Chưa thể khẳng định Việt Nam đã kết thúc dịch Covid-19
Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh vào sáng 20/6. Tại điểm cầu Bình Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành tham dự.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh vào sáng 20/6
Theo Bộ Y tế, người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 3 đạt 64,5% và mũi 4 đạt 11,5%; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm các mũi 1 đạt tỷ lệ xấp xỉ 100% và mũi 2 là 97,7%; trẻ từ 5 - 11 tuổi tiêm các mũi 1, 2 đạt tỷ lệ xấp xỉ 43,3% và 7%. Trong tháng 5/2022, cả nước triển khai được khoảng 3 triệu liều mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên. Tiến độ tiêm có xu hướng chậm; nếu tiến độ tiêm mũi 3 trong tháng 6/2022 chỉ đạt khoảng 3 triệu liều như trong tháng 5/2022 thì đến hết quý II/2022 dự báo chỉ đạt khoảng gần 70%. Với tiến độ triển khai trong thời gian vừa qua, có khả năng không sử dụng hết số vắc xin đã tiếp nhận cho nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Tại điểm cầu Bình Thuận
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của Covid-19 có thể làm cho dịch bệnh trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng chưa phải là biến thể cuối cùng.
Thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh phụ BA2; BA2.3, BA.2.3.2; trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia, có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam và có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc Covid-19 trong thời gian tới. Do vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, các dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng có xu hướng tăng do đang bắt đầu vào cao điểm mùa dịch. Hiện chưa ghi nhận ổ dịch tập trung đối với các dịch bệnh như sởi, sốt rét... Đồng thời, cũng không ghi nhận các ca bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi như: viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân, đậu mùa khỉ...
Tại Bình Thuận, số người trên 18 tuổi được tiêm mũi 3 đạt tỷ lệ 60,2%, mũi 4 đạt tỷ lệ 0,63%. Trẻ từ 12 tuổi được tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ 76,8%; tiêm mũi 2 đạt tỷ lệ 76,7%. Trẻ từ 5 đến 11 tuổi có 47.580 trẻ tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ 37,5%; tiêm mũi 2, đạt tỷ lệ 5,4%. Số ca nhiễm Covid-19 tại tỉnh giảm rất sâu, với 123 ca vào tháng 5 và 34 ca từ đầu tháng 6 đến nay, không có ca nặng và tử vong. Trong 3 ngày liên tiếp (18 - 20/6), toàn tỉnh không ghi nhận bất cứ ca nhiễm nào.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay vẫn chưa thể khẳng định Việt Nam đã kết thúc dịch Covid-19, cả nước vẫn phải thực hiện Nghị quyết số 128, phải thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đồng thời đẩy nhanh phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Một số quốc gia trên thế giới đã từng bước hạ độ tuổi tiêm vắc xin phòng Covid-19 và đẩy mạnh tiêm mũi tăng cường. Trên cơ sở này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải hệ thống lại các văn bản trước đây, ban hành một văn bản cụ thể, chi tiết để tất cả các địa phương trên cả nước thống nhất về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho từng nhóm tuổi cụ thể, nghiêm túc thực hiện, có chế tài xử phạt phù hợp.
Với tinh thần không để thiếu vật tư y tế gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế sớm giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc mua sắm tập trung, đấu thầu vật tư y tế; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc mua sắm tập trung, đầu thầu vật tư y tế, đặc biệt là trong lĩnh vực BHYT để tập trung tháo gỡ, xử lý, tạo ra nền tảng pháp lý để các đơn vị, địa phương thực hiện.