Chưa tới ngày bầu cử, ông Trump đã nói không công nhận kết quả nếu thua

Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump cho biết nếu thua cuộc trong kỳ bầu cử sắp tới, cựu tổng thống sẽ không chấp nhận kết quả và coi đó là gian lận.

"Tôi có thể thua, bởi vì họ gian lận. Đó là lý do duy nhất khiến chúng ta thua cuộc, vì họ đã gian lận" - Reuters dẫn lời ông Donald Trump tại một buổi vận động ở Michigan hồi tháng 9.

Chuẩn bị cho kịch bản thua cuộc

Sau khi thua cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2020, ông Trump và các đồng minh đã tìm cách lật ngược kết quả thông qua hàng chục vụ kiện. Cựu tổng thống cũng gây sức ép với các quan chức ở bang Georgia, trong khi những người ủng hộ ông xông vào Điện Capitol hôm 6-1-2021 nhằm ngăn cản phó tổng thống khi đó là ông Mike Pence xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden theo đúng thủ tục.

Năm 2024, ông Trump không còn đòn bẩy quyền lực của tổng thống như bốn năm trước. Đồng thời, các luật mới của tiểu bang và liên bang khiến việc tác động đến kết quả bầu cử khó khăn hơn.

Tuy nhiên, ông Trump và các đồng minh đã chuẩn bị cho kịch bản thua cuộc suốt nhiều tháng qua.

Cựu Tổng thống Donald Trump đang vào giai đoạn tranh cử nước rút. Ảnh: Detroit Free Press

Cựu Tổng thống Donald Trump đang vào giai đoạn tranh cử nước rút. Ảnh: Detroit Free Press

Cả hai đảng dự đoán quá trình kiểm phiếu có thể mất vài ngày sau ngày 5-11. Nếu ông Trump đang trên đà thua cuộc, tốc độ này sẽ tạo cơ hội cho ứng viên đảng Cộng hòa đưa ra các tuyên bố về "bầu cử gian lận" và cố gắng làm suy yếu lòng tin của công chúng vào các quan chức giám sát bầu cử.

Cựu tổng thống có khả năng khuyến khích những người ủng hộ đưa ra lập trường tương tự. Dù chưa thắng cử, ông Trump đã đe dọa sẽ bỏ tù những người làm công tác bầu cử và các công chức khác vì "hành vi vô đạo đức".

Thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, họp báo và phỏng vấn, ông Trump có thể lan truyền thông điệp trực tiếp đến công chúng Mỹ mà không cần chờ bằng chứng hay kết luận.

Trong khi đó, các đồng minh của ông Trump ở những bang quan trọng - như quan chức bầu cử, nhà lập pháp và thậm chí là thẩm phán - có thể tìm cách trì hoãn việc xác nhận số phiếu chính thức của bang, thông qua các khiếu nại về gian lận.

Những quy định mới

Những nỗ lực vừa nêu đã bất thành vào năm 2020.

Theo các chuyên gia về luật bầu cử, luật pháp mỗi bang nêu rõ các quan chức địa phương không có thẩm quyền hủy bỏ các lá phiếu hoặc làm chệch hướng tiến trình bỏ phiếu.

Tất cả bang phải nộp tổng số phiếu đã chứng nhận trước khi đại cử tri đoàn họp vào tháng 12 và các đại cử tri sẽ bỏ phiếu. Sau đó, số phiếu bầu này được chuyển đến quốc hội Mỹ để chính thức công nhận chủ nhân mới của Nhà Trắng vào tháng 1-2025.

Tuy nhiên, sự phản đối từ nhóm ông Trump có thể dẫn tới việc chậm trễ các thời hạn trên.

Bên cạnh đó, quốc hội Mỹ đã thông qua luật cải cách, ghi rõ phó tổng thống không có thẩm quyền trì hoãn chứng nhận hoặc hủy bỏ kết quả của một bang, như cách ông Trump thúc giục ông Pence hành động hồi năm 2020.

Luật cũng quy định không ai có quyền phủ nhận số phiếu bầu của một bang, trừ khi 1/5 thành viên của mỗi viện tại quốc hội đồng tình. Sau đó, mỗi viện phải đạt đa số phiếu bầu thì mới hợp lệ hóa việc bác bỏ kết quả.

Mọi tuyên bố ám chỉ "bầu cử gian lận" của ông Trump đều có khả năng dẫn tới bất ổn, như Mỹ từng chứng kiến vào ngày 6-1-2021. Tuy nhiên, việc hàng trăm người bạo loạn tại Điện Capitol bị kết án và bỏ tù có thể là một biện pháp răn đe mạnh mẽ với những ai cân nhắc thực hiện hành vi tương tự.

Phương Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chua-toi-ngay-bau-cu-ong-trump-da-noi-khong-cong-nhan-ket-qua-neu-thua-196241018001325129.htm