka-cha tại chùa Serey Kandal. Ảnh: THẠCH PÍCH

Trong dịp lễ và rằm, đông đảo bà con phật tử đến tham quan chiếc ghe cà hâu và ghe phka-cha tại chùa Serey Kandal. Ảnh: THẠCH PÍCH

Đây là những chiếc ghe độc mộc có tuổi đời hơn 100 năm. Tuy chiều dài có ngắn hơn so với chiếc ghe ngo nhưng có bề rộng lớn hơn. Hiện nay, ghe cà hâu và phka-cha không còn được dùng trong các dịp lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo như trước, nhưng đồng bào Khmer vẫn thể hiện rõ ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn những vật dụng sinh hoạt có giá trị văn hóa độc đáo trong đời sống tinh thần của bà con. Ghe cà hâu và phka-cha cổ của chùa được thiết kế, trang trí kỳ công và được bảo quản tốt để trưng bày cho bà con phật tử và du khách gần xa đến tham quan.

Đại đức Lý Phét - Trụ trì chùa Serey Kandal cho biết: “Vào các dịp lễ Sene ĐôlTa cổ truyền, tết Chôl Chnăm Thmây, hay ngày rằm, ba mươi hàng tháng, nhà chùa đều mở cửa để cho bà con phật tử, các em học sinh đến tham quan, tìm hiểu về loại ghe này. Bởi chiếc ghe cà hâu và phka-cha này góp mặt tại chùa từ đời các vị hòa thượng trước. Thời gian sau này, hoa văn bị hư hỏng nhiều, thấy vậy sư và Ban quản trị chùa quyết định thuê các nghệ nhân đến chùa khắc họa khôi phục lại toàn bộ nhằm lưu giữ kỷ vật cổ để cho con cháu sau này biết được chiếc ghe”.

Ấn tượng những chiếc ghe độc đáo

Điều ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là chứng kiến 2 chiếc ghe (cà hâu và phka-cha) được nhà chùa bảo quản rất kỹ lưỡng. Mỗi chiếc được làm bằng một thân cây gỗ lớn, theo hình thức “độc mộc”, mũi ghe cong vút, đuôi ghe được chạm khắc, ráp lại và trang trí với những hình thức hoa văn nổi chủ đạo là hình “hoa lửa”. Mỗi chiếc có một hình tượng chạm khắc khác nhau, một chiếc được nghệ nhân đục đẽo những họa tiết hoa văn đầu rồng và một chiếc có hình tượng đầu phụng hoàng uốn lượn quấn quanh từ đầu đến đuôi ghe thật đẹp mắt…

Cụ Lâm Sol là một cựu vận động viên đội ghe ngo chùa Serey Kandal năm nay 84 tuổi kể lại: “Trước kia, mỗi chiếc ghe ngo đi thi đấu phải có một chiếc cà hâu đi theo hầu, ngoài dành cho các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức, người có uy tín ngồi và chỉ đạo đội ghe ngo trong suốt giải đua diễn ra, ghe cà hâu và phka-cha còn có nhiệm vụ để chuyên chở lương thực, nước uống, dàn nhạc… phục vụ hậu cần cho đội ghe ngo và phục vụ văn nghệ tại nơi diễn ra cuộc đua. Do có vị trí vô cùng quan trọng, là “nguồn sống” của đội ghe về vật chất lẫn tinh thần, nên chiếc cà hâu và phka-cha luôn song hành cùng chiếc ghe ngo của chùa. Hồi tỉnh Sóc Trăng tổ chức đua ghe ngo trên sông Nhu Gia, thuộc xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, 2 chiếc ghe này lúc nào cũng đi theo phục vụ đội ghe ngo của chùa. Nhưng mỗi lần hạ thủy và di chuyển gặp không ít khó khăn, do chiếc ghe độc mộc có trọng lượng nặng hơn chiếc ghe ngo. Sau này, ghe cà hâu và phka-cha cũng vắng bóng tại lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo”.

Theo Đại đức Lý Phét, đối với đồng bào Khmer, ghe ngo không chỉ là vật dùng trong sinh hoạt văn hóa được chế tạo, bảo quản ở trong chùa mà còn là một linh vật đại diện cho phum sóc, biểu tượng của sự ấm no, sung túc... Do vậy, ghe cà hâu và phka-cha cũng không kém phần quan trọng, bởi xưa kia nó cũng luôn song hành cùng ghe ngo mỗi khi vào mùa lễ hội đua ghe ngo. 2 chiếc ghe cà hâu và phka-cha dù là nhiệm vụ đi phục vụ cho đoàn đua, nhưng quy định về người được ngồi trên đó rất khắt khe. Thường chở các vị chức sắc Khmer, ban quản trị chùa, chức sắc của chùa và làm nhiệm vụ hậu cần để tiếp tế cho đội ghe.

Đồng chí Sơn Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Trong khuôn khổ hoạt động Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII tại tỉnh Sóc Trăng và Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2022, hoạt động Lôi protip (thả đèn nước) và ghe cà hâu cũng được quan tâm tổ chức trình diễn. Đây không chỉ là hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, giàu tính nhân văn của đồng bào Khmer, mà còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, trở thành một điểm nhấn về những sắc màu văn hóa - du lịch của Sóc Trăng để thu hút du khách đến với tỉnh nhà và góp phần cho không khí lễ hội thêm sôi nổi, náo nhiệt, tạo nên sự đa dạng của văn hóa Sóc Trăng nói riêng và của vùng đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung”.

THẠCH PÍCH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/chua-serey-kandal-luu-giu-ghe-ca-hau-va-ghe-phka-cha-co-tuoi-doi-hon-100-nam-61044.html