'Chưa thấy đôi mắt nào đẹp như đôi mắt của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp'
'Một nhà báo người Mỹ và một nhà sử học người Anh từng thốt lên: 'Chưa thấy đôi mắt nào đẹp như đôi mắt của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp!'. Là người đã chụp rất nhiều bức ảnh của ông và theo chân ông đi tham gia nhiều sự kiện, tới nhiều vùng đất chính tôi cũng cảm nhận được sức hút lạ kỳ từ đôi mắt của ông'.
Đó là nhận xét của Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Đại tá Trần Hồng, người từng có những cuộc triển lãm và sách ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cuốn sách ảnh "Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Những khoảnh khắc còn mãi".
Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với Trần Hồng để tìm hiểu và khám phá những nét dung dị, mộc mạc và chân chất nhất, những "chất liệu" từ đời sống thường ngày đã tạo ra một huyền thoại không chỉ bằng tài năng xuất chúng trên chiến trường mà còn bằng sức hút và uy lực làm lay động biết bao trái tim với sự trân trọng, yêu kính và cảm phục nhất mực khi nghe nhắc tới danh ông.
Nét mộc mạc, tình cảm đậm chất Quảng Bình
Dường như mỗi con người sinh ra đều mang những nét riêng, nét đặc trưng vùng miền hay quê hương nơi "chôn rau cắt rốn" của mình và với cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp sự mộc mạc, tình cảm, nét đặc trưng tính cách của người dân Quảng Bình như hiển hiện rõ nhất trong ông.
Trần Hồng chia sẻ: "Có rất nhiều khoảnh khắc đẹp mà tôi đã không kịp ghi lại. Ví như khi ăn uống món gì đó cố Đại tướng luôn ân cần nhắc nhở anh em: Các cậu hãy ăn hết đi, đừng để thừa, rất tiếc vì công sức người làm ra không thể bỏ phí. Hay có lần, tại hầm chỉ huy thời chống Pháp, cố Đại tướng cầm cả chai nước lọc và uống như bất kỳ người dân thường nào. Tôi đã chớp được khoảnh khắc đó. Một người bạn đi trong đoàn hỏi: "Tại sao lại chụp bức ảnh như vậy?". Tôi đã đáp qua loa vì đang tập trung bấm máy. Nhưng với tôi, những khoảnh khắc đó mới là những bức hình tư liệu hay nhất vì những nét đời thường tự nhiên mới sống động, phản ánh tính cách con người thực và có tính thuyết phục cao, còn những bức ảnh chụp mang tính "mũ cao áo dài" thì khác rồi.
Cố Đại tướng cũng rất thích thú khi xem bức ảnh tôi chụp ông đang cầm chai nước uống, sau khi ông xem một loạt ảnh, rồi cầm bức ảnh của tôi lên và nói: "Rất nhiều ảnh nhưng bức này tự nhiên quá!".
Một dịp khác, khi vào Quảng Bình, tới một khách sạn sang trọng, có cả cầu thang máy nhưng cố Đại tướng đã chọn cầu thang bộ để đi lên phòng của mình. Nhìn Đại tướng lúc đó đã 93 tuổi leo cầu thang bộ thật tội. Người vệ sĩ chạy tới xin phép dìu ông nhưng cố Đại tướng từ chối và bảo: "Như thế này, vừa đi vừa kết hợp tập thể dục".
Không chỉ trong những sinh hoạt thường ngày mà cả trong cách hành xử với mọi người từ ông cũng toát lên sự mộc mạc chân thành và tình cảm. Ông rất yêu quý những người làm việc cho mình, như chị Huế, một đồng hương Quảng Bình với ông, chị Huế là người nấu ăn cho gia đình cố Đại tướng và ông rất thích những món ăn chị Huế nấu. Bởi vậy ông đã cho phép chị Huế cùng chồng con ở trong căn nhà nhỏ cạnh khu nhà ông để tiện cho công việc.
Tình yêu "không biên giới" và những khoảnh khắc ngọt ngào của tướng Giáp
Chuyện tình của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng và báo giới. Không ít người thích thú khi biết cố Đại tướng chỉ kém bố vợ, Giáo sư Đặng Thai Mai 7 tuổi và còn là bạn tâm giao của ông. Vị giáo sư đáng kính đã để cô con gái yêu đầu lòng của mình "nâng khăn sửa túi" cho bạn. Vì thế, tướng Giáp sánh duyên cùng cô dâu kém mình 17 tuổi.
Tướng Giáp cũng như rất nhiều các tướng sĩ, binh lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam, thời gian ông dành cho gia đình không nhiều. Do đó, khi có cơ hội ông luôn muốn bù đắp cho người thân, cho vợ con những gì đáng ra mọi người được tận hưởng nếu không phải là vợ của lính, vợ của sĩ quan.
