Còn mãi những giai điệu tuổi thơ

Mỗi độ tháng 6 về, tôi thường nhớ tới nhạc sĩ Phong Nhã. Ông là tác giả của nhiều ca khúc thiếu nhi nổi tiếng. Dù ông đã đi xa, nhưng đến nay thiếu nhi 'thế hệ mới' vẫn hát vang những bài hát: 'Nhanh bước nhanh nhi đồng', 'Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng', 'Cùng nhau ta đi lên'…

Nhạc sĩ Phong Nhã. Ảnh: Thư Hoàng.

Nhạc sĩ Phong Nhã. Ảnh: Thư Hoàng.

Nhạc sĩ Phong Nhã (1924-2020), tên thật là Nguyễn Văn Tường, quê ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ông hoạt động âm nhạc quần chúng trong Hướng đạo sinh đầu những năm 40 của thế kỷ 20.

Sau đó, Phong Nhã liên tục viết các ca khúc thiếu nhi. Đến nay, gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Phong Nhã để lại có khoảng 250 bài hát, chủ yếu dành cho thiếu nhi.

Với số lượng đó, và với những sáng tác nổi bật viết cho thiếu nhi ở thế kỷ 20, nhạc sĩ Phong Nhã ngay từ khi còn sống đã được ví là “Vua ca khúc thiếu nhi”.

Tôi đã có dịp trò chuyện với nhạc sĩ Phong Nhã nhiều lần, trong ngôi nhà ông ở một con ngõ nhỏ trên phố Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Mỗi lần gặp đều nhận thấy ở ông một sự giản dị, một tấm lòng tha thiết với tuổi thơ Việt Nam.

Nhạc sĩ từng kể với tôi rằng, trong cuộc đời mình ông chưa từng theo học một lớp đào tạo âm nhạc chính quy, bài bản nào. Ông đến với âm nhạc thông qua con đường tự học.

Tuy nhiên, ngay từ nhỏ đã được tiếp xúc với âm nhạc vì bố và bác ruột rất thích chơi đàn tranh. Vì vậy Phong Nhã sớm làm quen với đàn tranh, cây sáo, cây nhị và sử dụng thành thạo loại nhạc cụ này. Về sau này, khi đã “thành danh” rồi, nhạc sĩ Phong Nhã được những người bạn như nhạc sĩ Văn Ký, nhạc sĩ Tự Lân… truyền giảng cho những kiến thức họ được học.

Ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Phong Nhã là "Nhanh bước nhanh nhi đồng". Đến nay, nhiều thế hệ thiếu niên nhi đồng Việt Nam đều thuộc lòng những ca khúc của nhạc sĩ Phong Nhã như: “Nhanh bước nhanh nhi đồng”, “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, “Kim Đồng”, “Cùng nhau ta đi lên”, “Đội ta lớn lên cùng đất nước”, “Hành khúc Đội”...

Bây giờ nghe lại, các ca khúc đó gợi lại cho ta một quãng thời gian thơ ấu, vai mang khăn quàng đỏ, chân tung tăng cất bước đến trường…

Bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” được nhạc sĩ Phong Nhã viết vào cuối năm 1945, là sáng tác thứ 3 của ông, sau “Nhanh bước nhanh nhi đồng” và “Kim Đồng”. Trong một lần trò chuyện với tôi, ông quả quyết rằng bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” là bài hát đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong đời ông.

Ở ca khúc này, với giai điệu thiết tha trong sáng, nhạc sĩ Phong Nhã đã thể hiện rất thành công lòng kính yêu của thiếu nhi đối với Bác Hồ.

Ca khúc ra đời rất sớm, “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” đã trở thành một bài ca đi cùng năm tháng, đồng hành với lớp lớp thiếu nhi Việt Nam. Đây cũng là một trong bốn bài hát của ông (gồm “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, “Hành khúc Đội”, “Kim Đồng” và “Đội ta lớn lên cùng đất nước”) được bình chọn vào danh sách “50 ca khúc thiếu nhi hay thế kỷ 20”.

Điểm nổi bật trong ca khúc thiếu nhi của nhạc sĩ Phong Nhã là luôn gắn liền với sự kiện phong trào thiếu nhi. Vì thế, nhạc sĩ Phong Nhã được ví là người viết biên niên sử Đội bằng âm nhạc…

Nhạc sĩ Phong Nhã đã dành trọn đời mình sáng tác cho thiếu nhi Việt Nam. Đã 4 năm ngày nhạc sĩ Phong Nhã đi xa, nhưng những giai điệu tuổi thơ ông viết ra vẫn còn ở lại, tiếp tục đồng hành với các thế hệ thiếu nhi Việt Nam.

Suốt đời mình, ông tâm niệm: "Cái cần tìm ra là cái hồn của bài hát, thấm nhuần tâm lí của trẻ. Gọi được cái "hồn" của ca khúc, tức là tác giả đã hiểu sâu sắc thế giới của trẻ, mọi điều mong ước của trẻ, thứ mà trẻ muốn bầu bạn sẻ chia trong cuộc sống".

Vậy nên, bao năm tháng đã đi qua, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, thiếu nhi Việt Nam sẽ còn cất cao lời hát những bài ca đi cùng năm tháng của nhạc sĩ Phong Nhã…

Ngoài sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Phong Nhã còn là Tổng biên tập đầu tiên của báo Thiếu niên Tiền phong từ năm 1954 đến năm 1978. Ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật đợt 1 (năm 1996), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - nghệ thuật (năm 2001), Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam và nhiều giải thưởng âm nhạc khác...

THƯ HOÀNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/con-mai-nhung-giai-dieu-tuoi-tho-10282402.html