Chưa sòng phẳng về giá
Lần thứ 5 liên tiếp xăng dầu giảm giá. Mức giảm rất nhanh, gần tương ứng với đà tăng trước đó, được kỳ vọng sẽ bình ổn thị trường, tránh tác động xấu đến xã hội.
Quan sát kỹ những diễn biến gần đây, chúng ta cũng dễ nhận thấy sự bình ổn do giảm giá xăng dầu mang lại vẫn dừng ở trạng thái tâm lý mà chưa tác động sâu rộng đến toàn xã hội. Sự chậm chuyển biến này có nguyên nhân chủ quan từ nhiều phía: Cơ quan quản lý thị trường, doanh nghiệp và cả thái độ của người tiêu dùng.
Trước hết chúng ta phải nhận thấy Chính phủ và các cơ quan hữu trách đã giữ đúng lời hứa của mình. Trong thời gian ngắn nhất tìm mọi cách để hạ giá xăng dầu trong nước, kể cả những biện pháp mạnh và chưa có tiền lệ: giảm hàng loạt loại thuế, hỗ trợ trực tiếp những nhà sản xuất hàng thiết yếu, những lĩnh vực đặc thù… Xét thuần túy về mặt thị trường, đây là cách điều hành rất sòng phẳng với người tiêu dùng. Lúc thuận lợi thì thu được lãi tốt, thuế cao; lúc khó khăn chấp nhận hy sinh nguồn thu để chia sẻ với người dân. Nhìn về ý nghĩa xã hội, đây là quyết sách mạnh mẽ, có tầm nhìn lâu dài và cho thấy tinh thần vì dân thực sự.
Nhưng đến hôm nay, để đáp lại những chính sách hữu ích trên, những doanh nghiệp từng kêu than vì giá xăng dầu tăng đã làm gì?
Khi giá nhiên liệu tăng, các nhà kinh doanh vận tải, cả vận tải hàng hóa lẫn hành khách đều kêu khó, yêu cầu Chính phủ hỗ trợ gấp và tăng giá vô tội vạ. Thậm chí có hãng xe công nghệ còn phịa ra cả loại phí là phí nắng nóng để tận thu. Tác động của ngành vận tải rất ghê gớm, đánh mạnh vào sản xuất và kéo giá tiêu dùng lập đỉnh mới. Nay đã qua khoảng 1 tháng giảm giá xăng dầu thì điều người tiêu dùng nhận được chỉ là sự im hơi lặng tiếng của các nhà kinh doanh. Ôtô cũng thế, xe tải làm ngơ, hàng không thì im lặng… giữ nguyên mức giá như trước. Rõ ràng đây là sự toan tính có chủ đích kiếm lợi trong tình thế người sử dụng không có điều kiện để mặc cả.
Chuyện thiếu sòng phẳng này không phải nay mới phát sinh. Nó được lặp đi lặp lại hằng năm và là nguyên nhân chính gây lạm phát. Dễ thấy nhất là cận Tết, nhà kinh doanh lấy lý do hàng hóa nhiều, sản xuất tập trung, tăng ca tăng kíp và chi phí gián tiếp tăng nên tăng giá. Thế nhưng sau Tết, mọi thứ trở lại bình thường thì giá cả vẫn không giảm. Giá này giống như "giá cơ sở" để rồi cuối năm lại lập mốc mới. Hãy so sánh giá của vài mặt hàng thiết yếu của năm nay với năm vừa qua và vài năm trước sẽ thấy rõ thực trạng.
Sự lặp đi lặp lại câu chuyện bất thường như trên lâu dần khiến người tiêu dùng thấy… bình thường dù có thể thu nhập bản thân không tăng qua nhiều năm. Và có vẻ các cơ quan quản lý thị trường cũng thấy bình thường. Những biện pháp kìm giữ giá thị trường ít có tác dụng nên gánh nặng này sẽ đổ lên vai người dân. Ở tầm quốc gia, giá tăng sẽ tác động xấu đến cả nền kinh tế và làm công tác điều hành chính sách vĩ mô gặp khó.
"Té nước theo mưa" - bám giá theo xăng dầu đang diễn ra đã mô tả sinh động thói xấu cố hữu của không ít nhà kinh doanh ăn xổi ở thì. Với đầy đủ công cụ trong tay, các cơ quan hữu trách cần nhanh chóng chấn chỉnh tình trạng này. Người tiêu dùng không cần ưu đãi, chỉ cần sòng phẳng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/chua-song-phang-ve-gia-20220811222632539.htm