Chưa thống nhất ý kiến về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

Sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Theo đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa chủ trương, Nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa Hiến pháp 2013; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành, phù hợp với tình hình thực tiễn, thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh.

Về mục đích, quan điểm xây dựng Luật, Ủy ban cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau: Cần nhìn nhận điện ảnh dưới góc độ vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế; đặt ngành công nghiệp điện ảnh trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác và trong môi trường công nghệ số;

Luật cần bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến điện ảnh; khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, khả thi; tuân thủ Hiến pháp, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội phát triển ngành điện ảnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) vào sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cũng báo cáo Quốc hội về các vấn đề trình xin ý kiến Đại biểu Quốc hội, gồm:

Thứ nhất, Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 15).

Dự thảo Luật quy định 02 phương án đối với hình thức sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước: Phương án 1 - giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; Phương án 2 - giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu.

Đa số thành viên Chính phủ lựa chọn phương án 1 với lý giải nêu trong Tờ trình.

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban lựa chọn phương án 2, gồm cả hình thức đấu thầu, vì thực hiện đấu thầu tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân và phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp áp dụng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu.

Một số ý kiến đề nghị không thực hiện hình thức đấu thầu đối với sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, có mức đầu tư thấp, yêu cầu gấp về thời gian.

Thứ 2, về phổ biến phim trên không gian mạng (Điều 22).

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban cho rằng, cần kết hợp việc tổ chức, cá nhân phổ biến phim tự phân loại phim với việc cấp phép phân loại, trong đó chủ yếu là các tổ chức, cá nhân tự phân loại phim; nghiên cứu cấp phép phân loại đối với những cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trong điều kiện có thể cấp phép phân loại được.

Đề nghị nghiên cứu: (1) xây dựng bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết, minh bạch để các cơ sở sản xuất, phát hành, phổ biến phim có căn cứ tự kiểm duyệt và phân loại phim; (2) quy định trách nhiệm của đơn vị phát hành, phổ biến phim trong việc cung cấp công cụ đo lường, kiểm duyệt tự động; hiển thị cảnh báo cho người xem, gỡ bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu, cung cấp công cụ để người xem phản ánh nội dung vi phạm; (3) Quy định cụ thể các hành vi vi phạm để có căn cứ xử lý; (4) tăng cường năng lực quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm tra, giám sát; (5) nghiên cứu cơ chế huy động các tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, kiểm soát phổ biến phim.

Có ý kiến nhất trí với quy định tại Dự thảo Luật.

Thứ 3, về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (Điều 43).

Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được quy định tại Luật hiện hành nhưng đến nay chưa được thành lập. Dự thảo Luật tiếp tục quy định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban đề nghị cân nhắc quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trong Dự thảo Luật vì nội dung chi của Quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước; chưa đưa ra giải pháp về khả năng tài chính độc lập. Thực tế thời gian qua, khi thông qua một số luật, Quốc hội đã bãi bỏ một số quỹ đã được lập theo các luật chuyên ngành. Trường hợp có quy định thành lập Quỹ, đề nghị làm rõ mục đích, nguồn thu, cơ chế hoạt động và quản lý Quỹ.

Có ý kiến đề nghị Dự thảo Luật có quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhằm hỗ trợ, khuyến khích các tác giả, nhà làm phim triển vọng, có ý tưởng sáng tạo, tạo ra tác phẩm điện ảnh có giá trị văn hóa nghệ thuật cao.

Trâm Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chua-thong-nhat-y-kien-ve-thanh-lap-quy-ho-tro-phat-trien-dien-anh-post162991.html