'Chùa Treo' nặng 10 tấn lơ lửng giữa bờ vực - Đứng vững ngàn năm nhờ bí thuật cắm sâu vào vách núi
Tu viện Huyền Không được tạp chí Times bầu chọn là một trong '10 công trình kiến trúc bí hiểm và đáng sợ nhất thế giới', với tuổi đời 1.500 năm.
Tọa lạc trên vách núi Hằng Sơn, cách thành phố Đại Đồng (tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc) khoảng 40 dặm về phía Tây Nam, Chùa Treo hay Tu viện Huyền Không, là một mảnh ghép đáng kinh ngạc của kiến trúc Trung Quốc cổ đại.
Chùa Treo được xây dựng vào những năm cuối triều đại Bắc Ngụy (năm 491) và có lịch sử hơn 1.500 năm. Chùa được thiết kế theo phong cách kiến trúc "nhất viện nhị lầu" - một viện (hay còn gọi là sảnh lớn) cùng hai tháp nối với nhau bằng cầu treo, tổng chiều dài 32m với khoảng 40 gian.
Hai tòa tháp chính, được đặt tên là Tháp Bắc và Tháp Nam, nằm đối mặt với nhau, ba mặt có hành lang núi bao quanh, bên trong là sáu điện chính và các gian đường thông nhau.
Tuy nhiên, Tu viện Huyền Không, ngôi chùa nằm giữa khung cảnh núi rừng nên thơ ấy lại được tạp chí Times bầu chọn là một trong "10 công trình kiến trúc bí hiểm và đáng sợ nhất thế giới" vào năm 2010 bởi vị trí độc đáo cheo leo trên vách núi dốc cách mặt đất hơn 50m.
Bí thuật trong vách núi
Hầu như tất cả những ai đã từng ghé qua nơi đây đều sẽ thắc mắc: Tại sao Chùa Treo có thể đứng vững trên vách núi cao hiểm trở như vậy trong 1.500 năm?
Với trọng lượng nặng tới hơn 10 tấn, cộng thêm việc phải trải qua không ít những trận động đất và thiên tai trong một thời gian dài, dường như tồn tại một loại keo đặc biệt nào đó giúp ngôi chùa dính chặt vào vách đá chênh vênh. Một số người còn cho rằng ngôi chùa đứng vững là do sự hỗ trợ của hàng chục trụ đỡ.
Trên thực tế, theo những ghi chép trong tài liệu "Những di sản văn hóa Thành phố Đại Đồng" của Cục di tích Văn hóa thành phố Đại Đồng, những trụ đỡ mà chúng ta nhìn thấy ngày nay chỉ được thêm vào rất lâu sau khi Chùa Treo được xây dựng để cố định lại những vị trí không còn nền móng, đồng thời cũng để trấn an những người lo lắng rằng di tích này sẽ bị đổ xuống.
Những gì thực sự đang nâng đỡ và cố định cho ngôi đền là 27 thanh xà bằng gỗ cắm sâu vào vách đá. Những thanh gỗ ngang này được gọi là "Thiết biển đam" (loại gỗ Thiết Sam đặc biệt ở địa phương được gia công thành xà hình vuông rồi đem cắm sâu vào trong vách đá).
Tất cả giá đỡ bằng gỗ được ngâm trong dầu Tung (một loại cây ở Trung Quốc có tên khoa học Vernicia fordii), để chống ẩm và ăn mòn.
Theo ghi chép về Tu viện Huyền Không được lưu giữ tại tu viện Bảo Liên, việc gia công và sắp đặt một xà gỗ như thế này là vô cùng công phu, bởi để chống đỡ một công trình nặng tới 10 tấn thì mỗi một điểm đặt móng đều phải được tính toán vô cùng kỹ càng.
Có cây gỗ được gia công để chịu trọng lực, có cây lại dùng để cân đối độ cao thấp của điện thờ, có cây lại để gia tăng trọng lượng phía trên, như vậy mới có thể phát huy được tác dụng chống đỡ của nó.
