Chưa xác định được nguyên nhân động đất tại tỉnh Kon Tum, sẽ lắp đặt thêm trạm quan trắc

Nguyên nhân động đất tại tỉnh Kon Tum vẫn chưa được xác định. Trước mắt sẽ lắp đặt thêm các trạm quan trắc động đất; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân.

Chưa ghi nhận thiệt hại sau trận động đất 4,7 độ Richter

Chiều 24/8, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức họp thảo luận các biện pháp ứng phó với động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Cuộc họp do ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai chủ trì. Cùng sự tham dự của đại diện Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Đại diện tập đoàn Điện lực Việt Nam; Trung tâm cảnh báo Động đất sóng thần – Viện Vật lý địa cầu; đại diện tỉnh Kon Tum, tỉnh Quảng Nam; lãnh đạo huyện Kon Plông; đại diện thủy điện Đăk Đrinh và thủy điện Thượng Kon Tum.

Trận động đất 4,7 độ Richter ngày 23/8 tại tỉnh Kon Tum chưa ghi nhận thiệt hại về người, làm hư hại mái ngói 1 ngôi nhà (do nhà đã cũ, xuống cấp)

Trận động đất 4,7 độ Richter ngày 23/8 tại tỉnh Kon Tum chưa ghi nhận thiệt hại về người, làm hư hại mái ngói 1 ngôi nhà (do nhà đã cũ, xuống cấp)

Theo Phó Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai – ông Trần Quang Hoài, động đất đã xảy ra liên tục tại tỉnh Kon Tum với mật độ rất dày. Nhất là tại khu vực của thủy điện Thượng Kon Tum. Cuộc họp nhằm đánh giá lại diễn biến của trận động đất vừa qua xảy ra thế nào, thiệt hại do các trận động đất vừa qua gây ra, để có thông tin cho người dân cũng như xem xét mức độ an toàn của các công trình, nhất là các công trình công cộng, nhà dân, công trình giao thông. Thông tin cho cộng đồng cũng như sẵn sàng ứng phó với động đất với cường độ như vậy hoặc lớn hơn để người dân không hoảng loạn cũng như là ứng phó với động đất phù hợp nhất, giảm thiểu thiệt hại.

Báo cáo tại cuộc họp, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, từ năm 1903 – 2020 tại khu vực tỉnh Kon Tum ghi nhận 33 trận động đất với cường độ M=2,5 – 3,9. Từ tháng 02/2021, động đất xuất hiện và có xu hướng gia tăng. Trong năm 2021 đã ghi nhận 114 trận động đất. 8 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 146 trận.

Trong đó, có 2 đợt xảy ra động đất với tần suất dày đặc. Gồm, từ ngày 15-28/4/2022, đã xảy ra liên tiếp 41 trận với M = 2,5 - 4,5, trong đó ngày 15/4 độ lớn 4,1 và ngày 18/4 độ lớn 4,5. Từ ngày 23-24/8/2022, đã xảy ra liên tiếp 12 trận động đất với M = 2,5 – 4,7, trong đó trận động đất lúc 14h08’ ngày 23/8 có độ lớn 4,7 (tương đương cường độ động đất tại thủy điện Sông Tranh 2).

Theo nhận định sơ bộ của Viện Vật lý địa cầu, cường độ động đất trong khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có thể lên tới 5,5 độ Richter.

Về thiệt hại, trong trận động đất độ lớn 4,7 vào hồi 14h08’ ngày 23/8 đã gây rung chấn trong khu vực huyện Kon Plong và các địa phương lân cận (Quảng Nam, Đà Nẵng). Theo báo cáo ban đầu của các địa phương, động đất đã làm hư hại mái ngói của 01 nhà tại xã Đăk Ring, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum; trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không ghi nhận thiệt hại.

Để ứng phó với động đất, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo ứng phó với động đất trong khu vực. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã chủ trì họp với các bộ ngành, đơn vị liên quan về ứng phó với động đất. Trong ngày 24/8 đã cử đoàn công tác trực tiếp đến huyện Kon Plong để kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế và phối hợp với địa phương chỉ đạo ứng phó.

Tại tỉnh Kon Tum, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum chỉ đạo tổ chức 02 đoàn công tác của huyện Kon Plong kiểm tra, đánh giá tác động và mức độ ảnh hưởng của các trận động đất đã xảy ra đối với nhà ở của nhân dân, trụ sở làm việc, trường học, y tế và các công trình cơ sở hạ tầng; sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời khi có tình huống; thực hiện tuyên truyền, phổ biến thông tin về động đất qua Đài Phát thanh, truyền hình tỉnh, huyện, hệ thống Đài truyền thanh xã.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có chỉ đạo các huyện, thị, đơn vị, doanh nghiệp chủ động theo dõi, ứng phó với động đất.

