Chưa thể buông lơi COVID-19

Đó là quan điểm của PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế trước tình trạng dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng tâm lý chủ quan bắt đầu xuất hiện.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không buông xuôi, thả lỏng

Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca mắc COVID-19 mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua (với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 125.000 ca). Số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vắc xin, nhất là nhóm dưới 12 tuổi (tháng 1 là 18,4% và tháng 2 là 24,3%). Biến chủng Omicron lây nhiễm rất nhanh, tuy nhiên do tỷ lệ bao phủ cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ tử vong/số ca mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu.

Thống kê cho thấy, cả nước hiện còn 1.612.493 ca đang theo dõi và điều trị, trong đó có 1.522.740 ca đang theo dõi, điều trị tại nhà (chiếm 94,4%); 4.035 ca đang theo dõi, điều trị tại khu cách ly (chiếm 0,25%) và 85.718 ca đang điều trị tại 985 bệnh viện (chiếm 5,3%).

Hiện nay tình trạng lây nhiễm biến chủng Omicron trên toàn quốc với số ca mắc tăng rất mạnh trong cộng đồng; nhiều F0 không có triệu chứng, không biết mình mắc bệnh. Đặc biệt, có rất nhiều gia đình tất cả các thành viên đều mắc và tâm lý buông xuôi trước sau gì cũng mắc, mắc bệnh để tạo miễn dịch cộng đồng, có mắc cũng không nặng vì đã tiêm phòng rồi…

Về vấn đề này, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, đó là một sai lầm bởi trong nhiều gia đình sẽ có người già, người có bệnh nền, người chưa tiêm vắc xin. Thực tế, các ca chuyển nặng trong thời gian qua đều là người già chưa tiêm vắc xin, người có bệnh nền. Vì vậy, người dân không được chủ quan, tuyệt đối thực hiện 5K, trong nhà có người mắc COVID-19 thì phải cách ly với các thành viên khác…

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, với tốc độ bùng phát như hiện nay thì chủng Omicron sẽ dần thay thế biến thể Delta (theo thống kê, có tới 20/33 xã, phường ở Hà Nội xuất hiện biến thể Omicron; 76% số mẫu giải trình tự gene ở TP Hồ Chí Minh có biến chủng này). Nhưng như vậy không có nghĩa để cho lây lan tràn lan không kiểm soát, chúng ta phải cảnh giác để không bùng phát dịch quá cao, lúc ấy sẽ gây quá tải hệ thống y tế, các ca bệnh nặng sẽ nhiều và nguy cơ tỷ vong sẽ cao.

Để hạn chế tốc độ lây nhiễm COVID-19, PGS. TS Trần Đắc Phu cho rằng, cùng với việc thực hiện nghiêm 5K, mở cửa các hoạt động để bình thường hóa nhưng không được thả cửa, phải có các phương án an toàn cho các hoạt động như: lễ hội an toàn, du lịch an toàn, trường học an toàn… “Nới lỏng nhưng không buông xuôi, thả lỏng. Đồng bộ cho mở cửa các hoạt động nhưng cũng phải đồng bộ dự phòng” – ông Phu khẳng định.

PGS. TS Trần Đắc Phu.

PGS. TS Trần Đắc Phu.

Chưa thể coi COVID-19 là bệnh thông thường

Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế đã đề xuất F0 không triệu chứng có thể làm việc bình thường, F1 đã tiêm đủ vắc xin tham gia làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp. Theo đề xuất, thời gian cách ly của F1 hiện nay là 5 ngày (tại nhà) với người đã tiêm đủ liều vắc xin và 7 ngày với người chưa tiêm đủ liều, đề xuất chuyển sang theo dõi sức khỏe 10 ngày tính từ ngày phơi nhiễm thay vì cách ly.

Trong thời gian theo dõi sức khỏe, F1 được yêu cầu xét nghiệm vào ngày thứ 5, nếu âm tính vẫn tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo, thực hiện 5K, không tiếp xúc với người nguy cơ cao (người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh nền...).

Đối với các trường hợp F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly 7 ngày và chưa có kết quả xét nghiệm âm tính có thể quay lại làm việc trực tuyến; tham gia chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại gia đình, cơ sở lưu trú hoặc điều trị. Nếu tham gia làm việc tại cơ sở điều trị phải thực hiện 5K và phòng hộ. Với F1 đã tiêm hoặc chưa tiêm đều có thể tham gia làm việc trực tiếp và trực tuyến, nếu làm việc trực tiếp, các cơ sở sử dụng nhân lực phải bố trí khu vực làm việc riêng cho các F1.

Về vấn đề này, PGS. TS Trần Đắc Phu cho rằng, đề xuất hoàn toàn hợp lý trong điều kiện số ca mắc COVID-19 cao như hiện nay. Nếu F1 vẫn phải cách ly thì cơ quan, xí nghiệp không có người lao động để làm việc. Thay vì cấm như trước thì hiện tại chúng ta chuyển sang việc kiểm soát dịch bệnh. Khi F1 đi làm, áp dụng tối đa 5K có thể. Còn đối với F0 không có triệu chứng vẫn có thể làm việc trực tuyến. Việc đề xuất cho F0, F1 làm việc phù hợp với từng vị trí công việc và đặc thù lao động của từng cơ quan, xí nghiệp, chứ không phải F0 nào cũng đi làm.

Trước quan điểm nên coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, theo PGS. TS Trần Đắc Phu, trước sau gì thì COVID-19 cũng trở thành bệnh truyền nhiễm đặc hữu như cúm nhưng hiện tại thì chúng ta chưa thể coi là bệnh đặc hữu vì chưa đánh giá hết được rủi ro. Hơn nữa, biến thể COVID-19 Omicron lây lan rất nhanh, nếu chúng ta thả nổi không có kiểm soát sẽ rất nguy hiểm, khi hiệu quả phòng lây lan dịch bệnh COVID-19 chưa cao (chủ yếu giảm triệu chứng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu).

Để coi COVID-19 là bệnh đặc hữu cần có các yếu tố như độ ổn định ca nhiễm, khả năng miễn dịch cộng đồng (gồm miễn dịch tự nhiên và độ bao phủ vắc xin), tỷ lệ ca tử vong, khả năng đáp ứng y tế và vấn đề tác động nguy hiểm tới sức khỏe và đời sống xã hội. Ở thời điểm hiện tại, dự báo số ca mắc COVID-19 sẽ vẫn tiếp tục tăng cao, vẫn có nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế. Vì thế, thời điểm này, chúng ta chưa thể coi COVID-19 là một bệnh thông thường.

Đoan Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chua-the-buong-loi-covid-19-post436846.html