Chưa thể xuất khẩu sầu riêng chính ngạch

Thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch sầu riêng năm 2020. Dù vẫn đảm bảo thu nhập ổn định cho người nông dân, tuy nhiên so với những năm trước, giá sầu riêng năm nay đã giảm từ 20.000 - 25.000 đồng/kg khiến cho người nông dân kém vui. Nguyên nhân chính là do diện tích, sản lượng sầu riêng trên cả nước không ngừng tăng lên. Mặt khác, thị trường xuất khẩu qua Trung Quốc vẫn chưa thể có tấm giấy thông hành chính ngạch.

Giá cả đang giảm mạnh, việc xuất khẩu vẫn phải thực hiện theo đường tiểu ngạch đang là những khó khăn, thách thức đối với người nông dân, doanh nghiệp trong niên vụ sầu riêng 2020 tại Lâm Đồng

Giá cả đang giảm mạnh, việc xuất khẩu vẫn phải thực hiện theo đường tiểu ngạch đang là những khó khăn, thách thức đối với người nông dân, doanh nghiệp trong niên vụ sầu riêng 2020 tại Lâm Đồng

Giá sầu riêng giảm mạnh

Huyện Đạ Huoai là địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Thời điểm này, dọc hai bên Quốc lộ 20, hàng chục đại lý thu mua sầu riêng trên địa bàn huyện đã bắt đầu hoạt động sôi động, tấp nập thương lái đưa xe chở sầu riêng ra vào cân hàng.

Ông Phạm Quang Chiến - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai cho biết: Toàn huyện hiện có hơn 3.400 ha sầu riêng; trong đó, có hơn 2.000 ha đã cho thu hoạch, với các giống sầu riêng chủ yếu là chất lượng cao như: Dona, Ri6, MonThong… nên được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng.

Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh về giá vào năm 2018 thì hai năm nay giá sầu riêng bắt đầu có xu hướng giảm mạnh. Nguyên nhân là diện tích sầu riêng bước vào thời kỳ thu hoạch tăng mạnh khiến cho sản lượng lớn, trong khi đó thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là nội địa.

Ông Lê Quang Sơn - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch miệt vườn Hà Lâm cho biết: Mọi năm, sầu riêng loại ngon giá 60.000 đồng/kg nhưng năm nay chỉ còn trong ngưỡng từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Sầu riêng thông thường được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19 nên sầu riêng được dự báo xuất khẩu sẽ giảm, việc tiêu thụ vẫn chủ yếu trông chờ vào thị trường trong nước.

Theo ông Sơn, xã Hà Lâm là vựa sầu riêng lớn nhất của “thủ phủ” sầu riêng Đạ Huoai, với diện tích hiện khoảng 1.360 ha và đạt năng suất trung bình khoảng 13,8 tấn/ha. Bên cạnh sầu riêng đang cho thu hoạch, diện tích sầu riêng đang trong thời kỳ kiến thiết lên tới hàng trăm ha. Năm 2019, sản lượng sầu riêng của xã Hà Lâm đạt gần 11.700 tấn. Nếu làm bài toán kinh tế, năm nay tổng doanh thu từ sầu riêng của toàn xã dự báo sẽ sụt giảm trên 200 tỷ đồng.

Những năm trước, nhiều diện tích sầu riêng của xã viên trong HTX và người dân trong vùng này đều được thương lái đặt cọc mua từ khi quả còn non, khi vào vụ thu hoạch họ mua toàn bộ để phân loại, chia làm hai thị trường trong nước và xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Nhưng năm nay, thương lái có vẻ dè dặt hơn, họ chỉ chọn những vườn cây có trái to đều, màu sắc đẹp mới mua.

“Tìm hiểu tôi mới được biết nguyên nhân bắt đầu từ năm 2019, phía Trung Quốc siết chặt các mặt hàng nông sản xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, trong đó có trái sầu riêng, dẫn đến biến động trên thị trường tiêu thụ. Chính vì lý do này mà các thương lái, vựa sầu riêng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa sầu riêng vào thị trường Trung Quốc nên giá thấp” - ông Sơn nói.

