Chưa thôi rong ruổi...

Nhà văn Nguyễn Đăng An, từ khi ra trường (12/1973) đến lúc nghỉ hưu (2011), công tác tại Thông tấn xã Việt Nam; Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Khối cộng đồng các quốc gia nói tiếng Pháp, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam.

Nghề làm báo tạo điều kiện để anh chu du thiên hạ, đã từng đặt chân đến 47 nước. Nhà văn đã thực hành đầy đủ công thức của một người làm nghề chữ (theo cách diễn đạt của bậc trưởng lão làng văn Nguyễn Tuân), gói gọn trong công thức "đi - đọc - viết". Bẩm sinh có thể không hẳn là người ưa giang hồ, xê dịch nhưng nghề nghiệp đã tạo cơ hội cho anh thỏa chí tang bồng.

Sau khi nghỉ hưu, anh san sẻ với bạn bè ý nguyện tiếp tục rong ruổi, không phải đi khắp bốn phương trời trong vai một phóng viên, nay muốn một cuộc dấn thân văn chương "dài hơi và bền lâu" hơn. Không ai không ủng hộ việc làm tốt đẹp của bạn bè, vì thêm một người làm văn chương và yêu văn chương là thêm một người tử tế. Tôi vẫn thường động viên Nguyễn Đăng An lúc nào cũng như đương thì (đương nhiều năng lượng chữ).

Nhà văn Nguyễn Đăng An.

Nhà văn Nguyễn Đăng An.

Nguyễn Đăng An khẽ khàng bước vào làng văn cùng Nàng thơ trong một đội hình mới và trẻ (đồng tác giả tập thơ "Hoa lau", 1981); mười năm sau anh ra "ở riêng" bằng tập thơ chính chủ "Biển hát lời của biển" (1991). Là bạn cùng khóa đại học với anh, riêng tôi lại thấy sở trường của cây bút đồng hương xứ Nghệ này là văn xuôi. Dự cảm của tôi nay đã hiện thực. Sáng tác văn xuôi của anh hơn hai mươi năm qua đã được dư luận văn giới quan tâm, tên tuổi được định vị trên văn đàn: "Thiên nga lạc bầy" (tập tuyện ngắn, 1990), "Một thời rong ruổi" (tập phóng sự, 2004), "Người đàn bà nghịch cát" (tập truyện ngắn, 2013), "Mê cung" (tiểu thuyết, 2018), "Giọt nước mắt người lính" (tập truyện ngắn, 2019).

Nhà văn đã nhận nhiều giải thưởng văn học và báo chí: Giải thưởng Báo Thể thao & Văn hóa, năm 2012, cho phóng sự "Phóng viên Nguyễn Đăng An đứng bếp phục vụ đội tuyển Pháp tại Vương quốc Bỉ"; Giải Ba cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ (2011-2013), cho tác phẩm "Người đàn bà ở bến đợi xe thành Rôm"; Giải C cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống", 2017-2020, do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, cho tiểu thuyết "Mê cung".

Nói Nguyễn Đăng An chưa thôi rong ruổi là có bằng chứng thực tế: vì có đến gần 15 năm sống và làm việc ở nước ngoài, nên khi trở về quê hương anh chịu khó đi - để nạp năng lượng theo phương châm "sống đã rồi hãy viết". Một lần tôi hỏi anh, nếu đặt chân đến được 47 quốc gia, vậy với cội rễ đất nước mình thì được bao nhiêu? Anh cho biết đã không phải đi qua mà biết và hiểu được hơn 50 tỉnh, thành phố Việt Nam với sự trân quý "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn" (anh là một trong những người nồng nhiệt yêu thơ Chế Lan Viên).

Lại nói thêm về tâm thế chưa thôi rong ruổi của bạn văn cùng tuổi Tân Mão (1951) với tôi: từ 2015 đến 2023, anh đều đặn có mặt trong 5 trại sáng tác của Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức các cuộc thi Cây bút vàng, viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống". Tôi có vinh dự được đồng hành cùng anh trong 5 trại sáng tác này. Thật là niềm vui không dễ có với người làm nghề văn.

