Chùa Triều Khúc 'làm giá' cho lễ quy y Tam bảo
Chùa Triều Khúc 'nói không' với việc tùy tâm đóng góp và như vậy đang đi ngược lại với giáo lý nhà Phật.
Quy y Tam bảo là nghi lễ của đạo Phật, là việc cần và đủ cho một người Phật tử khi muốn nương tựa và tu học theo giáo pháp của Đức Như Lai. Nhưng quy y không bắt buộc. Bất kỳ ai muốn quy y Tam bảo, phải tự thân tìm hiểu và cảm nhận được những giá trị cao đẹp của đạo Phật rồi nguyện nương tựa và thực hành theo. Và chỉ có như vậy, tín đồ đó mới chính thức trở thành một Phật tử đúng pháp.
Chính vì hiểu được những giá trị tốt đẹp của giáo lý nhà Phật mà người dân làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội thường đăng ký quy y Tam bảo khi tuổi tròn 50, có người sớm hơn thì 40 hoặc 45 tuổi. Quy y Tam bảo đã trở thành nét đẹp của người dân nơi đây.
Đến chùa cũng “làm giá” cho các loại lễ
Tết năm 2020, chùa Hương Vân Tự hay còn gọi là chùa Triều Khúc làm lễ quy y Tam bảo cho 50 người. Tuy nhiên còn rất nhiều người dân ở Tân Triều muốn được quy y tại ngôi chùa linh thiêng có dấu tích từ thời nhà Đinh này. Nhưng điều cản trở khiến họ chưa có điều kiện quy y Tam bảo đó là kinh phí đóng góp khi đăng ký quy y tại chùa.
Số tiền 1,6 triệu đồng/người chùa Triều Khúc thu khi đăng ký quy y là quá lớn. Anh Triệu Bảo Lâm, một người con của làng Triều Khúc, xã Tân Triều cho biết: “Gia đình tôi năm nay có 3 người muốn đăng ký quy y Tam bảo nhưng khi hỏi thủ tục đăng ký thì thấy thông báo mỗi người đóng góp 1,6 triệu đồng. Số tiền đó là quá lớn. Tôi cũng muốn được biết số tiền đó có phải là quy định bắt buộc của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của chính quyền đối với người dân khi đi đăng ký quy y, hay đó chỉ là quy định riêng của chùa Triều Khúc. Và tôi cũng muốn biết với số tiền như vậy thì phải chi phí cho những việc gì, vì bản thân tôi thấy số tiền đó là quá nhiều. Tôi cũng đi nhiều chùa chiền và bạn bè tôi cũng quy y nhiều nhưng chưa thấy chùa nào có quy định thu với số tiền như vậy?”.
Thắc mắc của anh Lâm cũng là thắc mắc của nhiều người dân ở làng Triều Khúc. Nhiều người đăng ký và đóng tiền nhưng trong lòng vẫn có những nghi ngại mà không dám hỏi ai. Còn những người dám hỏi thẳng như anh Lâm thì không được sư trụ trì giải đáp thỏa đáng. Khi anh Lâm đến chùa để hỏi thì được một người già trong làng, theo giúp việc thầy trụ trì đã lâu có tên là Huệ nói rằng:
“Ở chùa là do thầy quyết định còn chính quyền không can thiệp vào đây. Còn các anh thích thì các anh quy, các anh không thích thì các anh thôi. Ở đây thầy không nói 2 lời mà chính quyền không can thiệp. Trước đây thu 200.000đ, 300.000đ rồi lên đến 500.000đ. Năm trước là 1,1 triệu đồng trong đó có 100.000đ tiền lễ còn năm nay thu 1,6 triệu đồng trong đó có 100.000đ tiền lễ".
Khi được thắc mắc rằng tiền quy y là tùy tâm. Ở nhiều ngôi chùa khác không thấy có chuyện thu tiền như vậy, sao chùa Triều Khúc lại thu số tiền lớn đó thì bà Huệ đanh thép trả lời: “Các nơi khác, còn ở đây khác”.
Khi anh Lâm nói rằng Phật tử thì cũng cần được giải đáp thắc mắc, lập tức thầy trụ trì Thích Thanh Vịnh, đứng phắt dậy, nói rằng: “Chưa quy chưa được xưng là Phật tử. Bao giờ đi quy mới được xưng là Phật tử. Mà Phật tử không bao giờ có quyền điều tra nhà chùa cả”, rồi thầy bỏ đi.
Giáo lý nhà phật không có quy định bắt buộc về việc thu phí làm lễ
Theo giáo lý nhà Phật, chúng ta đến với đạo Phật không phải là van xin cầu cạnh, mà đến để học cách sống như thế nào cho có an vui và hạnh phúc. Vì vậy, khi bản thân đã biết trở về nương tựa Tam bảo thì cần phải tìm hiểu giáo pháp cho tường tận, để từ đó có cái nhìn đúng đắn và thấu suốt. Nhưng để được bước chân vào cửa Phật, học theo giáo lý nhà Phật mà người dân phải đối mặt với kiểu làm việc “cửa quyền” của nhà chùa, cách tiếp dân "bề trên" của sư trụ trì, khiến cho người dân cảm thấy ái ngại khi đặt đức tin.