Chưa thể xuất khẩu sầu riêng chính ngạch

Những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang phối hợp với phía Trung Quốc ưu tiên triển khai các thủ tục đánh giá rủi ro dịch bệnh, mở cửa thị trường Trung Quốc đối với mặt hàng quả sầu riêng. Bộ Công thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan thúc đẩy phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ công việc liên quan, nhằm đưa sản phẩm sầu riêng có tấm giấy thông hành xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Hiện nay, cơ quan chức năng hai bên đã đi đến những bước cuối cùng trong tiến trình đàm phán cũng như chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để có thể ký được Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch các loại nông sản này. Tuy nhiên, đó là câu chuyện trong tương lai, còn hiện tại, niên vụ sầu riêng 2020, các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng trong tỉnh khi thực hiện xuất sang Trung Quốc vẫn đang buộc phải đi theo đường tiểu ngạch.

Anh Võ Hữu Long - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Long Thủy (Thôn 6, xã Lộc An, Bảo Lâm) cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến mọi hoạt động thúc đẩy xuất khẩu nông sản bị đình trệ, “lỡ hẹn” xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Theo đó, các sản phẩm như sầu riêng, khoai lang, yến, thạch chuẩn bị ký Nghị định thư để được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong năm 2020, nhưng tất cả các nội dung thương thảo hai bên đều tạm phải dừng lại.

Như vậy, trước mắt, trong vụ sầu riêng 2020, doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục xuất khẩu sầu riêng bằng đường tiểu ngạch. Khi xuất khẩu tiểu ngạch, doanh nghiệp sẽ bớt một số thủ tục, hồ sơ xuất nhập khẩu mà chỉ mua bán bằng tiền mặt. Tuy nhiên, con đường này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, mong muốn lớn nhất hiện nay không chỉ của Doanh nghiệp Long Thủy là được xuất khẩu sầu riêng Lâm Đồng qua Trung Quốc bằng đường chính ngạch. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tăng sản lượng, giá trị và rút ngắn thời gian thông quan đến người tiêu dùng.

Ông Hà Ngọc Chiến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Trong nhiều năm qua, chúng ta đã thực hiện xuất khẩu chính ngạch nhiều loại rau, quả sang thị trường các nước, trong đó có cả các nước phát triển. Còn riêng đối với thị trường Trung Quốc, chúng ta xuất khẩu cả chính ngạch và cả tiểu ngạch. Gần như loại nông sản nào của chúng ta cũng có thể xuất khẩu được.

Tuy nhiên, từ năm 2019 thị trường Trung Quốc đóng cửa nhập khẩu sầu riêng qua đường tiểu ngạch dẫn đến khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong tiêu thụ sầu riêng. Do đó, để sầu riêng xuất khẩu chính ngạch, sản phẩm ngoài việc đáp ứng các điều kiện về quy trình sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thì vấn đề truy xuất nguồn gốc như mã số vùng trồng, mã số cơ sở chế biến đóng gói, tem nhãn bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung Quốc cần phải được nhanh chóng thực hiện.

Theo ông Chiến, mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết và bắt buộc đối với những thị trường khó tính, và là một trong những yếu tố phục vụ cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt với những loại sản phẩm trái cây tươi. Tại tỉnh Lâm Đồng, việc khảo sát vùng trồng đã được ngành chức năng thực hiện. Tuy nhiên, để được cấp chứng nhận mã số vùng trồng cho sản phẩm trái cây sầu riêng vẫn còn trong tương lai.

Để sầu riêng trong tỉnh phát triển bền vững thì ngành chức năng, doanh nghiệp và đặc biệt là người nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất từ tự phát sang trồng sầu riêng có kiểm soát. Cùng với việc tuyên truyền quảng bá sầu riêng Lâm Đồng, vấn đề quan trọng nhất mà ngành nông nghiệp của tỉnh đang triển khai đó là tuyên truyền, vận động cho bà con nông dân và doanh nghiệp trồng sầu riêng thực hiện canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn quốc tế về ATVSTP và truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Đây là các điều kiện cơ bản cho việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng ra thị trường nước ngoài.

Ngoài ra, các liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm sầu riêng cũng cần được củng cố, nâng cấp. Hiện, các chuỗi này đã bước đầu hình thành nhưng còn mang tính tự phát, mới dừng lại ở khâu sản xuất và sơ chế thô, chưa có sự kết nối giữa sản xuất - chế biến - thị trường, chưa tạo được nhiều sản phẩm có khả năng tiếp cận trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu.

NGÂN GIANG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202006/chua-the-xuat-khau-sau-rieng-chinh-ngach-3006107/