Không ít lời ta thán về sự thiếu vắng phóng sự văn học hay trên báo chí, sách vở đương thời. Điều đó đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Gần đây, nhân dự Trại sáng tác của Bộ Công an mở tại Hạ Long (Quảng Ninh), tôi có dịp đọc lại tập phóng sự "Một thời rong ruổi" (NXB Thông tấn, 2004) của Nguyễn Đăng An, mới ngẫm ngợi về mối lương duyên giữa phóng sự báo chí và phóng sự văn học hiện nay.

Theo tôi, sự ta thán ấy có nguyên nhân sâu xa của nó: một là, người đọc ngày nay cứ đem mấy "ông lớn" viết phóng sự thời tiền chiến (trước 1945, như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đình Lạp) ra so sánh. Đã đành. Song mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nếu như đọc sát văn chương hiện nay thì không phải không thấy có những "cây" phóng sự đáng khích lệ như Trần Huy Quang, Minh Chuyên, Sương Nguyệt Minh, Xuân Ba, Nguyễn Như Phong, Nguyễn Hồng Lam...

Các tác phẩm báo chí một thời của nhà văn Nguyễn Đăng An.

Các tác phẩm báo chí một thời của nhà văn Nguyễn Đăng An.

Các cụ bảo "nói gần nói xa chẳng qua nói thật". Ấy là, tôi muốn trở lại nói về tập phóng sự "Một thời rong ruổi" của Nguyễn Đăng An. Ở Trại sáng tác Hạ Long (Quảng Ninh), vào dịp tháng tư vừa rồi, tôi và nhà văn Phạm Quang Long đều cổ vũ và khích lệ Nguyễn Đăng An cố gắng sang năm 2024 tái bản (có bổ sung) tập phóng sự đọc rất ấn tượng, tròn tuổi hai mươi yêu dấu. Anh thông suốt và vạch kế hoạch bổ sung dăm "cái", trong đó có những thiên, tôi nghĩ, sẽ rất "hot" (tỷ như thiên về Bùi Tín, đã đăng Báo An ninh thế giới). "Một thời rong ruổi" được in tại Nhà xuất bản Thông tấn, nên có người vân vi rằng, 38 bài viết trong đó, dù rất "bắt mắt" nhưng liệu có phải là "phóng sự văn học" (?!). Thật ra thì, tác phẩm được công bố ở nhà xuất bản nào không quan trọng, vấn đề là chất lượng chữ (vì "chữ tạo nên nhà văn").

Không riêng với tôi, "Một thời rong ruổi" trong tiếp nhận của độc giả đích thực là những thiên (tôi thích dùng chữ "thiên" thay cho "bài") phóng sự văn học, vì báo không "báo hại" văn. Chỉ cần đọc nhan đề các thiên trong tập sách này sẽ thấy xuất phát điểm và đích đến của sự viết của tác giả chỉ chuyên chú vào "văn học là nhân học" như: "Ngõ Côngpoanh chiều nay nắng ấm", "Ngồi ngắm lá vàng rơi ở vườn hoa Luýchxămbua", "Trò chuyện với Ái Xuân bên sàn diễn của Hội Người Việt Nam ở Pháp", "Thúy Hường với "Làng quan họ Paris"", " Âm vang đoàn nghệ thuật dân gian Việt Nam trên đất châu Âu", "Mùa xuân Việt Nam trên đất Paris", "Ea Sola với "Ngày xửa ngày xưa",... Không cứ người học văn ra thì viết phóng sự có chất văn, thành phóng sự văn học. Phải là ngòi bút làm báo nhưng cảm xúc thì đong đầy, run bật của một người giàu nhiệt hứng văn chương. Phong cách phóng sự văn học của Nguyễn Đăng An là thế - thông tin nhanh nhạy, cập thời vũ (có thể nói là "độc và lạ"). Nhưng chất văn là căn rễ, nền tảng của cấu tứ, hình ảnh, ngôn từ...

