Việt Nam học được gì từ hành trình xuất khẩu văn học của Hàn Quốc?

Nhìn từ kinh nghiệm đưa văn học ra thế giới của Hàn Quốc, các dịch giả, nhà nghiên cứu nhận định rằng nếu muốn đưa tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam đến với độc giả quốc tế, cần có sự đầu tư hệ thống và hậu thuẫn lớn từ nhà nước.

Sự kiện gặp gỡ văn chương Việt - Hàn diễn ra vào ngày 5/7 vừa qua tại TP.HCM đã tạo cơ hội giao lưu giữa tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu từ hai nước. Đồng thời, những chia sẻ về chính sách hỗ trợ sáng tác và quảng bá văn học của Hàn Quốc cũng gợi nhiều suy ngẫm cho văn chương Việt.

Thành quả từ nhiều năm đầu tư cho xuất khẩu văn học

Nhiều thập kỷ qua Hàn Quốc đã có những chính sách quốc gia nhằm hỗ trợ, quảng bá văn học ra thế giới. Trong đó, Viện dịch thuật văn học Hàn Quốc tổ chức dịch thuật, quảng bá nhiều tác phẩm của văn học Hàn ra thế giới một cách hệ thống.

Việc đưa văn học Hàn đến gần hơn với các nước nói tiếng Anh, cộng đồng đông đảo những người dùng tiếng Anh trên toàn cầu đã giúp nhiều tên tuổi của văn đàn Hàn Quốc được biết đến rộng rãi. Kể từ khi Han Kang thắng giải Man Booker Quốc tế năm 2016 với Người ăn chay (được dịch sang tiếng Anh với tựa The Vegetarian), văn học Hàn cũng có thêm nhiều tác giả, tác phẩm chiến thắng hoặc lọt vào danh sách rút gọn nhiều giải thưởng văn học lớn nhỏ trên thế giới.

Không thể phủ nhận rằng các giải thưởng này đã xây dựng chỗ đứng cho văn học Hàn trong cộng đồng độc giả và cả giới phê bình, chuyên gia quốc tế. Tuy nhiên, giải thưởng không phải là điều duy nhất mà văn học Hàn Quốc nhắm đến.

 Từ trái qua: dịch giả Hiền Nguyễn, GS Kim Jae Yong, tác giả Choi Eun Yeong và nhà văn Huỳnh Trọng Khang tại buổi giao lưu.

Từ trái qua: dịch giả Hiền Nguyễn, GS Kim Jae Yong, tác giả Choi Eun Yeong và nhà văn Huỳnh Trọng Khang tại buổi giao lưu.

"Nhật Bản, Trung Quốc hướng đến mục tiêu đoạt giải Nobel, nhưng chúng tôi quan tâm nhất đến việc giới thiệu văn chương nước mình đến rộng rãi độc giả quốc tế", GS Kim Jae Yong (GS Khoa Ngữ văn - Đại học Wonkwang, đồng thời là Tổng biên tập Tạp chí Văn học Toàn cầu Hàn Quốc) nói.

Nếu như trước đây các nguồn lực chủ yếu được tập trung để đưa sách văn học Hàn ra thị trường các nước nói tiếng Anh thì vài năm trở lại đây, các chương trình hỗ trợ cũng chú trọng đến nhiều ngôn ngữ, quốc gia khác. Trong đó Việt Nam cũng là thị trường tiềm năng của xuất khẩu văn học Hàn với ngày càng nhiều đầu sách được dịch trong 10 năm qua.

Một điều mà Hàn Quốc kỳ vọng làm tốt hơn nữa là hỗ trợ cho dịch giả. Để thực sự làm tốt công việc dịch thuật, dịch giả cần thấu hiểu cả hai nền văn hóa của ngôn ngữ gốc lẫn ngôn ngữ đích.

10 năm qua, văn đàn Hàn Quốc chứng kiến nhiều thay đổi. Vài năm trở lại đây, nhà văn trẻ gặp khó khăn, những người sống chuyên nghiệp bằng nghề viết phải làm thêm công việc khác. Hỗ trợ từ chính phủ và nhiều tổ chức, cá nhân khác sụt giảm. Về mặt tiếp cận độc giả, các kênh hỗ trợ xuất bản, tạp chí chuyên về xuất bản văn học không còn sống nổi.

"Điều động viên lớn nhất để chúng tôi cầm bút là vẫn còn những độc giả yêu thích văn chương, một lượng độc giả nhất định vẫn giữ thói quen đọc. Bên cạnh đó, sinh hoạt văn chương của không chỉ tác giả, mà cả độc giả vẫn sôi nổi. Do đó, nhiều nhà văn trẻ vẫn yêu nghề, tích cực chuyên tâm sáng tác", tác giả Choi Eun Yeong chia sẻ.

Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn TP.HCM, dịch giả Nguyễn Thị Hiền nhận định rằng có thể nhìn thấy sự đồng điệu giữa những nhà văn Hàn Quốc qua các thế hệ. Trong những thập niên 1950, 1960 văn chương là tiếng nói của thời đại, chủ đề thường thấy là nỗi đau chiến tranh, nỗ lực phát triển đất nước.

Nhưng từ những năm 1990, chủ đề trong văn học không còn quá nặng nề hay vĩ mô, xa xôi mà gắn liền với thường nhật hơn. Qua văn học ta thấy con người hiện lên trong cái bình đẳng chung, song cũng đậm tính cá nhân, vừa rất phổ quát cũng lại vừa rất bản sắc.

Nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang nhận định rằng có thể tìm thấy điểm chung trong sáng tác của nhà văn Hàn Quốc với tác giả từ nhiều quốc gia khác. Ấy là các chủ đề tình yêu, nhập cư, sự giao thoa của các nền văn hóa, quốc gia, dân tộc và rằng "sau cùng thì văn học vẫn là nói về con người".

Cần chiến dịch bài bản để quảng bá văn học

Thuở GS Kim Jae Yong còn đi học, ở Hàn Quốc văn học thế giới vẫn được gọi là "văn học nước ngoài", dường như chỉ tập trung vào văn học các nước Anh-Mỹ, châu Âu, ít đề cập đến văn học các nước khác. Mãi đến khi trở thành người trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu, ông mới tiếp xúc nhiều hơn với văn học đến từ đa dạng các nền văn hóa. "Thế giới còn có văn học Việt Nam, văn học Đông Nam Á, văn học Mỹ La-tinh, văn học châu Phi", ông nói.

Tạp chí Văn học Toàn cầu Hàn Quốc mà ông làm Tổng biên tập vào số 22 hạ kỳ năm 2023 đã đặc biệt giới thiệu tên tuổi bốn nữ nhà văn Việt Nam Nguyễn Ngọc Tư, Trịnh Bích Ngân, Lê Minh Khuê, Võ Thị Xuân Hà. Ông đánh giá cao sáng tác của bốn nhà văn này và kỳ vọng nỗ lực giới thiệu văn chương của họ sẽ góp phần đưa văn học đương đại Việt Nam đến gần với độc giả Hàn Quốc.

Góp phần trong dự án này, dịch giả Hiền Nguyễn nhận định: "Văn học Việt Nam cũng có rất nhiều tác phẩm hay, nhưng chúng ta chưa giới thiệu được đến độc giả nước ngoài". Thậm chí khoan bàn đến xuất khẩu văn học, việc phát hành tác phẩm văn học trong nước cũng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với tác giả trẻ chưa nhiều tên tuổi.

Bên cạnh sáng tác, Huỳnh Trọng Khang hiện nay cũng làm việc trong lĩnh vực xuất bản. Anh kể rằng mỗi ngày đơn vị của anh nhận rất nhiều bản thảo của tác giả trẻ. Điều này cho thấy tình yêu văn học vẫn còn khấp khởi trong lòng rất nhiều người trẻ. Anh nói có phần chạnh lòng, rằng nếu như ở Hàn Quốc lượng phát hành giảm sút, thì từ 300.000 bản sụt giảm còn 100.000, nhưng ở Việt Nam, nhiều tựa sách văn học từ in 2.000 bản giảm xuống chỉ còn 1.000 bản.

Dịch giả Lê Đăng Hoan, người có nhiều năm chuyển ngữ tác phẩm văn học Hàn sang tiếng Việt và văn học Việt sang tiếng Hàn, nhận định để hỗ trợ phát triển văn học và xa hơn nữa là đưa tác phẩm của tác giả Việt ra thế giới, không thể chỉ có những nỗ lực nhỏ lẻ, mà cần đến sự hậu thuẫn từ nhà nước.

Điều này cần được làm một cách bài bản trong tất cả các khâu từ tuyển chọn tác phẩm, dịch thuật, xuất bản và cả phát hành. "Không thể chỉ có những tác phẩm in ra chỉ để dành tặng, giao lưu nội bộ".

Ông kỳ vọng rằng trong tương lai, giao lưu văn học sẽ là con đường hai chiều, chứ không chỉ có một chiều đưa tác phẩm nước ngoài về giới thiệu với độc giả Việt.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/viet-nam-hoc-duoc-gi-tu-hanh-trinh-xuat-khau-van-hoc-cua-han-quoc-post1484835.html