Những thắc mắc của người dân ở làng Triều Khúc đã được Hòa thượng, TS. Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội Đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin – Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam giải đáp rằng: Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có quy định nào bắt buộc về việc nộp phí khi người dân đăng ký quy y Tam bảo. Bất cứ người dân nào muốn đều có thể tự nguyện đăng ký quy y tại bất kỳ ngôi chùa nào mà thấy thuận tiện. Còn tiền đóng góp là tùy tâm, người 50.000đ, người 100.000đ, ngay cả không có thì nhà chùa vẫn làm lễ cho. Điều quan trọng chủ yếu của quy y là để người dân hiểu được đạo Phật như thế nào, biết được đạo Phật, biết được giáo lý đạo Phật, biết được về sự tích của Phật…Phải nghe theo lời răn, dạy của Phật. Đã là đệ tử của Phật thì là công dân tốt, sống lương thiện làm nhiều điều thiện giúp đỡ người khác. Cốt là để như vậy”.
Ngay bản thân thầy Thích Gia Quang cũng cho rằng với số tiền 1,6 triệu/người đóng khi đăng ký quy y Tam bảo là một số tiền lớn. Điều này đi ngược lại với giáo lý nhà Phật.
Hòa Thượng Thích Gia Quang cũng thắc mắc nhà chùa làm gì mà thu nhiều tiền của phật tử đến vậy. “Giáo hội Phật giáo Việt Nam không biết được chuyện đó. Nếu biết sẽ cảnh báo và nhắc nhở thầy trụ trì của chùa không được làm như vậy. Đó là điều không nên làm”, Hòa thượng Thích Gia Quang nói.
Còn Thượng Tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời trụ trì Trụ Trì Chùa Yên Phú và Chùa Pháp Hoa cho hay, chùa thầy trụ trì khi tổ chức làm lễ quy y Tam bảo cho người dân cũng không có chuyện thu phí như vậy. Không có chùa nào quy định và càng không có chuyện Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định. Đó là tùy tâm của mỗi người dân khi quy y. “Mọi tín ngưỡng, quy y đều tự nguyện, tự giác. Mỗi người 1 ly, 1 lai, cúng nhiều, cúng ít đều tùy tâm. Mình không nên có quy định, định hình một cái gì. Trong Phật giáo không có quy định như thế”.
Thu tiền lễ còn là để “trả nợ”.
Khi phóng viên VOV.VN liên hệ làm việc với thầy Thích Thanh Vịnh, chủ trì chùa Triều Khúc thì được thầy báo bận không tiếp. Phóng viên đến chùa đúng lúc thầy đang làm lễ quy y cho 50 người dân. Mở đầu buổi lễ, thầy thông báo với người dân rằng số tiền 1,6 triệu/người nhà chùa thu của người đăng ký quy y là mong mọi người gánh giúp thầy khoản nợ (nợ trùng tu chùa-PV). Tuy nhiên câu chuyện của thầy Vịnh dường như đánh tráo khái niệm giữa tự nguyện quy y tam bảo và tự nguyện đóng trùng tu chùa. Số tiền đó bao gồm 100.000 đồng là tiền lễ, còn lại là tiền để gánh nợ cùng thầy.
“Các phật tử đến đây tự tâm, tự nguyện. Ai đến đây đăng ký là tôi làm thủ tục cho chứ có bắt ép ai đi quy đâu. Chùa làm xong rồi nhưng nợ vẫn còn. Chả lẽ giờ thầy gánh quang gánh đi chống gậy trong thôn, trong xóm quyên góp, không hay!” - thầy Thích Thanh Vịnh giải trình và than thở.
Những lời giải thích của thầy Thích Thanh Vịnh đưa ra không giải đáp thỏa đáng được những nghi ngại của những Phật tử chân chính và đặt niềm tin vào thầy bao năm nay. Số tiền làm lễ quy y Tam bảo tăng theo năm tháng và thầy là người có toàn quyền quyết định. Chùa Triều Khúc “nói không” với việc tùy tâm đóng góp và như vậy đang đi ngược lại với giáo lý nhà Phật. Vậy số tiền thu được từ việc làm lễ quy y Tam Bảo sẽ được chi tiêu và trả nợ cho thầy như thế nào?
Khi được hỏi về vấn đề này, chính quyền xã Tân Triều cũng không hề hay biết. Chính quyền xã và UBMT Tổ quốc xã nói sẽ làm việc với sư trụ trì về việc này để làm rõ những thắc mắc, nghi ngại của người dân nơi đây./.
VOV.VN sẽ thông tin tiếp đến độc giả.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/chua-trieu-khuc-lam-gia-cho-le-quy-y-tam-bao-1008876.vov