Ngay cả phần II và III (thuần thể thao), hay phần IV (đậm chất chính luận - chính trị) thì lối viết của Nguyễn Đăng An vẫn xuất phát từ cái nhìn bên trong - từ nội tâm con người tham gia sự kiện thể thao - văn hóa hay xã hội - chính trị. Nhiều độc giả thích phần II (FRANCE - 98) và III (EURO - 2000). Ở trong nước, những sự kiện tầm cỡ hành tinh này dày đặc trên các ấn phẩm của TTXVN. Nhưng đọc Nguyễn Đăng An, vẫn thấy cái nhã thú riêng vì sự hòa trộn thắm thiết giữa thể thao - văn hóa - văn chương - báo chí - chính trị. Nói nhã thú (sự thú vị tinh tế) vì mấy khi độc giả trong nước mục sở thị những cảnh, những tình xưa nay chưa từng có như: "Đặc phái viên TTXVN tại Bỉ đứng bếp phục vụ đội tuyển Pháp", "Đặc phái viên Nguyễn Đăng An bị cảnh sát Bỉ còng tay", "Làm thế nào để chụp ảnh được với Zidane?", "Gặp cháu của vua bóng đá Pêlê trên đất Pháp", "Beckham - tấn bi kịch của một chàng trai", "Chuyện tình Ronaldo thời France - 98"... Lối viết của Nguyễn Đăng An về các sự kiện thể thao - văn hóa quốc tế có cái ý vị, ngụ ý sâu xa của nó "ngoài trời còn có trời", "đi một ngày đàng học một sàng khôn", "tột cùng văn hóa là con người". Tôi gọi đó là lối viết "có trọng tải" (tư tưởng).

Tôi muốn nhấn mạnh đến chất "phóng sự văn học" của "Một thời rong ruổi", còn vì sự ám ảnh bởi thiên cuối tập sách "Lời tự bạch của cô gái nhiễm HIV" (viết 1994, khi tác giả là phóng viên thường trú TTXVN tại Campuchia, hoàn thành và in 1995, dài 26 trang). Phóng sự nhưng đạt tới sự hoàn chỉnh của một "truyện" (về cấu tứ, bố cục, tình huống, nhân vật, sự kiện). Tôi từng động viên anh nâng cao lên thành một truyện vừa, hay tiểu thuyết ngắn (3 năm công tác ở Campuchia giúp tác giả có đủ "bột" để gột nên "hồ"). Nhưng có lẽ vì chưa thôi rong ruổi nên đó vẫn là "món nợ tâm linh" của nhà văn đối với nhân vật của mình.

Viết về bạn văn Nguyễn Đăng An, tôi chợt nhớ câu thơ: "Ta chỉ là chiếc lá/ Việc của mình là xanh" (Nguyễn Sỹ Đại - "Lá xanh"). Tham gia Trại sáng tác của Bộ Công an dịp tháng tư vừa rồi, Nguyễn Đăng An miệt mài đèn sách hoàn thành phần cuối tiểu thuyết "Thành phố mật ong giữa đại ngàn" (viết về sự nỗ lực của toàn dân vượt lên xây dựng xã hội mới, trong đó có sự đóng góp to lớn của lực lượng CAND). Đúng như tứ thơ của nhà thơ Nguyễn Sỹ Đại, nếu việc của lá là xanh, thì việc của nhà văn là viết - sáng tạo tác phẩm theo lý tưởng "chân - thiện - mỹ". Tôi nghĩ, ngòi bút Nguyễn Đăng An đang thặng dư chữ. Vì thế chắc chắn nhà văn còn chưa thôi rong ruổi.

Quảng Ninh - Hà Nội 4-5/2023

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/chua-thoi-rong-ruoi--i695320/