Chùa Thông, đền Thiên Quan gắn liền với truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân xã Chân Lý
Xã Chân Lý, huyện Lý Nhân là địa phương có bề dày lịch sử và truyền thống đấu tranh cách mạng. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử văn hóa, trong đó có những di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia như đền Bà Vũ, thôn Vũ Điện; Khu di tích đình Đồng Lư (Thượng, Trung, Hạ), thuộc thôn 8, 9 Đồng Lư... hàm chứa nhiều giá trị lịch sử, gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh và truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân địa phương.
Xã Chân Lý, huyện Lý Nhân là địa phương có bề dày lịch sử và truyền thống đấu tranh cách mạng. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử văn hóa, trong đó có những di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia như đền Bà Vũ, thôn Vũ Điện; Khu di tích đình Đồng Lư (Thượng, Trung, Hạ), thuộc thôn 8, 9 Đồng Lư... hàm chứa nhiều giá trị lịch sử, gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh và truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân địa phương.
Tại làng Đồng Lư Hạ có chùa Thông, đền Thiên Quan (đền Xóm Tây) thờ chính Quan Bản thổ Tây Phương Đương giới, phối thờ 3 vị Đông Phương, Nam Phương, Bắc Phương và Thánh Mẫu Lan Nương - thân mẫu 3 vị thành hoàng làng.
Các vị thần được thờ đã có công trừ tai diệt họa đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân trong làng, âm phù cho ba vị thành hoàng làng là các tướng thời Hùng Vương đánh đuổi quân Thục, âm phù cho Thái Tử Linh Lang (con vua Lý Thánh Tông) đánh đuổi giặc Vĩnh Trinh, âm phù cho Đức Thánh Trần đánh đuổi quân Mông Nguyên qua vùng đất này.
Chùa Thông, đền Thiên Quan được xây dựng từ lâu đời. Công trình kiến trúc mang đậm phong cách nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Các đồ thờ, hiện vật có niên đại hàng trăm năm, góp phần bổ sung giá trị cho di tích và minh chứng cho bề dày lịch sử văn hóa địa phương.
Trên các cấu kiện kiến trúc còn lưu giữ được nhiều mảng chạm khắc, hoa văn, họa tiết với các đề tài độc đáo như: tứ linh, tứ quý, tứ quý hóa long, rồng, phượng, chữ triện… Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng chùa Thông, đền Thiên Quan vẫn giữ được kiến trúc cổ truyền của dân tộc, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê và Nguyễn. Hiện nay, chùa và đền còn lưu giữ được nhiều đồ thờ, hiện vật có giá trị như: câu đối, hoành phi, tượng Phật, tượng Thần, khám thờ, bát hương, hương án, ngai, bài vị… đặc biệt là hai tấm bia đá được tạc vào các năm 1623, 1712, cây hương đá, chuông đồng được đúc năm 1815. Các đồ thờ, hiện vật có niên đại hàng trăm năm, góp phần bổ sung giá trị cho di tích và minh chứng cho bề dày lịch sử văn hóa địa phương.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cụm di tích chùa Thông, đền Thiên Quan đã gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Trong thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, tháng 8 năm 1945, chùa Thông, đền Thiên Quan là nơi quy tụ lực lượng quần chúng nhân dân để tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, địa điểm hội họp, nơi đào hầm bí mật cất giấu vũ khí, tập hợp lực lượng, tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, chính quyền địa phương đã lựa chọn chùa Thông, đền Thiên Quan là nơi đặt ‘‘Hũ gạo cứu đói’’, ‘‘Tuần lễ vàng’’ ủng hộ kháng chiến và tổ chức các lớp ‘‘Bình dân học vụ’’ nhằm từng bước xóa nạn mù chữ cho người dân trong xã.
Năm 1947, tại chùa Thông, Huyện ủy Lý Nhân đã tổ chức lớp học bồi dưỡng chính trị cho các quần chúng ưu tú để kết nạp vào Đảng. Đầu năm 1950, chùa Thông được chọn làm địa điểm hội họp của chi ủy, chi bộ, khi đó cán bộ, đảng viên, du kích của xã dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Văn Duyên, Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã Chân Lý (cán bộ lão thành cách mạng, Liệt sỹ, thân phụ của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan). Thời kỳ này, nhiều đồng chí lãnh đạo của Huyện ủy Lý Nhân, Tỉnh ủy Hà Nam đã về đây trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Đây cũng là nơi liên lạc cơ sở cách mạng với các xã lân cận thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên, Thái Bình. Hiện nay, tại chùa Thông vẫn còn dấu tích của hai hầm bí mật, nơi hoạt động của chi bộ Đảng và Ủy ban kháng chiến xã Chân Lý. Đó là chứng tích của một thời oanh liệt và minh chứng cho bề dày truyền thống cách mạng của địa phương.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cụm di tích là nơi tiễn đưa hàng trăm thanh niên địa phương lên đường vào Nam chiến đấu. Nơi đây cũng đã diễn ra nhiều hoạt động tuyên truyền giáo dục con em địa phương phát huy truyền thống quê hương, làm tròn nghĩa vụ chiến đấu, sản xuất, chi viện cho tiền tuyến, góp phần cùng các địa phương trong cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Hòa bình lập lại, đền Thiên Quan được chọn là địa điểm dạy học của trường cấp I xã Chân Lý. Từ năm 1975 đến nay, cụm di tích chùa Thông, đền Thiên Quan là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân địa phương.
Trụ trì chùa Thông hiện nay là Đại đức Thích Thanh Dự. Trong thời gian trụ trì, Đại đức đã vận động, kêu gọi được nhiều nguồn công đức để trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, thường xuyên tổ chức các lớp tu tập cho nhân dân địa phương. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đóng góp của con em quê hương, hiện nay chùa Thông, đền Thiên Quan đã được trùng tu, tôn tạo tương đối khang trang, trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ con em địa phương.
Để góp phần bảo vệ và tôn vinh những giá trị về lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của cụm di tích chùa Thông, đền Thiên Quan, Bảo tàng tỉnh Hà Nam đã tiến hành khảo sát, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng. Ngày 30/11/2021, UBND tỉnh Hà Nam ra Quyết định số 2062/QĐ-UBND xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho cụm di tích, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn, phát huy giá trị cụm di tích một cách bền vững, tôn vinh cho di sản văn hóa của một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, tạo nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.