Chưa tái đàn vì chưa nhận đủ tiền hỗ trợ

Cho rằng chính quyền địa phương chưa áp dụng đúng chính sách hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi, nhiều nông dân ở huyện Mỹ Ðức, Hà Nội không nhận tiền hỗ trợ và chưa tái đàn dù giá lợn đang rất cao.

Ông Lương Quốc Việt bên trong trại nuôi bỏ không - Ảnh: Ðức Anh

Ông Lương Quốc Việt bên trong trại nuôi bỏ không - Ảnh: Ðức Anh

Thiếu vốn

Đến tận tòa soạn Tiền Phong kêu cứu rồi mời phóng viên về tận nhà chứng kiến hệ thống chuồng trại nuôi lợn trống hoác, ông Lương Quốc Việt (xã Đốc Tín, Hà Nội) kể, ngày 16/4/2019, ông phát hiện lợn nuôi có triệu chứng của dịch tả châu Phi nên đã báo với chính quyền xã. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, ngày 21/4/2019, cơ quan chức năng công bố hộ ông Việt là hộ đầu tiên có lợn mắc dịch tả châu Phi. Gia đình ông Việt thực hiện tiêu hủy hai đợt: đợt 1 ngày 22/4 là 39 con lợn thương phẩm (3.324kg), đợt 2 vào ngày 26/4, tiêu hủy 18 con lợn nái và 10 lợn sữa (được tính là 50kg) với tổng khối lượng 5.342kg.

Ngày 30/5/2019, ông nhận tiền hỗ trợ đợt 1 đối với số lợn thương phẩm bị tiêu hủy. Còn tiền hỗ trợ đối với 5.342kg lợn nái bị tiêu hủy, ông chưa nhận vì cho rằng UBND xã chưa tính giá hỗ trợ đủ và đúng quy định của UBND thành phố Hà Nội thời điểm đó. “Việc tính chi trả với giá 38 nghìn đồng/kg, gia đình tôi chỉ nhận được khoảng 202 triệu đồng. Nhưng thời điểm đó, tôi được biết, thành phố đã quy định mức hỗ trợ đối với lợn nái, đực giống được nhân 1,8 lần với giá tiền hỗ trợ. Tính đúng, gia đình sẽ được nhận hơn 365 triệu đồng”, ông Việt nêu ý kiến.

Cùng thời điểm đó, ngoài ông Việt, ở xã Đốc Tín còn có 6 hộ dân khác cũng chỉ được tính giá hỗ trợ là 38 nghìn đồng/kg mà chưa được nhân hệ số 1,8 lần như quy định. Ông Lê Văn Thanh (xóm 5, xã Đốc Tín) cho biết, gia đình đã nhận được hỗ trợ 38 triệu đồng cho một tấn lợn tiêu hủy. Nếu được nhân thêm 1,8 lần giá lợn, gia đình sẽ được nhận số tiền hỗ trợ là 68,4 triệu đồng. Đến nay, ông Việt và các hộ dân khác vẫn chưa dám tái đàn vì không đủ vốn, giống và thức ăn chăn nuôi tăng giá.

Huyện chưa áp dụng văn bản mới

Vấn đề chính chưa đạt được sự thống nhất là các quyết định hỗ trợ của xã Đốc Tín cũng như huyện Mỹ Đức chỉ áp dụng một mức hỗ trợ chung theo số cân lợn hơi, không áp dụng mức hỗ trợ riêng đối với loại lợn nái và lợn đực giống. Trong các văn bản trả lời ông Việt, lãnh đạo xã Đốc Tín và huyện Mỹ Đức đều cho biết, thực hiện chi trả theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT Hà Nội, căn cứ theo Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 của UBND thành phố Hà Nội (về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn thành phố). Tra soát cho thấy, Quyết định 07/2019/QĐ-UBND đúng là chỉ quy định hỗ trợ cho lợn bị thiên tai, dịch bệnh là 38.000 đồng/kg, không có cơ chế riêng cho lợn nái và lợn giống. Văn bản này là cụ thể hóa Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Tuy nhiên, từ khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, Chính phủ và các địa phương, trong đó có Hà Nội đã có chủ trương, chính sách hỗ trợ riêng. Nghị quyết số 16/2017/NQ-CP ngày 07/3/2019 (Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020) đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02/2017/NĐ-CP theo hướng: Có chính sách hỗ trợ riêng đối với lợn nái, lợn đực giống từ 1,5 đến 2 lần so với lợn thịt.

Ngày 2/4/2019 UBND Hà Nội ban hành văn bản số 1329/UBND-KT về việc hỗ trợ thiệt hại khi phải tiêu hủy lợn bị bệnh, lợn chết do dịch tả lợn châu Phi gây ra có nêu: Đối với lợn nái, lợn đực giống phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy được ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất bằng 1,8 lần so với giá thị trường của lợn thương phẩm tại thời điểm và tại địa phương có dịch bệnh xảy ra. Sau đó, ngày 20/5/2019, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành văn bản số 2089/UBND-KT về việc tháo gỡ vướng mắc mức hỗ trợ thiệt hại khi phải tiêu hủy lợn bị bệnh, lợn chết do dịch tả lợn châu Phi gây ra cũng nêu: Đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác, hỗ trợ bằng 1,8 lần mức hỗ trợ đối với lợn con, lợn thịt các loại tại thời điểm có dịch bệnh. Văn bản này có quy định giai đoạn hỗ trợ 21/4 - 2/5 (đúng như giai đoạn gia đình ông Việt bị tiêu hủy lợn). Tuy nhiên, văn bản này vẫn chưa được chính quyền huyện Mỹ Đức áp dụng cho gia đình ông Việt và nhiều hộ nuôi lợn tại huyện này.

Ông Việt đề nghị xã và huyện sớm xem xét đề nghị của ông và có các chính sách hỗ trợ cho ông vay vốn ưu đãi để tiếp tục chăn nuôi.

Kiến Nghĩa - Đức Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/chua-tai-dan-vi-chua-nhan-du-tien-ho-tro-1669794.tpo