Chưa tìm được nguyên nhân ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Chủ đầu tư đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết đang rà soát các nghi vấn để xác định chính xác nguyên nhân gây ngập trên cao tốc.
Chiều 31-7, để giải quyết tình trạng ngập nước tại Km25+419 dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận đã tổ chức cuộc họp để tìm giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, đến thời điểm này, báo chí chưa được cung cấp thông tin chính thức về nguyên nhân và giải pháp khắc phục sự cố.
Rà soát toàn bộ nghi vấn để tìm nguyên nhân
Chiều 31-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau cuộc họp trên, ông Nguyễn Quốc Nam, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, cho biết cuộc họp chỉ bàn bạc đưa ra các giải pháp khắc phục, khi có giải pháp chính thức, Sở GTVT sẽ có thông báo cho báo chí.
Trước đó, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu Ban quản lý dự án (BQLDA) Thăng Long báo cáo đánh giá nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng ngập nước tại Km25+419 trong thời gian tới.
Theo báo cáo trước đó (ngày 29-7) của BQLDA Thăng Long, từ ngày 27 đến 29-7, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận liên tục có mưa lớn kéo dài. Đặc biệt, đêm 28-7 có mưa liên tục với lượng mưa rất lớn. Đến khoảng 4 giờ 30 ngày 29-7 đã xảy ra ngập nước tại lý trình Km25+419 với phạm vi 100 m. Điểm sâu nhất chiều cao khoảng 70 cm, làm các xe không lưu thông được theo cả hai chiều.
Nguyên nhân sơ bộ xảy ra tình trạng ngập nước cục bộ tại lý trình Km25+419 do lượng mưa lớn, xảy ra liên tục. Nước từ hạ lưu không thoát kịp, chảy ngược lại phía thượng lưu tràn ra phạm vi đường cao tốc gây ngập cục bộ.
Tại khu vực hạ lưu cống Km25+419 có mương, suối hiện hữu (ngoài phạm vi dự án) thoát nước ra cầu Sông Phan Km24+384 thời điểm trên ghi nhận thực tế mực nước dâng đến vị trí đáy xà mũ cầu Sông Phan.
Về thiết kế, báo cáo của BQLDA Thăng Long cũng cho biết: Đoạn tuyến được thiết kế theo quy mô mặt cắt ngang bốn làn xe. Độ dốc dọc đoạn Km25+439-Km25+539 là 2,18%, độ dốc ngang 2,5% có siêu cao bụng đường cong phía trái tuyến. Cạnh đó là một cống thoát nước ngang khẩu độ 2,5x2,5 m.
“Khu vực trên được xác định đến nay các nhà thầu đã thi công hoàn thiện toàn bộ các hạng mục theo đúng nội dung hồ sơ thiết kế được duyệt” - báo cáo của BQLDA Thăng Long khẳng định.
Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM vào chiều 31-7, ông Đinh Công Minh, Giám đốc BQLDA Thăng Long (Bộ GTVT), cho biết cả ngày 31-7, đơn vị vẫn đang làm việc với Bộ GTVT để tìm hiểu nguyên nhân trên.
“Qua khảo sát ban đầu, BQLDA Thăng Long nhận thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngập đường. Trong đó có cả sự thay đổi diện mạo khu vực và dòng chảy sông Phan. Vì vậy, chúng tôi đang cho rà soát toàn bộ nghi vấn để tìm ra chính xác nguyên nhân” - ông Minh nói.
Giám đốc BQLDA Thăng Long cũng khẳng định, đoạn đường bị ngập trên khi thiết kế tư vấn đã tính toán và làm cống để thoát nước. Tuy nhiên, sau sự cố vừa rồi, đơn vị này đang phải kiểm tra lại các số liệu mà tư vấn tính toán để xem có phù hợp không. “Sau khi xác định nguyên nhân, chúng tôi mới đưa ra được phương án xử lý và sẽ công bố cho báo chí trong thời gian sớm nhất” - ông Minh cho hay.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngập đường, trong đó có cả sự thay đổi diện mạo khu vực và dòng chảy sông Phan. Vì vậy, BQLDA Thăng Long đang rà soát toàn bộ nghi vấn để tìm ra chính xác nguyên nhân.
Thủy văn khu vực sông Phan có là thủ phạm?
Tại vị trí xảy ra ra ngập sâu trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sau khi nước rút và lực lượng chức năng thực hiện điều tiết thì giao thông đã trở lại bình thường. Liên quan đến nguyên nhân ngập, dù hiện nay chưa có kết luận của cơ quan chức năng nhưng quan sát bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy độ võng ở vị trí bị ngập nước. Trong khi miệng cống có khẩu độ không lớn và ngay vị trí này trước khi có cao tốc lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về khá lớn.
Một trong những nguyên nhân mà BQLDA Thăng Long không loại trừ chính là khu vực dòng chảy sông Phan. Theo một nguồn tin riêng của Pháp Luật TP.HCM, tại thời điểm ngập, đập tràn sông Phan có xả tràn, tuy nhiên với lưu lượng không lớn.
Được biết sau khi sự cố ngập nước hy hữu xảy ra, BQLDA Thăng Long đã yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế và các bên liên quan có mặt tại hiện trường để cùng kiểm tra, đánh giá và đề xuất giải pháp khắc phục. BQLDA cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng đã yêu cầu tư vấn thiết kế kiểm tra ngay và tính toán thủy văn tại khu vực này.
Theo các chuyên gia, kỹ sư đường bộ, giải pháp ban đầu là cần làm nhiều kênh mương để chia nhỏ lưu lượng nước nhưng quan trọng nhất phải mở rộng khẩu độ miệng cống.•
Gia hạn thời gian hoàn thiện hai đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đến giữa năm 2024
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, khoảng 2 giờ 30 ngày 29-7, do mưa lớn, đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thuộc địa phận xã Sông Phan, huyện Hàm Tân nước tràn qua đường có đoạn sâu gần 1 m.
Các loại xe bốn chỗ, bảy chỗ đều không thể qua được, chỉ có xe tải, xe khách mới dám vượt qua đoạn ngập nước. Do sự cố này nên cao tốc bị kẹt xe kéo dài khoảng 10 km, nhiều xe phải rẽ xuống nút giao Quốc lộ 55 (huyện Hàm Tân) để ra Quốc lộ 1A.
Trước đó, Bộ GTVT vừa chấp thuận gia hạn hoàn thành các đoạn cao tốc từ Vĩnh Hảo đến Dầu Giây tới giữa năm 2024 để bổ sung một số hạng mục của dự án như đường gom dân sinh, cống thoát nước, cầu vượt, đèn tín hiệu giao thông... Theo bộ này, lý do chấp thuận gia hạn như trên nhằm phát huy hiệu quả, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại cho người dân.
Nguồn PLO: https://plo.vn/chua-tim-duoc-nguyen-nhan-ngap-cao-toc-phan-thiet-dau-giay-post744777.html