Đầu tiên, các nghệ nhân cổ sẽ thực hiện đục các lỗ cố định trên bề mặt vách đá, sau đó đưa các thanh xà vào trong, tương tự như loại bu-lông nở ngày này. Chúng sẽ cố định và bám chắc vào vách đá.
Lỗ khoan đưa các thanh dầm vào sâu hơn ⅔ chiều ngang của núi, lấy tảng đá làm điểm tựa, những trụ dầm này có thể chịu được trọng lượng tới hơn 10 tấn. Các chuyên gia đánh giá, kỹ thuật xây dựng ngôi chùa rất sáng tạo và khó thực hiện, ngay cả khi công nghệ phát triển hiện đại như ngày nay.
Vị trí đắc địa của Chùa Treo
Ngoài ra, việc thiết kế và lựa chọn địa điểm xây dựng cũng là một lý do quan trọng khác để bảo tồn chùa. Ngôi chùa nằm ở phần lõm vào trong của vách đá và phần nhô ra giống như một chiếc ô che chắn giúp ngôi chùa ít bị chịu ảnh hưởng từ mưa và đá rơi.
Nơi đây, mỗi năm chỉ có 3 tháng ánh mặt trời chiếu rọi trực tiếp với thời lượng là 2 giờ mỗi ngày giúp cho ngôi chùa không bị ánh nắng hủy hoại. Khí hậu khô nhiều gió cũng khiến cho kết cấu gỗ của ngôi chùa không bị mục nát.
Tu viện Huyền Không cách mặt nước tới 90m nên mặc cho mưa lũ, hồng thủy dâng trào, cũng không lo bị nhấn chìm, tránh được nguy cơ bị ngập.
Tôn giáo hội tụ
Ngoài thiết kế kiến trúc độc đáo, Chùa Treo còn nổi tiếng trên toàn thế giới với vai trò là một di sản tôn giáo. Điều làm cho chùa trở nên độc đáo trên quan điểm tâm linh đó là thực tế nó đại diện cho cả ba tôn giáo chính ở Trung Quốc: Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo.
Từ xưa đến nay, Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo, mỗi tôn giáo đều có quan điểm riêng, vì vậy, các đền chùa hiện nay phần lớn chỉ thờ một tôn giáo nhưng riêng Tu viện Huyền Không lại là nơi hợp nhất ba tôn giáo tồn tại cùng lúc suốt 1.500 năm qua.
Đặc biệt hơn cả, Chùa Treo đặt tượng điêu khắc của Lão Tử, Khổng Tử và Thích Ca Mâu Ni - những người sáng lập ra ba tôn giáo chính của Trung Quốc - đứng cạnh nhau ngay trong một điện thờ. Ngôi đền tự hào có một bộ sưu tập các bức tượng tôn giáo tuyệt đẹp với 80 tác phẩm được chạm khắc từ đồng, sắt, đất nung và đá.
Trên thực tế, đã có rất nhiều giả thuyết được đặt ra để lý giải về việc 3 tôn giáo lớn được hợp nhất tại Chùa Treo. Có người cho rằng người xưa làm vậy để tiện cho việc thờ cúng trong chiến tranh, có giả thuyết lại viết ba tôn giáo hội tụ để trấn cho vùng đất này không trở nên loạn lạc.
Dù lý do thực tế hiện nay vẫn chưa được làm rõ, nhưng Chùa Treo ngày nay không chỉ là một địa điểm du lịch hấp dẫn mà còn là điểm dừng chân quen thuộc với các nhà tu hành của ba tôn giáo. Họ đến đây tìm kiếm sự kiên định và bình yên, bởi họ tin rằng khi vượt qua nỗi sợ ở một nơi cheo leo hiểm trở như vậy, trong tâm sẽ trở nên vững vàng và an yên hơn.