Công ty thủy điện Thượng Kon Tum đã tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng an toàn công trình và thiết bị của Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum. Hiện chưa phát hiện hư hỏng hay sự cố bất thường.

Thống kê các trận động đất tại tỉnh Kon Tum 8 tháng đầu năm 2022 (Ảnh: BCĐQG về phòng chống thiên tai)

Thống kê các trận động đất tại tỉnh Kon Tum 8 tháng đầu năm 2022 (Ảnh: BCĐQG về phòng chống thiên tai)

Chưa xác định được nguyên nhân động đất, sẽ lắp đặt thêm 3 trạm quan trắc động đất trước 3/9

Thông tin tại cuộc họp, ông Phạm Thế Truyền – Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết, nhận định bước đầu chuỗi động đất là động đất kích thích gây ra do hồ chứa, nhưng chưa khẳng định nguyên nhân phát sinh. Viện Vật lý địa cầu sẽ tiếp tục khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về nguyên nhân động đất tại khu vực này. Trước mắt, để kịp thời cảnh báo, nghiên cứu nguyên nhân động đất, trước ngày 03/9, đơn vị sẽ triển khai lắp đặt thêm 03 trạm quan trắc động đất tại khu vực huyện Kon Plông. Theo Phó Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum, dù chưa gây thiệt hại về người, tuy nhiên, người dân đang lo lắng khi liên tục xảy ra động đất. Trước mắt, địa phương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về động đất, các kịch bản diễn tập ứng phó với động đất và ổn định tư tưởng, tránh tạo tâm lý hoang mang cho người dân.

Còn theo đại diện Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Xây dựng), qua khảo sát thực tế cho thấy với mức độ động đất như hiện tại theo quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam thì các công trình thủy điện, thủy lợi, công trình dân dụng vẫn trong tầm kiểm soát.

Kết luận tại cuộc họp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Vật lý địa cầu) khẩn trương lắp đặt 03 trạm quan trắc động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và 02 trạm quan trắc tại thủy điện Đăk Đrinh. Đánh giá, xác định nguyên nhân, cường độ động đất lớn nhất có thể xảy ra làm cơ sở để các Bộ ngành, địa phương triển khai ứng phó.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam thông tin, truyên truyền về các biện pháp ứng phó với động đất theo tài liệu do Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai và Viện Vật lý địa cầu cung cấp. Tổ chức đánh giá nơi ở an toàn, công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để có giải pháp ứng phó kịp thời.

Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn EVN chỉ đạo kiểm tra, đánh giá, xem xét việc tích nước các hồ chứa trên cơ sở xác định nguyên nhân của Viện Vật lý địa cầu.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức nghiên cứu, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất tại khu vực và đề xuất các giải pháp ứng phó.

Chủ đầu tư các công trình thủy điện Thượng Kon Tum và Đăk Đrinh khẩn trương tổ chức đầu tư, lắp đặt và vận hành bổ sung trạm quan sát động đất, truyền thông tin, dữ liệu về Viện Vật lý địa cầu phục vụ công tác dự báo, cảnh báo (thủy điện Thượng Kon Tum: 03 trạm; thủy điện Đăk Đrinh: 02 trạm). Thực hiện vận hành đảm bảo đúng quy trình liên hồ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; báo cáo kịp thời các tình huống xảy ra.

Về hoạt động của 2 thủy điện tại khu vực xảy ra động đất:

Tại thủy điện Thượng Kon Tum, dung tích hồ thủy điện là 145,5 triệu m3. Mực nước hiện tại: 1.151,22m (thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ 5,78m); mực nước đầu thời kỳ mùa lũ (ngày 01/7) là 1.152,18 (thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ là 4,82m). Hồ Thượng Kon Tum thực hiện tích nước đúng Quy vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sê San.

Hồ thủy điện Đăk Đrinh dung tích toàn bộ: 248,51 triệu m3. Mực nước hiện tại: 406,35m (7h00 ngày 24/8) (Cao hơn mực nước cao nhất trước lũ từ 01/9 là 1,35 m). Hồ Đăk Đrinh cần thực hiện hạ dần mực nước về cao trình 405m trước ngày 01/9 theo quy định tại Quy trình vận liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chua-xac-dinh-duoc-nguyen-nhan-dong-dat-tai-tinh-kon-tum-se-lap-dat-them-tram-quan-trac-218038.html