Chưa xem xét miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020, dự kiến sẽ làm ngân sách nhà nước giảm thu khoảng 1.400 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày báo cáo của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày báo cáo của Chính phủ.

Theo báo cáo của Chính phủ, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được thu từ 1/9/2017. Sau gần 3 năm thực hiện Nghị định số 82/2017/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đã phê duyệt được gần 4.000 quyết định cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) đến tháng 6/2020 khoảng 10,6 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2020, ước tính số tiền thu nộp NSNN năm 2020 khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng, trong đó số tiền đã thu nộp đến tháng 6/2020 khoảng 0,6 nghìn tỷ đồng.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đề xuất Quốc hội miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020 cho các tổ chức, cá nhân, góp phần giảm chi phí sản xuất, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn, góp phần thúc đẩy những ngành nghề sản xuất khác và duy trì được việc làm hiện có.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) Nguyễn Đức Hải, việc trình Quốc hội ban hành chính sách miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020 chưa đầy đủ căn cứ.

Lý do là bởi các doanh nghiệp khó khăn đã được hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Người dân gặp khó khăn do đại dịch đã được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân. Chính sách miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cũng là chính sách hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phục vụ sản xuất, kinh doanh. Do đó, về đối tượng hỗ trợ đã có phần trùng lặp với các chính sách trước đó của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc đề nghị miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho cả 3 nhóm đối tượng là quá rộng, dàn trải. Trong khi đó, tờ trình cũng như báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ không có số liệu cho thấy sự khó khăn trong sản xuất, việc tăng, giảm sản lượng sản xuất của các đối tượng, cũng như sự thua lỗ trong kết quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước trong đại dịch Covid 19 và không làm rõ số dự kiến nộp NSNN từ các đối tượng sử dụng tài nguyên nước trong năm 2020.

Có ý kiến cho rằng, trên thực tế các lĩnh vực sản xuất điện, nước sạch... là các đơn vị khai thác nguồn tài nguyên nước lớn nhất, không chịu ảnh hưởng và thiệt hại nhiều của đại dịch Covid-19, việc sản xuất kinh doanh vẫn có lãi do các đơn vị sản xuất điện (nhà máy thủy điện), cấp nước (nhà máy cấp nước) không do Nhà nước định giá hoặc quyết định giá bán, trong khi nhu cầu sử dụng điện, nước trong thời gian dịch bệnh không giảm nhiều và đây là các hàng hóa thiết yếu sử dụng tài nguyên quốc gia cần được sử dụng tiết kiệm, tránh lãng phí. Do vậy, việc miễn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước sẽ không thực sự tác động đến người dân mà chủ yếu có thể hỗ trợ cho các DN đang làm ăn, kinh doanh có lãi.

Mặt khác, nguồn thu từ cấp quyền khai thác tài nguyên nước là nguồn thu quan trọng, có liên quan đến công tác bảo vệ rừng, an ninh nguồn nước, có ảnh hưởng lớn đến nguồn thu quan trọng của một số địa phương miền núi đang nhận trợ cấp của ngân sách trung ương. Thời gian áp dụng còn lại quá ngắn và phải xử lý tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã nộp trong năm 2020 và khấu trừ vào số thu năm 2021.

Vì vậy, UBTCNS cho rằng, để bảo đảm có căn cứ trình Quốc hội Chính phủ cần báo cáo cụ thể về số thu nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tình hình sản xuất kinh doanh của từng nhóm đối tượng, theo đó phân định các đối tượng thực sự khó khăn cần được hỗ trợ nhằm đảm bảo chính sách hỗ trợ của Nhà nước đúng đối tượng, không dàn trải và tránh trục lợi chính sách.

Các quan điểm, căn cứ này của cơ quan thẩm tra đều được các thành viên UBTVQH đồng tình. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, chưa nên xem xét chính sách này bởi năm nay thu ngân sách rất khó khăn, trong khi đây lại là nguồn thu ổn định của một số địa phương ở đầu nguồn, có trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên./.

Dương An

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2020-09-18/chua-xem-xet-mien-tien-cap-quyen-khai-thac-tai-nguyen-nuoc-92442.aspx