Chưa thể giải quyết gốc rễ khủng hoảng tại Sri Lanka
Trong bối cảnh Sri Lanka đang đối diện khủng hoảng kinh tế, chính trị trầm trọng khiến các cuộc biểu tình diễn ra rầm rộ, việc Tổng thống từ chức được nhận định là một thắng lợi mang ý nghĩa tinh thần đối với người biểu tình, giúp hòa hoãn tình hình tại Sri Lanka trong thời gian ngắn, chứ không giải quyết được tình hình gốc rễ tại nước này.
Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardana ngày 15/7 thông báo đơn từ chức của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã được chấp thuận.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Sri Lanka đang đối diện khủng hoảng kinh tế, chính trị trầm trọng khiến các cuộc biểu tình diễn ra rầm rộ, việc Tổng thống từ chức được nhận định là một thắng lợi mang ý nghĩa tinh thần đối với người biểu tình, giúp hòa hoãn tình hình tại Sri Lanka trong thời gian ngắn, chứ không giải quyết được tình hình gốc rễ tại nước này.
Sri Lanka đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong vòng 7 thập niên, khi chính phủ không có đủ ngoại tệ để nhập thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác. Chính vì cuộc sống bế tắc, không có lối thoát nên biểu tình chống phá là cách mà người dân thể hiện sự lo sợ trước tương lai mịt mờ.
Theo các nhà phân tích chính trị, thách thức lớn nhất đối với bất kỳ nhà lãnh đạo mới của Sri Lanka là lấy lại niềm tin đã mất từ tầng lớp chính trị và người dân, giải quyết được cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay bao gồm cải thiện cuộc sống cho người dân và thanh toán các khoản nợ quốc tế.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 14/7 bày tỏ hy vọng Sri Lanka sẽ đạt được một giải pháp cho tình trạng chính trị bất ổn hiện nay nhằm nối lại các cuộc đàm phán về gói cứu trợ cho kinh tế nước này.
Người phát ngôn của IMF Gerry Rice cho biết IMF quan ngại sâu sắc về tác động của cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Sri Lanka đối với người dân nước này, đặc biệt là đối với những người nghèo và nhóm dễ bị tổn thương. IMF đang theo dõi sát sao diễn biến tại Sri Lanka đồng thời hy vọng sẽ có một giải pháp giải quyết tình hình hiện tại để cho phép nối lại đàm phán về chương trình viện trợ do IMF bảo trợ.
Theo ông Rice, IMF vẫn giữ liên lạc với các quan chức ở Colombo, Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, tuy nhiên như với bất kỳ thỏa thuận viện trợ nào, một chương trình cho vay dành cho Sri Lanka cũng cần được đảm bảo đầy đủ về tính bền vững của nợ công. Trước những hỗn loạn chính trị ở Sri Lanka, Mỹ cũng kêu gọi Quốc hội nước này đoàn kết để giải quyết vấn đề chung của quốc gia, thay vì chia rẽ đảng phái chính trị.
Thông tin về việc Tổng thống Rajapaksa gửi đơn từ chức khiến nhiều người tại Thủ đô Colombo của Sri Lanka vui mừng và tập trung bên ngoài Dinh Tổng thống, bất chấp lệnh giới nghiêm toàn thành phố.
Damitha Abeyrathne, một người biểu tình chia sẻ: “Cả đất nước sẽ ăn mừng vào ngày hôm nay. Đó là một chiến thắng lớn. Cuối cùng chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không dừng lại, chúng tôi sẽ phản đối tất cả những nhà lãnh đạo tham nhũng, kể cả trong tương lai”.
Các tòa nhà chính phủ bị chiếm đóng, bao gồm Phủ Tổng thống và Dinh Thủ tướng đã được người dân trao trả lại cho cảnh sát vào tối 14/7. Quốc hội Sri Lanka dự kiến sẽ bổ nhiệm một Tổng thống mới vào ngày 20/7. Ứng viên chiến thắng phải đảm bảo được đa số phiếu bầu trong quốc hội, cũng như nhận được sự tin tưởng của hàng trăm nghìn người Sri Lanka, những người tham gia vào phong trào biểu tình gọi là “Aragalaya” buộc ông Rajapaksa từ chức.