Những khoảnh khắc họ ở bên nhau thật đầm ấm và hạnh phúc. Sẽ không ai nghĩ rằng, có bữa cơm họ ăn rất đạm bạc, không phải vì điều kiện không cho phép mà đó cũng là một nét sinh hoạt thú vị trong đời sống thường ngày của gia đình cố Đại tướng. Có khi chỉ là một quả trứng luộc họ cũng ân cần mời nhau, nhường nhịn nhau một cách tình cảm và dí dỏm.
Dù hơn vợ 17 tuổi nhưng lúc nào có khách hay trong những cuộc hội ngộ đông người, tướng Giáp lại gọi vợ là... "Chị!", "Chị Bích Hà ơi, chị Bích Hà!" hay: "Chị Bích Hà đâu rồi?". Còn bình thường ông vẫn gọi tên riêng là: "Bích Hà!" hoặc gọi là "Em!" một cách ngọt ngào. Cách gọi vợ là "Chị!" ở nơi đông người của ông có thể là cách biểu lộ sự tôn trọng ông dành cho vợ khi có nhiều người.
Đối với bà Bích Hà, tướng Giáp và gia đình không chỉ là tình yêu mà còn là "sự nghiệp" lớn lao nhất trong cuộc đời bà. Bà nhất mực yêu thương và tôn trọng chồng. Trong cuộc trò chuyện với một nhà sử học người Mỹ, ông ấy hỏi: "10 năm trước đây phu nhân đại tướng có yêu cầu gì dành cho Đại tướng". Bà Bích Hà đã trả lời: "Tôi chỉ yêu cầu nhà tôi đúng một điều: hãy nghỉ ngơi vì tôi chưa bao giờ thấy điều này ở anh ấy".
Trong một cuộc trò chuyện khác với vợ trung tướng Hồng Cư là bà Bích Hạnh, em gái bà Bích Hà, bà Bích Hạnh có hỏi: "Ý nghĩa hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời chị là gì?". Không cần suy nghĩ, bà Bích Hà trả lời: "Là chị đã có anh Văn".
Ở cạnh ông bà, ngay cả những khoảnh khắc cãi cọ của họ cũng thật đáng yêu và khiến người khác bối rối: như khi họ tranh luận, đưa ra nhận xét về một bức ảnh, ông nói: "Em ơi, ảnh này đẹp", bà bảo: "Đẹp nhưng nước ảnh không sáng bằng ảnh này". Hay những lúc bà dịu dàng đứng phía sau ông, thả hồn theo tiếng đàn piano ông dạo bởi bất chợt cao hứng. Những khoảnh khắc đó thật đẹp và lay động tâm hồn tôi. Tôi mê mải chớp lấy những khoảnh khắc và quên mất tiếng đàn đang vang lên một giai điệu du dương nhưng tôi bị say cái không khí họ tạo ra trong không gian đầm ấm lan tỏa một cảm xúc ngọt ngào mà lãng mạn ấy.
Đôi mắt đẹp và sức hút từ một nhân cách
Trong các cuộc trò chuyện cùng tôi và trong một số tư liệu tôi đã sưu tầm được có rất nhiều sự đồng cảm với tôi về đôi mắt của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một nhà báo người Mỹ và một nhà sử học người Anh từng thốt lên: "Chưa thấy đôi mắt nào đẹp như đôi mắt của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp!".
Là người đã chụp rất nhiều bức ảnh của ông và theo chân ông đi tham gia nhiều sự kiện, tới nhiều vùng đất chính tôi cũng cảm nhận được sức hút lạ kỳ từ đôi mắt của ông.
Khi nói chuyện với ai đó ông luôn nhìn thẳng và chăm chú theo dõi câu chuyện. Ánh nhìn ấm áp, đôi lúc dí dỏm nhưng như có sức thôi miên khiến người đối diện không thể dời được và chỉ sau vài giây giữa ông và người đối diện đã có sự giao cảm rất lớn. Người ta không thể không bộc bạch, thổ lộ, tâm sự cùng ông.
Có lần, ông đi về một vùng quê, nhiều người dân đã không dám đến gần, đứng thật xa, phải cách 10m để ngắm ông. Khi ông bảo mọi người lại gần để bắt tay người ta còn sợ, không dám. Nhưng sau đó, rất nhanh, họ vui vẻ và xúc động trò chuyện cởi mở cùng ông.
Danh họa Phan Kế An, người từng vẽ Bác Hồ đã nhận xét: "Em chụp bác Giáp cần phải chụp rất nhanh vì gương mặt bác Giáp khi cười thật đẹp nhưng nụ cười ấy thoáng qua rất nhanh".