Theo hai nguồn tin chính phủ, ông Ranil Wickremesinghe, người nhậm chức thủ tướng lần thứ sáu hồi tháng 5 qua và vừa được bổ nhiệm làm quyền Tổng thống Sri Lanka, nằm trong số những ứng viên khao khát vị trí đứng đầu đất nước này. Mặc dù đảng của ông Wickremesinghe chỉ giữ 1 ghế trong quốc hội song nghị sĩ của đảng cầm quyền Sri Lanka Podujana Peramuna (SLPP), trong đó có anh trai Tổng thống Basil Rajapaksa, được cho là ủng hộ ông.
Một quan chức trong đảng chia sẻ các thành viên của đảng cầm quyền cảm thấy quyền Tổng thống Wickremesinghe, kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka, có khả năng giải quyết được những thách thức kinh tế mà Sri Lanka đang phải đối mặt. Quyền Tổng thống Wickremesinghe từng tham gia các cuộc đàm phán với IMF về gói cứu trợ và ngân sách mới. Tuy nhiên, chính trị gia 73 tuổi này không được lòng nhiều người biểu tình. Trong tuần qua, hàng trăm người biểu tình đã đụng độ với lực lượng an ninh và chiếm văn phòng thủ tướng của ông.
Một đối thủ đáng gờm với quyền Tổng thống Wickremesinghe là ông Sajith Premadasa (55 tuổi), lãnh đạo đảng đối lập Samagi Jana Balawegaya (SJB). Với chỉ 50 ghế trong quốc hội, ông sẽ cần phải xây dựng niềm tin và sự ủng hộ của hai đảng để có cơ hội điều hành đất nước.
Ông Premadasa học tại Trường Kinh tế London và tham gia chính trường sau khi cha ông, cố Tổng thống Ranasinghe Premadasa, bị ám sát trong một vụ đánh bom liều chết năm 1993. Ông trở thành nghị sĩ trong quốc hội vào năm 2000 và sau đó giữ chức Thứ trưởng Y tế Sri Lanka. Năm 2018, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Các vấn đề về Văn hóa và Xây dựng.
“Các nghị sĩ SJB bỏ phiếu đề cử ông Sajith Premadasa vì ông ấy hiểu rõ nỗi khổ của người dân và luôn ủng hộ lời kêu gọi thay đổi từ họ. Chính phủ này rõ ràng đã đánh mất quyền ủy nhiệm của mình và đã đến lúc chúng ta phải lắng nghe người dân”, ông Eran Wickramaratne, một thành viên cấp cao của SJB, người đã xây dựng mối liên kết với phong trào Aragalaya cho biết.
Ứng viên cuối cùng nhưng được đánh giá là “ngựa chiến tiềm năng” trong cuộc đua là cựu nhà báo Dullas Alahapperuma, hiện là một nhà lập pháp cấp cao của đảng SLPP cầm quyền. Nghị sĩ cùng đảng Charitha Herath nhận định đảng cầm quyền với 117 lá phiếu có thể giúp ứng viên 63 tuổi này về đích.
Là một thành viên quốc hội từ năm 1994, cựu nhà báo Alahapperuma từng giữ chức bộ trưởng truyền thông và người phát ngôn của nội các. Đến tháng 4, ông đã từ chức sau khi Tổng thống Rajapaksa giải tán nội các do những người biểu tình bao vây tư dinh.
“Tôi là một người thực tế. Chúng tôi cần một ứng cử viên vừa được lòng người biểu tình Aragalaya vừa nhận được sự chấp thuận của các nghị sĩ. Không dễ để kiếm được một người như vậy. Dullas sẽ là một lựa chọn đáng gờm và thiết thực”, nghị sĩ Herath kết luận.