Đúng vậy, cố Đại tướng không chỉ có đôi mắt đẹp với ánh nhìn đặc biệt kỳ diệu mà ông còn có một nụ cười hiền, có sức hút không kém.
Thế nhưng, khi tự nhận xét về mình, cố Đại tướng lại rất khiêm nhường, ông nói với ông Cù Huy Hà Vũ khi ông Vũ vào vẽ tranh cho cố Đại tướng: "Vũ ơi, mặt bác hơi khó vẽ đấy, nó không cân đối lắm đâu!".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Nghệ sĩ Trần Hồng
Không rõ vì sao cố Đại tướng lại nói như vậy song với tôi, ở khía cạnh là một người chụp ảnh có sở trường chụp chân dung tôi lại thích chụp ảnh ông vì nội tâm của ông bộc lộ rất rõ qua mỗi bức hình. Để có những bức chân dung bộc lộ rõ nội tâm qua dung nhan diện mạo không phải dễ và không phải với ai tôi cũng thực hiện được.
Có nhiều người hỏi: "Đi nhiều với Đại tướng Võ Nguyên Giáp như vậy cậu học được những gì?". Tôi thường nói đùa: "Tôi chả học được gì cả vì Đại tướng là Đại tướng, là Tổng tư lệnh cơ mà, tôi chỉ là trung tá quèn học gì được". Nhưng có rất nhiều điều từ Đại tướng cứ từ từ "nhập" vào mình lúc nào chẳng biết.
Đôi khi chỉ là một tình tiết nhỏ trong đời sống nhưng lại mang tới nhiều cảm xúc cho mình và trở thành bài học lý thú: bữa đó, tại đồi A1, Điện Biên Phủ, trên đường ra nghĩa trang có ai đó đã đánh rơi một thẻ hương và Đại tướng lặng lẽ cúi xuống nhặt, cầm trên tay đi tiếp.
Một lần khác, trong lúc ngồi đợi khách, Đại tướng nhìn quân hàm của tôi rất chăm chú rồi hỏi: "Sao quân hàm của chú rách mà bẩn thế?". Mình chột dạ, nghĩ là Đại tướng chê mình chậm tiến bộ đây: quân hàm rách và bẩn mà vẫn chưa được lên quân hàm nên mình nói: "Thưa Tổng tư lệnh, phóng viên báo quân đội nói chung, đặc biệt là phóng viên ảnh thường xuyên tiếp xúc với chiến sĩ trên thao trường, bãi tập cho nên mưa nắng thường xuyên khiến quân hàm bạc, rách ạ".
Đại tướng quan sát chăm chú! Mình chợt nghĩ bụng: Hay rồi, nhân đây ta sẽ nói một điều mà từ trước đến nay ta ấm ức: "Thưa Đại tướng, tôi đến bây giờ và cả thủ trưởng ảnh của tôi ở tòa soạn đều chậm quân hàm đến bảy năm và chúng tôi đang rất khó chịu về sự mất công bằng này". Mình hy vọng nói xong Đại tướng sẽ hứa: Tôi sẽ thế này, tôi sẽ alo tới chỗ kia. Vài giây trôi qua, ông ấy theo dõi rất chăm chú, mặt rất hiền. Mà Đại tướng có một đặc điểm: Khi nói chuyện với ông thì người đối diện không thể rời mắt được, còn với tư cách là một nhà nhiếp ảnh thì những khoảnh khắc như thế quan sát ông và "chớp" được bức hình nào đều rất thích.
Ông vẫn không nói gì cả trong khi mình vẫn đang chờ đợi một sự hỗ trợ rất lớn mà nghĩ gì chứ lời nói của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cơ mà, sức nặng phải ghê gớm lắm. Vài giây nữa trôi qua, Đại tướng nở một nụ cười hóm hỉnh và nói: "Cậu thế còn tiến bộ hơn tớ rất nhiều, từ chiến sĩ cậu lên đến trung tá ít nhất cậu còn được 10 lần phong quân hàm. Còn tớ, duy nhất một lần, năm tớ 37 tuổi". Tôi bật cười, chợt hiểu ra nhiều điều và trong lòng thấy thoải mái vui vẻ kinh khủng. Đi một đoạn ông còn quay lại cười và nói: "Không thắc mắc thì thôi".
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng
Từ những hành động nhỏ, tới từng câu nói, ánh mắt, nụ cười hay cách hành xử của Đại tướng- Tổng tư lệnh đều rất ấm áp, gần gũi và khiến người khác bị lan tỏa cảm giác chân thành, dễ mến song nó lại khiến người ta phải khâm phục, trọng nể và xúc động. Từ những cảm xúc đẹp đẽ đó đã tác động lên suy nghĩ và vô hình chung "ăn sâu" vào các hành xử của mình và mang tới những bài học quý giá từ cảm xúc, từ sự lan tỏa dễ chịu".